Phong trào đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh.
Chị Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều chị em năng động, có khả năng kinh doanh, có tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên khởi nghiệp và phát triển kinh tế. Đa số những sản phẩm đăng ký khởi nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn nguyên liệu hiện có do gia đình nuôi, trồng hoặc từ vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương như các loại cá làm khô, nước mắm, bánh, mứt… theo hình thức sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống. Trong các sản phẩm khởi nghiệp của chị em có 100 sản phẩm có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 47 sản phẩm khởi nghiệp tiếp cận được nguồn vốn hơn 7 tỷ đồng.
Phụ nữ các cấp trong tỉnh tích cực tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn tỉnh có 273 sản phẩm OCOP, trong đó có 109 sản phẩm của chị em đạt từ 3 đến 4 sao. Đa số các sản phẩm làm ra từ chương trình khởi nghiệp đạt OCOP thuộc nhóm đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí... Phần lớn các sản phẩm được cấp tiêu chuẩn chất lượng, cấp mã số, mã vạch. Các sản phẩm khởi nghiệp của chị em ngoài kênh truyền thống còn được tiêu thụ trên kênh thương mại điện tử như: Tiki, Lazada, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Tháp, Bưu chính Viettel…
Nổi bật là sản phẩm khởi nghiệp của chị Phan Thị Thúy Lan, chủ cơ sở khô cá tra phi lê Ngọc Diệp, ở xã Định An, huyện Lấp Vò. Chị Lan mạnh dạn đầu tư máy sấy, máy hút chân không, làm sản phẩm cá tra phi lê. Năm 2019, sản phẩm cá tra phi lê của cơ sở do chị Lan làm chủ đạt OCOP 3 sao. Qua 4 năm hoạt động, sản phẩm khô cá tra phi lê Ngọc Diệp đã được nhiều người tiêu dùng biết đến, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của chị Lan bán ra thị trường hơn 200 kg cá tra phi lê, thu hơn 40 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 15 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Niêu, ở xã An Phong, huyện Thanh Bình khởi nghiệp với các sản phẩm từ quả đu đủ. Từ quả đu đủ chị Niêu sản xuất ra các sản phẩm khô sườn non, chả viên, chả giò… vừa giúp người tiêu dùng có sản phẩm an toàn vừa tạo việc làm cho 20-25 phụ nữ địa phương, với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp cho biết, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và tạo được bước chuyển biến tích cực cho hội viên hội phụ phụ nữ các cấp. Từ đó chị em đã cải thiện về đời sống, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, có điều kiện chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp đã nhân rộng mô hình đồng thời có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như: Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp”, giúp chuyển đổi hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, bán hàng online…; tư vấn về logo, mã vạch, mã code, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ các sản phẩm khởi nghiệp, đăng ký thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).