Câu chuyện tôi kể ra đây không phải một sáng tác do hư cấu, mà nó là câu chuyện hoàn toàn có thật. Muốn viết về mẹ lâu lắm rồi nhưng giờ đặt bút xuống, tôi loay hoay, trăn trở chẳng biết bắt đầu câu chuyện từ đâu. Tôi lo ngại, một câu chuyện đời thường sợ không lôi cuốn, không duy trì bạn đọc đến hàng chữ cuối cùng. Nhưng biết làm sao được, tôi chỉ có sao kể vậy. Hi vọng những con chữ được viết bằng trái tim sẽ chạm được những trái tim… Nói dài thành ra nói dại rồi. Xin được bắt đầu bằng câu chuyện từ tôi.
Tôi - một cô nàng không cao cỡ… người mẫu nhưng có đôi chân không hề ngắn. Dáng người cân đối, những đường cong mĩ miều, da thịt đầy đặn. Khiêm tốn mà nói thì tôi có hình thể ưa nhìn. Tôi là dân gốc rạ. Gốc rạ thì đã sao? Ai nói dân gốc rạ kệch cỡm, khét lẹt mùi bùn đất lẫn với mùi phèn, mùi nắng gió là sai bét. Nhân chứng sống là tôi đây này. Dù làn da bị nắng háp từ trán đến gót chân. Dù không đến nỗi đen như cột nhà cháy nhưng con gái sở hữu làn da than chì là mất điểm. Có hề hấn gì, bù lại tôi ghi điểm vì có đôi mắt to tròn, đen láy. Đặc biệt, tôi được di truyền từ mẹ đôi môi đầy đặn gợi cảm, mỗi khi tôi cười, nụ cười tươi rói, hiền lành và có chút bí hiểm, nụ cười như vậy dễ làm người đối diện mất bình tĩnh lắm, thằng bạn cùng lớp bảo thế. Chưa hết đâu nhé, tôi có đôi mày cong cong như nét liễu, khuôn mặt bầu bĩnh (khuôn mặt baby thì lâu già - cũng là lời của thằng bạn cùng lớp), sóng mũi cao ngất… Tôi còn có cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn nữa chớ. Đó là chưa kể, ai gặp tôi cũng khen dẻo mỏ, ăn nói có duyên.
Nói chung, nếu tự đánh giá, tôi nhún nhường một chút, khiêm tốn một chút, công tâm một chút, tôi cho mình điểm 6.
Xin đừng kinh ngạc! Ba hoa, kiêu ngạo không phải là tính cách của tôi. Nhất dáng nhì da, tôi có dáng vóc thuộc hàng khá, làn da hơi đen nhưng mạnh khỏe, lại có những chi tiết bổ trợ đắc lực làm cái duyên con gái thêm mặn mòi nhưng tôi vẫn cho mình điểm 6. Công, dung, ngôn, hạnh…, chữ “công” tôi không đạt nên tôi thẳng tay trừ mất 4 điểm. Nếu trong tứ đức, chữ “công” được đặt trước tiên thì điểm 6 kia là tôi thiên vị với chính tôi rồi đó.
Tôi tự biết những ưu, khuyết điểm của mình. Là phụ nữ nhưng tôi rất sợ khi phải xuống bếp. Có người hù tôi, muốn đến trái tim người đàn ông thì phải qua bao tử của anh ta trước. Tôi chết chắc rồi.
Là con gái nhưng tôi đểnh đoảng chuyện cơm canh. Ngày nhỏ, nhà tôi nấu cơm toàn chụm củi khô. Sợ lắm nếu phải nhận nhiệm vụ ở nhà nấu cơm. Mắt mũi kèm nhem, mặt mũi tay chân, chỗ nào cũng dính lọ nghẹ. Không khét, không khê thì đằng nào cũng cháy dưới sống trên. Bữa cơm nào tôi cũng nghe mẹ đe: “Già đầu mà nấu xoong cơm sống lên sống xuống. Mai mốt lấy chồng đằng nào cũng bị mẹ chồng úp nồi cơm sống lên đầu hà!”. Đúng là mưa dầm thấm lâu. Mẹ la nhiều lần, tôi đâm hoảng. Kiểu này ai mà dám lấy chồng hả trời. Chưa hết đâu, nhà bên cạnh có “mẹ chồng - nàng dâu”, tối ngày cứ hục hặc miết. Bác Ba trong xóm mỗi lần nghe cãi vã thì chép lưỡi than: “Thật thà như thể lái trâu, thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”. Èo ơi! Mai mốt mình làm dâu, chuyện gì sẽ chờ mình ở nhà chồng vậy trời! - tôi tự buông một câu trong bụng thay cho tiếng thở dài.
Cây lớn thì trổ hoa, đò đầy thì rời bến… Gái lớn thì theo chồng…
Năm hai mốt tuổi, tôi đi dạy, có người yêu, tô phấn hồng về nhà … người. Ngày họ nhà trai đến rước dâu, tôi đứng nhìn ba mẹ vẫy vẫy tay rồi mếu máo bước lên xe hoa, tôi òa lên, khóc nức nở…
Sau buổi tiệc đãi đằng bên nhà trai, tôi mệt lả. Mẹ anh làm cho tôi một ly nước chanh mát rượi, thấy tôi cứ chớp chớp đôi mắt ầng ậng nước, mẹ ngồi bên tôi, cầm chặt tay và mẹ im lặng nghe tôi khóc. Lúc chỉ còn nghe tiếng nấc, mẹ đỡ tôi ngồi dựa vào thành ghế, nhẹ nhàng gỡ từng chiếc kim găm trên tóc, hỏi có đau đầu không. Rồi mẹ tháo từng lọn tóc và múc nước cho tôi gội đầu. Tôi thấy mình được yêu thương chăm bẵm, tôi có cảm giác giống hệt như những chiều trước hiên nhà, tôi buông tóc để mẹ mình xối nước lên.
