1.
Từ ngày Hai Lâu bỏ Lung Vàm đi biệt, Mau và mấy đứa nhỏ cứ thui thủi ra vào. Tính phóng đãng của đàn ông cứ tưởng chỉ có ở những người giàu, có của ăn của để, ai ngờ Hai Lâu cũng mắc phải chứng ấy. Sông Lung Vàm mỗi ngày vẫn lững lờ trôi qua ngôi nhà hiu quạnh. Mau thủ thỉ với đứa con gái nhỏ:
- Tắm rửa sạch sẽ rồi lo học bài nghe con.
- Mẹ ơi, sao lâu quá không thấy ba về? Con nhỏ buột miệng một cách ngây thơ như cái tuổi của nó.
- Mẹ cũng không biết nữa.
Mau lại quặn lòng khi nghe con Út nó hỏi. Mà có chắc là chị không biết thiệt hông. Gia đình tan hoang như vầy, nỗi cơ cực cứ mỗi ngày mỗi chất cao hơn trên đôi vai gầy của chị. Hai Lâu trút đi gánh nặng gia đình để thảnh thơi cùng mấy cô gái ở ngoài thị trấn khi thì Ngân lúc là Hường... Chẳng biết có lúc nào đó anh nghĩ về con Hạnh con Út ở nhà không. Những cuộc vui chè chén thâu đêm suốt sáng đã tẩy đi cái trách nghiệm và bổn phận của anh cũng lâu rồi.
Lung Vàm chiều xuống, từng con sóng cứ nhấp nhô nện vào mấy đám ô rô gai nhọn. Thấp thoáng những cụm bông tím nhạt chơ vơ chen chút nỗi niềm. Màu tím thôn quê dường như cũng chạnh lòng.
Dân Lung Vàm thấy chị Mau hằng ngày đi bộ gần cả chục cây số để phụ hồ, khuân gạch. Đôi vai gầy guộc của chị phải lam lũ để xốc vác gia đình. Có bữa đến tối thui tối mịt mới về đến nhà. Một ngày kiếm được dăm ba chục ngàn để xoay sở cho cuộc sống thiếu người đàn ông trụ cột. Chị lại ứa nước mắt mỗi khi Mi Seo, tên thường gọi của nhỏ Út con chị, hỏi về ba.
- Mẹ ơi, sao lâu quá không thấy ba về?
Lần nào chị cũng nuốt nỗi nghẹn ngào cho nó chạy ngược vào lòng. Con Út còn nhỏ quá, chị sợ nói ra nó buồn rồi mặc cảm tự ti với bè bạn mà đâm ra bỏ bê việc học hành. Còn con Hạnh thì lấy chồng được mấy năm rồi. Lúc ấy. Hai Lâu còn ngồi chiễm chệ đường hoàng ở ghế lớn, ngồi sui rồi mà. Cái gật gù của anh với nụ cười của chị ướt đẫm mừng cho con được vẹn bề chồng trọn bề vợ. Đùng cái, thành ra như bây giờ. Ngôi nhà nhỏ bên sông Lung Vàm chỉ còn lại hai mẹ con vào ra thui thủi.
2.
Từ lúc ba bỏ đi, con Hạnh cũng thường về nhà thăm chị hơn. Có những chiều ngồi mẹ con ngồi với nhau ở bực sông dòm con nước ròng sát đáy, nỗi lòng người đi chẳng biết thế nào sao kẻ ở lại cứ chất ngất niềm đau quạnh quẽ. Mé sông Lung Vàm lô nhô từng chùm ô rô mắc cạn. Chúng có khác gì so với chị đâu. Hai mẹ con lại ôm nhau mà nức nở.
Ở với mẹ vài hôm rồi con Hạnh cũng phải đi. Gái có chồng thì phải theo chồng cho phải lẽ. Huống chi, vợ chồng nó còn nhiều khó khăn chật vật, cũng bươn chải tích cóp từng ly từng tí một.
Nhà vắng, chỉ còn lại hai mẹ con hết ra rồi vào. Con Út đi học, chị thì phải gieo neo mà kiếm tiền để gánh vác gia đình. Nỗi buồn cũng khuây khỏa dần đi. Bông ô rô ở dưới mé sông Lung Vàm cũng chuyển mình đợi ngày nở tím.
