Chim núi…

Bình minh, những chú chim bay từ núi về bậu đầy trước hiên nhà. Chúng cất lên tiếng hót lanh lảnh, trong veo nghe như tiếng suối, tiếng gió đang chảy tràn trong lồng ngực cô giáo và người dân bản. Một ngày mới đã bắt đầu, những giọt nắng đầu tiên rẽ mây, rẽ lá chiếu xuống mảnh sân chênh vênh.

Cô giáo Hạnh cố nằm thêm, lòng bề bộn nghĩ suy mệt mỏi không muốn dậy. Đã mười năm rồi có bao giờ cô giáo dậy muộn thế này đâu. Đám học trò được bố mẹ dắt đến trường sớm hơn, đứng đầy ngoài sân, ngóng vào bậc cửa. “Ở hay đi?” câu hỏi ấy cứ vang lên trong lồng ngực.


Chiếc bậc cửa đã cũ mòn. Phải! Đã mười năm rồi còn gì nữa. Lò Sử Mẩy thở dài. Nhớ hôm đầu tiên cô giáo bụng mang dạ chửa từ xuôi về với bản. Mùa ấy ban nở trắng rừng, nhà nhà ngô lúa đầy bồ. Tết năm ấy cô giáo trở dạ phải ở nhờ nhà trưởng bản, nhà Lò Sử Mẩy. Ở gần có con suối, nước lên lưng chừng, bầy chim rừng thi nhau tắm gội bộ lông đủ sắc màu. Cả bản nghe tin cô giáo sắp đẻ nhốn nháo cả lên, người thì đi gọi bà đỡ, người đi gọi thầy cúng, mổ con gà, người vội vã đi khâu tã lót, người leo dốc kiếm cây thuốc lành cho cô giáo… Cả bản đón đứa trẻ ra đời, mắt đen lay láy, hai bàn tay nắm chặt, khóc thé lên một tiếng rồi im bặt.

- Uống nước bản Tả Phìn, ăn gạo người Tả Phìn trồng, lớn lên thành người Tả Phìn con nhé!
- Lớn nhanh tao dạy đi săn con thú, đi bẫy con chim rừng nhưng phải sống thật bụng, không được làm điều ác.
- Ây dà! Mắt mày thế này, lớn lên chết gái bản thôi.

Cô giáo mới đẻ, dù chưa được học chữ nào nhưng lũ trẻ vẫn quấn quýt bên cô, thương đứa trẻ mắt đen lay láy. Chúng giặt giũ, thổi cơm, trông em cho cô ra suối chải mái tóc dài vương cánh hoa rừng đầu nguồn chảy xuống. Vì người lớn bảo phải thương cô không chồng, đứa bé không có bố “mồ côi mồ cút”.

Sinh con được một tháng cô giáo đã đến lớp. Lò Sử Mẩy cùng thanh niên trong bản đẵn gỗ làm lớp, trẻ con thì cắt gianh, đàn bà chẻ lạt. Lớp học ngăn đôi. Một bên đóng mấy bộ bàn ghế làm bàn học cho lũ trẻ, một bên làm chỗ cho cô giáo ở. Để cô khỏi phải địu con đến lớp, sương núi độc lắm, lại sợ đi không quen cái chân, cái đầu lại nản. Cô giáo mà bỏ về xuôi thì khổ lũ trẻ, khổ cả người già. Báo nhà nước phát về bản, chỉ nhìn tranh không ai biết đọc, chẳng biết Chính phủ nói những gì.

Hạnh đang dạy lũ nhỏ vẽ tranh, tô màu thì Lò Sử Mẩy lách cửa lớp học vào, mặt hằm hằm, quăng con dao phát rẫy:
- Có người tìm cô giáo đấy. Không phải người của bản.

Hạnh chột dạ, đã mười năm nay ngoài người dân bản ra cô làm gì đi đâu mà quen ai chứ, chẳng lẽ Lò Sử Mẩy lại đùa mình.
- Ai mà thèm lừa cô giáo, người ta bảo lên đón hai mẹ con về nhận con, nhận cháu. Cô giáo mà bỏ đi thì cũng chỉ là người xấu bụng mà thôi.

Hạnh ù tai. Người xuôi lên ư? Đã lâu lắm rồi cô không còn nghĩ mình là người xuôi nữa, chẳng ràng buộc gì với ai cả. Hạnh mồ côi, con Hạnh cũng mồ côi bố, không họ hàng thân thích với ai cả. Thằng Phướn lớn lên từ núi rừng, là con của núi rừng này. Không đi đâu hết. Nước mắt Hạnh chảy ròng ròng. Mấy đứa học trò không hiểu chuyện gì, sợ quá bám váy cô, có đứa thấy Hạnh khóc cũng i ỉ khóc.

