Hiện, TP Hồ Chí Minh có 2.322 xe buýt tham gia hoạt động trên 137 tuyến xe buýt; trong đó, có 767 xe có niên hạn sử dụng trên 10 năm. Thời gian qua, Thành phố đã triển khai đầu tư xe buýt mới gắn với thay thế xe buýt cũ, sức chứa chủ yếu từ 17 – 40 hành khách (xe nhỏ) và từ 41 – 60 hành khách (xe trung bình) với 1.444 xe.
Về đặc thù mạng lưới tuyến xe buýt TP Hồ Chí Minh, hầu hết các tuyến đường tập trung với mật độ khá cao trong khu trung tâm (chiếm khoảng 67%), nhu cầu đi lại phần lớn là từ các khu vực ngoại thành đi về trung tâm thành phố và ngược lại. Mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá đạt khoảng 1km/km2, vẫn còn rất thấp so với số chuẩn là 2 – 2,5km/km2. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận của xe buýt với người dân chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, cấu trúc mạng lưới giao thông đô thị hiện hữu với nhiều tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ. Hành khách gặp khó khăn trong tiếp cận mạng lưới xe buýt là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân không lựa chọn xe buýt.
Do đó, phát triển loại hình xe buýt có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ (xe buýt nhỏ) sẽ mở rộng phạm vi phục vụ, đảm bảo mật động bao phủ mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt tiêu chí trong phạm vi 500m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt.
Theo kế hoạch giai đoạn từ năm 2021 đến 2022, TP Hồ Chí Minh dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiến), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối với các đô thị mới.
Trên địa bàn Thành phố có tổng số 4.9 tuyến đường với tổng chiều dài các tuyến đường và cầu là 4.583 km; trong đó, khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m với chiều dài 2.544 km (chiếm hơn 55%).