Chuyện của Liễu

Tặng Liễu - Hội người mù TP Cần Thơ


Đồng hồ trên tường thong thả gõ đến tiếng thứ mười. Mưa ngoài trời mỗi lúc mỗi nặng hạt hơn. Trời tối đen như mực, gió rít ào ào trên mái tôn nghe rợn người. Con đường nhỏ từ quốc lộ rẽ vào nơi làm việc của Hội người mù giờ không một bóng người. Bão số 09 đêm nay sẽ đổ bộ vào miền Trung.

- Đêm nay bão nên mưa lớn quá, chú chờ mưa tạnh tạnh rồi hẵng về. Tiếng Liễu khe khẽ vang lên trong đêm vắng.

- Chắc phải vậy. Mưa lớn quá - Lâm trả lời.

Minh họa: Trần Thắng.


Liễu lò dò từng bước chậm rãi đến bên chiếc bàn nhỏ cuối phòng thuần thục pha một bình trà mời Lâm. Lúc này Lâm mới có dịp nhìn cô, nhất là đôi mắt sáng tinh khôi thỉnh thoảng cứ chớp liên tục làm khuôn mặt cô càng thêm duyên dáng đến lạ thường. Lâm cố nén tiếng thở dài chua xót. Đôi mắt ấy vĩnh viễn không còn thấy ánh sáng của cuộc đời, cũng có nghĩa là khép lại bao nhiêu ước mơ của một cô gái đang độ xuân thì, một cô giáo trẻ vùng quê sâu đang ấp ủ bao nhiêu hoài bão.

- Chú đừng ngại sợ con buồn, con đã quen như vậy rồi. Chú đang nhìn con phải hôn? Con đang tưởng tượng chú rất hiền, ít nói và … Liễu bật cười.

- Chú rảnh hôn? để con kể chuyện của con cho chú nghe há?. Liễu đề nghị.

- Sẵn sàng nhưng không được khóc đó nghe. Lâm pha trò.

Câu chuyện cứ đều đều trôi trong đêm mưa bão. Thỉnh thoảng sấm chớp phát ra những tiếng kêu răng rắc kèm với những tiếng nổ đì đùng. Ly trà nóng đã nguội dần. Lâm không tài nào uống được vì bận cuốn hút vào câu chuyện buồn của Liễu.

Liễu ra đời ở một vùng quê nghèo đầy khốn khó thuộc TP Cần Thơ. Từ tấm bé Liễu luôn mơ ước trở thành cô giáo đứng trên bục giảng để đem kiến thức đến với học sinh nghèo quê cô như một sự trả ơn nơi chôn nhau cắt rốn. Cái ngày đậu vào trường Cao đẳng Cần Thơ, cô bé Nguyễn Thị Thúy Liễu đã khóc thật nhiều vì hạnh phúc đúng với tâm nguyện của mình.

Ngày ấy…

Cái làng quê nhỏ mút tận ngọn con rạch hôm nay xôn xao với cái tin con Liễu đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm. Không xôn xao sao được khi học trò nghèo ấp này tối ngày phải phụ giúp cha mẹ kiếm ăn bằng mọi cách, giỏi lắm chỉ học đến lớp bảy, lớp tám là nghỉ học, nói chi đến đậu tú tài, đậu cao đẳng.

Những ngày ở ký túc xá dù rất nhớ gia đình nhưng Liễu cố nén lòng ở lại để khỏi phải tốn kém tiền xe. Khi gian phòng vắng tanh vì bạn bè đã về quê hay đi vui chơi, mua sắm, Liễu lại ngồi khóc một mình trong tủi hờn con gái.

Hạnh phúc tưởng đã đến với cô gái nghèo khi xuất hiện một người bạn học hết lòng chăm sóc yêu thương.

- Ra trường đi dạy vài năm, hai đứa mình làm đám cưới nghe. Phong - bạn trai Liễu - bao giờ cũng động viên như vậy.

- Lỡ ba má anh hổng chịu em rồi sao?

- Nói bậy không hà? Ba má anh thương anh nhất nhà đó. Mà em quá dễ thương lại hiền lành ai mà không mến.

- Nè. Rủi mai mốt em bị bệnh gì đó bất ngờ không giống người ta. Anh có còn thương em hôn?

- Sao em nói vậy? Dù có chuyện gì thì anh vẫn sẽ thương em suốt đời. Giọng Phong chắc nịch.

Những lúc ấy Liễu nghe lòng ấm áp, hạnh phúc và thương Phong đến lạ lùng.

Ra trường cả hai được phân công về công tác tại một trường trung học cơ sở. Liễu giảng dạy môn Anh văn. Hàng ngày vượt gần chục cây số đường làng, cô hăm hở đến với học trò của mình với bao niềm vui, niềm ước mơ cháy bỏng. Nhìn lũ học trò nghèo chân đất đến trường trong những bộ quần áo bạc thếch vàng úa lấm lem sình đất, cô cố nén lòng để không bật lên tiếng khóc vì xúc động dâng trào.

Quê cô nghèo và đầy nắng gió vẫn chưa hàn gắn hết vết thương thương chiến tranh hằng mấy mươi năm qua. Lũ học trò nghèo vẫn cứ quanh quẩn lo toan cái ăn cái mặc đã lắm vất vả gian nan, nói chi đến chuyện tới lớp tới trường. