Tôi thấy những ưu điểm đó là vì có lần đã chịu khó nhìn, chứ hắn lúc nào cũng bậm trợn, cơng cớng. Mấy đứa trong lớp sợ hắn bao nhiêu thì tôi ghét hắn bấy nhiêu.
Hắn là trung tâm rắc rối của lớp. Tắt điện uống rượu trong phòng bị thầy quản lí nội trú bắt được. Gây gổ với mấy đứa lớp Toán. Rồi vụ lùm xùm dưới căn-tin… Hoạt động ngoại khóa thì đừng hòng tham gia, nếu đi thì cũng nghễnh ngãng. Lên lớp ngồi sỗ sàng, lấc ca lấc cấc.
Những người xốc nổi thường nhầm lẫn giữa ngạo mạn và tự tin, giữa phách lối và cá tính. Sinh viên sư phạm mà chẳng khuôn khổ một tẹo nào. Học cùng lớp hai năm, tôi chưa một lần cười đùa với hắn. Tôi hay nói sau lưng, hắn là người có cái “bản mặt khó chơi”.
Ghét của nào trời trao của ấy. Lớp phải đi trực đêm ở phân trường cũ, tôi và hắn ở cùng nhóm. Ngày hôm đó thật lạ lùng. Trời chiều quang đãng, ấm áp. Buổi tối bất ngờ gió lạnh tràn vào. Nhóm năm đứa ngủ ngoài ban công, tụi nó lăn ra một hàng như mấy con cá ồ người ta bày trên sàn. Tôi co ro, đeo headphone và dán mắt vào truyện tranh Thám tử Cô nan, cười một mình.
Đang say sưa hứng khởi cùng bản không lời Samba sôi động của Bond thì giật mình vì tai phone bị rút ra. Ngước lên thì thấy hắn. Tôi cong môi lên, chưa kịp nói thì câu chữ lặn vào mất tăm khi hắn hiền lành ngồi bên cạnh. Hai năm làm sinh viên, đây là lần đầu tiên tôi ngồi riêng với một đứa con trai, cũng là lần đầu tiên tôi thấy hắn hiền đến vậy. Tự dưng thấy mất bình tĩnh ghê gớm, hình như tôi đang căng thẳng. Không được để hắn biết điều này, tôi vẫn dán mắt vào mấy cái hình trong trang sách mà không đọc được chữ gì. Hắn đưa tay gấp quyển sách của tôi lại. Và hắn nói:
- Biết quê mình ở đâu không?
- La Hai, Đồng Xuân, Phú Yên.
- Có thấy mình ngổ ngáo không?
- Không!
- Vậy thấy sao?
- Côn đồ.
- Mẹ mất khi mình là một thằng nhỏ đi lẫm đẫm. Ba là một người trẻ nghiện rượu. Ông chết vì rượu đã hủy hoại hết lục phủ ngũ tạng. Chưa được một năm, mình lại đeo tang khóc tiễn chị gái, cũng là cô giáo của mình hồi cấp ba. Chị ấy bị chiếc bánh xe tải lăn qua. Nỗi đau quá sức chịu đựng của mình.
Tôi ngồi nghe, có cái gì toác ra từng mảng trong tim. Tôi nhìn chắm chắm vào đôi mắt đã ngậng nước của hắn, thấy hắn yếu đuối, tôi tự dưng thấy lòng đau không rõ nguyên do.
- Rồi bạn quay ra sống bất cần?
- Mình không có lí do để sống tốt. Ai sẽ lo lắng khi mình lầm đường lạc nẻo, ai vui mừng khi mình sống tốt?
- Vì một ai đó mới sống tốt, đó là vô minh.
Hắn nhìn tôi vẻ nghi hoặc, tôi nói như một bà cô nghiêm khắc:
- Đành rằng hoàn cảnh của bạn tội thiệt nhưng không được đổ thừa hoàn cảnh. Có biết bao người rơi vào cảnh bế tắc hơn, thương tâm hơn nhưng người ta vẫn sống tốt đấy thôi. Cuộc đời bạn, tốt hay xấu là do bạn, cuộc sống này, là thiên đường hay địa ngục thì cũng do bạn.
Đấy là lần đầu tiên tôi gọi hắn là bạn đấy.
Từ hôm đó, tôi bắt đầu dành thời gian để quan sát nhất cử nhất động của hắn. Có dấu hiệu lành rồi, hôm nay đến lớp, hắn đàng hoàng cầm vở và giáo trình chứ không phải lè phè, nghênh ngang như mọi bận.