Không biết Hai Lâu có lần nào về ngang ngôi nhà cũ này không hay chỉ là tiếng gió lặng thầm chạy miết từ mấy rặng sơ ri lúc vừa sinh con Út anh trồng bên hè luồn lách vào nhà nghe buồn rười rượi. Mỗi lần có tiếng xuồng ghe tốp lại dưới mé sông, chị Mau cũng đảo mắt về ngoài ấy. Hình như cũng trông, cũng đợi một người về.
3.
Mấy hôm trước, chị Ba Thiệt đi trị bệnh trên thị trấn. Nghe người ta mách nhỏ với nhau.
- Con nhỏ mới chuyển dạ hồi chiều này nghe đâu mang đứa thứ hai rồi đó!
- Vậy sao, mà chồng nó đâu sao không thấy ra vào thăm nom gì hết vậy chị?
- Ơi, cái ngữ ấy mà trông cậy gì chị.
- Sao?
Người phụ nữ nằm giường bên cạnh phân bua:
- Nghe nói hồi này con nhỏ cặp với một thằng đàn ông ở dưới Lung Vàm. Thằng phong lưu đó không biết nghĩ gì mà nó ruồng rẫy vợ con ở nhà đi hoang.
- Rồi bây giờ sao thằng đó không vô săn sót con nhỏ:
- Cặp với con khác nữa rồi. Tội là tội cho con nhỏ, nhưng như vậy để cho nó sáng mắt, thiếu gì thanh niên không ưng đi ưng cái thằng có vợ con rồi. Cửa chính còn bỏ được huống gì cửa sổ chị.
Chị Mau nghe như nuốt trộng từng lời chị Ba kể. Chúng như cắt chị ra làm đôi làm ba thân thể. Bây giờ giận hờn cũng có ích lợi gì đâu. Chỉ thương cho cô gái khổ phận kia thôi. Đàn bà đi biển một mình, chị hiểu chứ. Chuyện vợ chồng lở dở ai mà không xót, nói mần chi đến việc ăn ở với nhau cũng đôi ba mặt con rồi còn gì.
- Thím biết không, tui nghi...
- Kệ đi chị à. Tui bây giờ chỉ lo cho con Seo, làm sao cho nó học hành đàng hoàng đến nơi đến chốn. Chứ không trông mong gì ảnh nữa chị à.
Miệng thì nói vậy, chứ đôi mắt chị Mau như đã vạch trần nỗi buồn giấu kín trong lòng từ bấy lâu nay. Cái thở dài của chị cố đắp lại chỗ hở ấy. Ai không biết nỗi lòng của chị.
4.
Hạnh ghé về thăm mẹ và con Út. Rong ruổi bán buôn kiếm đồng lời trên sông nước cũng gian nan cực khổ. Mỗi lần xuôi chuyến về Lung Vàm, Hạnh thường ghé lại ở chơi với chị Mau ít bữa.
- Con thấy lúc rầy mẹ xanh xao quá! Mẹ bớt làm việc nặng lại đi. Kẻo không lại đổ bệnh thì khổ, con Seo nó nhỏ quá không đỡ đần mẹ được trong lúc ốm đau đâu. Con thì bán buôn trôi nổi biết có về kịp lo được cho mẹ không nữa.
- Không sao. Mẹ thấy bình thường mà. Trong người vẫn khỏe khoắn chứ không có gì hết con à.
- Mẹ lúc nào cũng vậy. Nhưng dù gì cũng phải ráng giữ gìn sức khỏe đó nghen. A, có chuyện này con muốn nói với mẹ nhưng con lại sợ...
- Chuyện của ba con phải không?
- Dạ. Hôm bữa con bán rau cho khách, con gặp. Ngờ ngợ một lúc tính gọi nhưng con nghĩ có thể nhầm vì thấy người đó nói chuyện bình thường không tỏ vẻ gì cả.
- Ừ, chắc là con nhầm rồi. Nhưng đôi khi thói người muốn lạ là lạ, muốn xa là xa con à. Số phận của mẹ chịu thiệt riết cũng quen rồi.
Hạnh nâng niu đôi tay chai sần vì lam lũ cuộc sống của mẹ áp lên má mình. Không nói thêm câu nào nữa. Tiếng í ới của Mi Seo lại vọng vào.
