Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Tổ chức I-Star 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thành phố vẫn phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp cả nước. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là hơn 1,1 tỷ USD (chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ của cả nước). TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương thuộc nhóm 200 thành phố khởi nghiệp toàn cầu năm 2021 (tăng 46 bậc, chiếm vị trí thứ 179).
Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, Ban Tổ chức kỳ vọng giải thưởng năm nay sẽ nhận được nhiều bài dự thi giúp giải quyết các vấn đề mà TP Hồ Chí Minh đang rất quan tâm như xây dựng hạ tầng số để thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính và quản trị đô thị hiện đại, y tế và giáo dục thông minh, cũng như một số mục tiêu khác Thành phố đang hướng đến trong bối cảnh đang cùng cả nước từng bước khắc phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế sau đại dịch với tinh thần linh hoạt và thích ứng.
I-Star là giải thưởng về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thường niên do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì. Đây là hoạt động hướng đến tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bền vững, hiệu quả thiết thực, xây dựng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển của Thành phố.
Trải qua 4 lần tổ chức, Giải thưởng I-Star đã nhận trên 1.000 bài dự thi thuộc 4 nhóm: doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu; giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu; tác phẩm truyền thông tiêu biểu; tổ chức và cá nhân đóng góp cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Các bài dự thi Giải thưởng I-Star 2022 sẽ được đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên website chính thức của Giải thưởng www.doimoisangtao.vn/giaithuong2022. Các bài dự thi sẽ được đánh giá dựa trên sự bình chọn của cộng đồng tại vòng sơ khảo, sau đó bằng kết quả chấm giải của Hội đồng giám khảo và việc bình chọn tiếp tục của cộng đồng tại vòng chung kết.