Tôi làm dâu xứ lạ. Cuộc sống của một nàng dâu xa xứ không kinh khủng như tôi hình dung.
Từ bữa cơm đầu tiên với gia đình chồng, tôi đã xóa hết những định kiến về mối quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu”. Sống trên đất khách, ở “nhà người” nhưng tôi luôn có được cảm giác thoải mái như lúc còn ở với mẹ đẻ. Vẫn chủ động quỹ thời gian của mình, tất cả đều ưu tiên cho công việc. Mẹ chồng cưng như cưng một đứa con gái, đi làm về tới nhà là hối rửa mặt mày, uống nước, ăn cơm ngủ nghỉ. Thế vẫn chưa đủ đâu, mẹ hỏi han công việc, các mối quan hệ ở cơ quan và bằng kinh nghiệm tuổi tác của mình, mẹ chia sẻ với tôi mọi thứ.
Mùng 8/3, trường tổ chức thi nấu ăn với chủ đề Bữa cơm gia đình. Tất cả các giáo viên nữ đều phải tham gia. Tôi đoạt giải nhất ở trường nhưng khi được chọn lên thi trên huyện thì tôi ấp úng nói thật: “Mẹ chồng em lên công thức, nấu giùm rồi em đem đến chấm điểm đấy ạ!”.
Mẹ bị bệnh thoái hóa cột sống. Sáng ngủ dậy, phải đi bộ mấy vòng rồi tập bài thể dụng lưng - bụng. Mẹ không cúi người xuống được. Những lần thấy mẹ cúi xuống lấy một vật gì đó rồi bất ngờ kêu “á” vì đau, tôi cứ “áy náy” vì mình không giúp mẹ chuyện nhà được. Tôi bảo mẹ dạy nấu ăn, mẹ bảo cứ giành thời gian cho công việc, làm tốt việc trường là mẹ vui rồi, khi nào hai đứa ra ở riêng thì mẹ sẽ dạy.
Tôi bị viêm tiết niệu, đi tiểu liên tục và đau buốt. Uống thuốc bác sĩ kê đơn chỉ giảm mà không hết. Sau mấy hôm uống thuốc mà không hiệu nghiệm, ngày nào mẹ cũng bắt con gà ác (dưới một kí) hầm với đu đủ đực cho tôi ăn. Mẹ bảo đây là bài thuốc dân gian. Mà thực, tôi thấy bớt và sau đó thì hết hẳn.
Tân, chồng tôi đi làm và hay nhậu nhẹt say xỉn, mẹ la anh dữ lắm. Nếu “lỡ dại” hôm nào anh có gì không vừa ý, anh cằn nhằn quạu vọ tôi thì mẹ càng la hơn nữa. Anh cự nự: “Con dâu mà thương hơn con trai luôn!”. Hàng xóm trầm trồ, họ bảo mẹ quá cưng con dâu, như thế nó sẽ được đằng chân lân đằng đầu, mẹ cười: “Dâu con rể khách! Con gái thì ai lại không thương!”.
Rồi tai ương ập đến, một tai nạn thương tâm. Dù thoát khỏi bàn tay hộ pháp của tử thần, dù may mắn bước qua ranh giới sự sống - cái chết nhưng tôi suy sụp thảm hại. Bị hỏng thị lực một con mắt, tay chân cứng đơ chưa phục hồi. Mọi sinh hoạt của tôi trong thời gian chờ hồi phục đều phụ thuộc vào mẹ. Đút từng muỗng cơm, nấu cho nồi nước lá để tắm gội. Mỗi chiều, mẹ dìu tôi ra nhà tắm, mẹ sẽ tắm cho tôi như một đứa trẻ lên ba. Thảm đến độ, mỗi lần tôi đau tiểu hoặc muốn đi đại tiện thì đều gọi mẹ giúp. (Tôi thấy ngại lắm khi tiểu tiện phải có mẹ chồng đứng cạnh nhưng cũng chẳng biết làm sao vì mình yếu quá, chồng thì đi suốt ngày).
Rồi Tân có tình nhân, về nhà kiếm cớ mắng vợ đánh con. Mẹ to nhỏ khuyên bảo, anh vẫn bỏ ngoài tai. Đêm mẹ thường khóc. Có người nói với tôi, mẹ có đến gặp bạn gái của Tân nói điều đúng sai. Mẹ đã cố gắng hết sức để vun vén nhưng anh vẫn cầm đơn ly hôn lên tòa. Mẹ lực bất tòng tâm, nhìn tôi, nhìn cháu nội, mẹ khóc…
Tân có vợ mới. Mẹ con tôi vẫn ở nhà cũ, sát vách nhà mẹ chồng. Hằng ngày mẹ vẫn qua lại thủ thỉ, khuyên tôi đi tiếp bước nữa.