- A, chế Hai về!
- Hai có mua cho Seo mấy cái bánh chiên để ở đằng sau bếp á. Seo học giỏi! Chế Hai về sẽ mua bánh cho Seo nhiều hơn.
Đôi mắt trong veo của Seo xoe tròn, tí tửng vì có quà. Hạnh cũng nghe thắt lại. Chị Mau đưa mắt ra mé sông Lung Vàm lần nữa rồi gọi chị em Hạnh vào nhà.
Trăng vào lối mùng khuyết lõm như chiếc xuồng con lơ lửng trên sông đêm. Từng mảng ô rô cứ neo mình chi chít gai nhọn làm đau tay người nhưng từng chiếc lá vẫn muốn níu lại vầng trăng xa tít ấy. Mông lung cho một niềm mong manh hi vọng.
Thoáng trong đêm có một dáng người ngồi lặng lẽ. Khói thuốc cứ lượn lờ trong đêm vắng. Đằng xa, có tiếng chó sủa lâm râm. Đêm đã sâu hơn. Đốm lửa nhỏ cháy tàn theo gió. Người đàn ông âm thầm nhìn phía căn nhà thân thuộc. Quay bước. Lỗi lầm cứ ray rứt. Tiếng Seo gọi ba trong giấc ngủ làm anh chững bước. Ngoài sông, sóng cứ vỗ đều đều. Bóng người vẫn đứng đó như thách thức với đêm. Tiếng ho nho nhỏ của chị Mau đánh vọng ra. Tiếng ru con của cô gái bên kia sông Lung Vàm buồn heo hút trong đêm.
“Ầu ơ gió đưa bụi chuối sau hè..ầu ơ...”
Út Seo đã nín rồi, trong nhà chỉ còn lại khô cằn tiếng nức nở. Quặn lòng đêm.
5.
Chị Mau lui cui mở cửa, xách giỏ đồ phụ Hạnh. Mi Seo cũng theo mẹ bước ra đến cửa. Nó chợt reo lên:
B..ba. Ba về rồi. Mẹ ơi, ba con về rồi kìa.
Seo chạy lại ôm chằm lấy anh. Hôn lên mái tóc của đứa con gái nhỏ nhắn mấy năm trời anh nhẫn tâm bỏ đi. Bồng nó trên cánh tay rắn rỏi của mình. Hai Lâu bước về phía Hạnh và chị Mau. Anh thấy trong đôi mắt chị đong đầy hờn tủi. Hạnh cứ đứt quãng:
- Cuối cùng, ba cũng về với mẹ con con rồi.
Anh nghẹn ngào gật gật đầu đáp lại lời của con như đang cúi mặt trước người vợ khổ sở của mình.
- Tui có lỗi với mình ngập tận đầu. Tui cũng không dám mong được mình bỏ qua cho tui. Mình à.
Chị không nói chỉ thấy trước mặt là người chồng bạc bẽo nay đã quay về. Dò trong mắt Hạnh, chị biết nó cũng mong chị bỏ qua cho ba nó. Nó biết nó đã giấu chị về cái sự thật gặp ba trên đường đi bán rau. Hạnh nắm siết tay chị, nó cảm nhận được rằng mẹ nó đã bỏ qua cho ba từ lâu rồi chỉ tại anh không hiểu để trở về thôi. Ngoài đời kia, gió lớn. Căn nhà nhỏ bên sông Lung Vàm cần anh về che chở. Không có nơi đâu ấm áp hơn gia đình. Những cô gái đi qua đời anh bằng say mê nông nỗi như cái nông nỗi tầm thường của người đàn ông trong anh hồi trước. Hạnh nhìn ba rưng rưng, có lẽ nó không nói cho chị Mau biết câu chuyện nó gặp được ba trong một đêm mưa thất thểu đen ngòm trên thị trấn.
6.
Đôi mắt trong veo của Seo ngước nhìn Hai Lâu. Tiếng cười con bé trong trẻo quá. Anh khẽ nhìn chị Mau. Hạnh cũng thấy trong đôi mắt của mẹ nó có một chùm bông ô rô vừa nở tím. Ngoài mé sông Lung Vàm cũng tím theo.