Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, qua nhận định của các chuyên gia y tế, vẫn còn rất sớm để nói về tác động nặng hay nhẹ của COVID-19 đối với trẻ em; tuy nhiên qua theo dõi các trẻ mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh thường không có diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong ít hơn so với người lớn.
“Tuy vậy, chúng ta cần phải cảnh giác đối với nhóm trẻ suy dinh dưỡng vì hệ miễn dịch kém cũng như những trẻ béo phì và có bệnh nền. Do đó, phụ huynh cần cân nhắc tiêm vaccine cho các con ngay khi đến lượt để tạo miễn dịch tốt, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng dịch tốt cho trẻ”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn chính thức về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 -11 tuổi. Tuy nhiên, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch tiêm cho trẻ 5-11 tuổi để khi Bộ Y tế có hướng dẫn sẽ triển khai ngay.
Theo đó, dự kiến TP Hồ Chí Minh có khoảng 970.000 trẻ từ 5-11 tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có 950.000 trẻ đang đi học và 20.000 trẻ chưa đi học. Dự kiến Thành phố sẽ tiêm mũi một trong vòng 30 ngày và mũi hai là 30 ngày. Khoảng cách giữa hai mũi theo quy định của Bộ Y tế.
“Trong khi đợi Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể và UBND TP có kế hoạch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã chủ động tập huấn hướng dẫn các địa phương giám sát tiêm chủng, bảo quản vaccine, xử lý các tình huống để chuẩn bị tốt nhất việc tiêm vaccine cho trẻ khi triển khai công tác này”, ông Nguyễn Hồng Tâm nói.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm nhấn mạnh, việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ phải có sự đồng ý của phụ huynh và hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Trường hợp gia đình trẻ không đồng ý, về nguyên tắc trẻ vẫn đi học bình thường. Ngành y tế cố gắng cùng địa phương, nhà trường để vận động, thuyết phục phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ tốt nhất cho trẻ.