Hết buổi học hôm đó, tôi cố tình đứng trước cửa lớp chờ hắn. Vừa thấy hắn, tôi vui vẻ:
- Hôm nay mình mời cơm chiều nghen!
- Ok.
Bạn bè trong lớp thấy hai chúng tôi hay đi chung. Thằng Lợi lầy đây nói:
- Nhìn hai người y chang một cặp tình nhân!
Ơ hay! Tôi la lên như thế. Quả là một sự sỉ nhục ghê gớm. Một đứa con gái có nhan sắc, nếu khiêm tốn mà nói thì cũng thuộc dạng khá. Còn học hành thì luôn đứng đầu lớp, mặt mũi nào lại hẹn hò với một đứa con trai lêu lỏng mà cả lớp ái ngại đặt cho hỗn danh “đại ca La Hai”. Vì câu chọc vô duyên của thằng Lợi, tôi không đi chung với hắn nữa. Phải cho cả lớp biết, tôi không thân thiết, không yêu đương gì hắn.
Ngày hôm đó là tiết học Ngữ pháp Tiếng Việt của thầy Hoàng. Thầy Hoàng là thầy giáo nghiêm khắc nhất khoa, biết tính thầy nên tiết học im phăng phắc, tiếng động của một con nhện trên tường cũng có thể nghe thấy.
Cả lớp đang hí hoáy viết thì bỗng nghe một tiếng hét to:
- Mày muốn chết hả?
Kèm theo tiếng hét là bộ dạng tức tối, hằn học của “anh hai La Hai”. Rồi như đã chuẩn bị trước, hắn rút một con dao nhỏ trong túi quần, lao tới đâm bừa thằng Lợi, máu ở vai Lợi chảy ra ồ ạt. Lớp bỏ chạy tán loạn. Thầy Hoàng trừng mắt la to:
- Em bước xuống văn phòng gặp tôi!
Sau câu lệnh của thầy, hắn sấp sải bước ra khỏi lớp. Đi được năm bước, hắn quay lại dập mạnh cửa sổ vào cái “ầm” hét “Mày nghĩ mình là ai mà được quyền xúc phạm người khác!” rồi an nhiên đi ra khỏi cổng trường. Tôi đứng nhìn theo cái bóng của hắn, như có vật gì đang đè ở ngực, đau không chịu nổi.
Những ngày hôm sau, hắn đi học bữa đực bữa cái. Buổi học nào không có hắn, mấy đứa trong lớp tự nhiên nô rỡn. Buổi nào hắn đến lớp, nhìn cái mặt hầm hầm của hắn, đứa nào cũng ra vô im lặng, không khi lớp học nặng nề, cứ như con rùa đeo một tảng đá.
Hai tuần sau, tới tiết chủ nhiệm, thầy Hoàng nói:
- Hội đồng kỷ luật nhà trường đã đưa trường hợp của em Lực ra kiểm điểm. Sau phân tích, bàn bạc, cuối cùng nhà trường đã quyết định kỷ luật em. Đó là mức kỷ luật buộc thôi học có thời hạn.
Thầy nói thêm, mức kỉ luật này không nặng đâu. Các thầy cô trong trường đều thống nhất và bảo rằng, từ ngày em Lực nổi lên quậy phá như một hiện tượng xưa nay hiếm, có rất nhiều sinh viên cũng bắt đầu ngỗ ngược, coi thường kỉ luật. Hy vọng rằng trong thời gian tạm thôi học, em hãy tự kiểm điểm những việc mình làm và khi quay lại trường, sẽ là một cậu sinh viên được bạn bè tin yêu, được thầy cô quý mến…
*
* *
Hôm hắn cầm túi xách rời trường, tôi im lặng đi cạnh hắn ra đến cổng trường. Lúc chia tay, tôi có đưa tay ra tìm tay hắn, hắn để yên tay hắn trong tay tôi… Tôi dùng hết sức của mình, bóp chặt tay hắn và nói:
- Lực còn cơ hội để thực hiện ước mơ cầm phấn thay chị mình đấy. Cánh cửa nhà trường sẽ không bao giờ đóng. Hẹn gặp bạn vào mùa tựu trường năm tới nha!
Câu trả lời là một cái gật đầu thay cho lời nói. Tôi đứng nhìn hắn đi, một cơn gió nhẹ thổi qua, trời ửng nắng...