Vừa lúc ấy có người đàn bà lấp ló ngoài hiên lớp, tay vân vê tà áo, ôm một bọc quần áo và lỉnh kỉnh đồ đạc đặt cạnh gốc bương lấy nước của lũ học trò. Dù đã mười năm nhưng Hạnh vẫn nhận ra đấy là Nhi, em gái Thuận. Chính là người đã lấy đòn gánh đuổi đánh Hạnh ngã sấp ngã ngửa, khi cô ôm bụng bầu về nhận bố mẹ chồng. Lúc ấy Thuận mới mất, Hạnh ghĩ đến đứa con trong bụng mà “vì cây dây cuốn”. Nhưng cả nhà Nhi dựng đứng lên, mắng té tát vào mặt cô:

- Mày ăn nằm với thằng nào, bây giờ nó ruồng rẫy, mày thấy con tao vừa nằm yên dưới mộ, mày vác đến đây ăn vạ à?
Nhi ngày ấy dữ tợn, còn bây giờ thì trông tiều tụy quá. Hai hốc mắt trũng sâu, thâm quầng, mặt đầy tàn nhang, đôi bàn tay gầy gò, nổi những đường gân xanh như vừa qua một trận sốt rét. Dù còn giận nhưng Hạnh thấy thương thương “làm gì mà ra nông nỗi này không biết…”.

Hai người đàn bà dắt nhau xuống suối gội đầu, thằng Phướn nghe bọn trẻ con trong bản bảo “người xuôi lên đón mày” thì lầm lì không nói, không cười, đến bữa giục mãi chẳng chịu ăn. Thấy mẹ và người lạ ra suối nó cũng lén theo ra, trốn trong bụi mần tang cách đó không xa. Hạnh dắt Nhi lội ra giữa suối, làn nước trong veo quấn lấy hai bắp chân, mát lạnh. Ánh nắng trưa hè chiếu xuống những viên đá cuội, lấp lánh như sao đêm quang mây. Hạnh vốc nước lên tóc Nhi, mái tóc cũng đã già đi quá nhiều rồi, nghĩ xót xa cho số kiếp đàn bà.

- Sao chồng lại bỏ Nhi đi, mà đi đâu mới được chứ?
- Đi làm công nhân dưới tỉnh, nghe nói gặp con chủ cửa hàng ngay sát bên cạnh chỗ làm, mới bị chồng bỏ, thế là quấn lấy nhau.
- Không giữ được à? - Hạnh thở dài.
- Không giữ, mà muốn giữ cũng không được. Nhà chồng em bạc lắm, chửi bới suốt. Con đĩ kia nó nịnh bợ gì, thấy giàu có sáng mắt vào. Em tủi phận bỏ về nhà. Dù gì thì anh Thuận mất rồi, nhà chỉ còn bố mẹ, em về ở cùng, cũng chẳng thiết gì chồng con nữa nhưng mà buồn lắm Hạnh ạ.
Hạnh định nói một câu gì cay nghiệt nhưng lại thôi, để mà làm gì nữa, ai cũng đi gần hết nửa cuộc đời, mỗi người một con đường, “âu cũng là cái số”.

Khi hai người đàn bà ngẩng lên ra về, thì đã thấy thằng Phướn đứng trước mặt:
- Con không về xuôi đâu, cô đừng có mà dụ dỗ.

Hạnh quay sang Nhi, bắt gặp ánh mắt tội nghiệp đang cúi gằm xuống đất. Hạnh nhẹ nhàng kéo con vào lòng, chẳng biết phải nói gì. Ấy thế mà chiều đã xuống lúc nào không biết nữa. Chiều trên xứ sở heo hút núi rừng này càng thêm ảm đạm. Ba người ngược dốc về nhà thì mặt trời cũng đang trườn xuống núi, nằm cuộn tròn ngủ yên như con rắn lục.

Hạnh đã ngồi hẳn dậy, cũng không thể để lũ học trò ngồi ngoài kia chờ mãi. Đêm qua cả bản kéo nhau ngồi quây quần ngồi ở nhà trưởng bản. Để bàn cái việc cô giáo sắp bỏ bản về miền xuôi rồi, lấy ai dạy con chữ cho người già người trẻ bây giờ. Trưởng bản cho gọi Hạnh đến nhưng cô lại chạy về phía suối ngồi khóc một mình. Cô bỗng nhớ lại cuộc đời mình với một chuỗi ngày buồn vô định. Sinh ra, lớn lên vốn đã không còn mẹ, cha thì ốm yếu nhưng cô vẫn quyết học hành. Vừa học xong trường cao đẳng ở tỉnh mở, cô về nhà giúp bố thu hoạch mùa thì lại đem lòng yêu Thuận, người con trai chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. Đã trót trao cả đời con gái cho người ta rồi mà vẫn chưa một lần ra mắt gia đình. Bố mất rồi ông trời cũng cướp cả Thuận đi bỏ lại Hạnh bụng mang dạ chửa bơ vơ giữa cuộc đời này. Cứ nghĩ đến những ngày đớn đau tủi nhục, cơ cực ấy cô chỉ muốn chết quách đi chứ nói gì đến việc ôm con về xuôi nữa. Còn ai để mà về, có lẽ cũng phải đưa mộ bố mẹ lên đây thôi. Dù gì thằng Phướn nó cũng thành con của bản mất rồi.

Ngày đầu khi chuyển công tác về đây, toàn ăn nhờ người trong bản. Đến cả ngọn rau, miếng thịt con nai, con sóc nấu cháo cho con cũng hết nhà này đến nhà khác sai con xách cho. Mùa đói nhất Hạnh cũng đã từng được bản bao bọc. Mà nếu không có những mùa đói ấy chắc gì cô đã yêu cái bản này nhiều đến thế. Năm ấy không có một giọt mưa nào đổ xuống ruộng đồng. Hạt chưa kịp gieo xuống đất đã thối vì nóng quá. Bao hạt giống gieo khắp cánh đồng mà không một chiếc mầm nào nhú lên khỏi tầng đất khô cằn, nóng bỏng. Ngô lúa trong bồ cũng đã hết, tháng ba, tháng tư năm nào cũng khổ, nhưng năm ấy cái đói dài dài khiến cả bản buồn như có đám quanh năm. Trẻ con không đến trường nữa, bàn ghế, lớp học trống không. Sáng sáng chỉ có con chim bay vào bậc cửa réo rắt đến não gan, não ruột. Hạnh phải đến từng nhà mang học trò về lớp. Rồi nhờ sự hỗ trợ của huyện và sở giáo dục mà mùa đói ấy cũng đã đi qua lâu lắm…

Hạnh cột lại tóc gọn gàng, vén màn cho Nhi và con trai, rồi mở cửa bước ra ngoài. Phía bên ngoài bậu cửa là lũ trẻ, có đứa bố mẹ thức dậy sớm quá, vẫn còn buồn ngủ nên ngồi ngủ gật, trưởng bản cũng đến, Lò Sử Mẩy nhìn Hạnh chằm chằm. Phía xa xa thấy bóng một cụ già đang cõng cháu leo dốc về phía lớp.

- Sao hôm qua cô giáo không đến họp? Xem ra cái bụng cô giáo muốn đi thật rồi.

Hạnh vẫn im lặng, chạy lại đỡ thằng nhỏ trên vai bà cụ. Làm sao cô có thể dứt bỏ nơi này mà đi được, làm sao mà nói với mọi người rằng hôm nay cô sẽ xuống núi đây. Nhưng còn Nhi, còn thằng Phướn, còn ông bà nội nó thì sao… Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh người chạy lại, dù gì cũng là con cháu người ta. Lúc già người ta muốn được nhìn mặt đứa cháu, chẳng lẽ mình lại…

Tối qua Nhi có than:
- Bố mẹ chắc cũng chẳng sống được bao lâu, ông bà cũng ân hận vì ngày xưa đã đối xử với hai mẹ con chị thế. Nay sắp về thế giới bên kia cũng chỉ mong gặp mặt chị và cháu cho đỡ tủi.
Sao Lò Sử Mẩy cứ nhìn Hạnh thế này, sau mọi người cứ nhìn Hạnh mãi thế… Bỗng từ trong nhà Nhi rũ rượi bước ra:
- Chị Hạnh đừng khổ tâm nhiều, em biết mọi người ở đây đã cưu mang hai mẹ con chị lúc khó khăn nhất. Xem chừng thằng Phướn cũng giống lũ trẻ của bản Tả Phìn rồi, thôi thì… Hay chị cứ đưa cháu về thăm ông bà ít bữa rồi lại lên đây dạy học. Lúc ấy chị đi đâu em cũng không giữ, mà có muốn cũng không giữ nổi.

Nghe Nhi nói Hạnh chỉ khóc, thằng Phướn đã dậy tự lúc nào cũng ôm cột khóc. Trưởng bản thở dài:
- Thế cô giáo định thế nào, để người dân trong bản còn biết. Thôi thằng Lò Sử Mẩy còn đứng đấy làm gì, về nhà dặn đàn bà thổi xôi, đàn ông bắt con gà, chặt ống măng làm quà cho miền xuôi. Để mấy hôm nữa cô giáo còn biết mùi mà tìm đường lên với bản.

Con đường xuống núi hôm nay sao mà nặng như ngược dốc thế này. Dù Hạnh không quay lại thì vẫn biết phía sau là tiếng thút thít khóc của mấy đứa học trò, là người già tựa cột nhìn, và chắc chắn Lò Sử Mẩy đang ngồi trên đỉnh núi mà tâm hồn thì đi theo Hạnh mãi. Thằng Phướn túm áo mẹ vừa đi vừa ngoảnh lại. Hạnh cứ thắc thẩm mãi là chưa chào được con chim núi, mỗi bình minh lại bay vào bậc cửa, líu lo gọi con chữ về với bản làng...
Bùi Quang Dũng
Đảo gọi
Đảo gọi

Tiếng trống lễ hội vang lên. Làng cá Mân Thái nhộn nhịp. Từng gương mặt của người dân chài rạng rỡ dưới ánh nắng đầu xuân. Có con mắt hấp háy tìm ai đó trong đám con gái xinh làng biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN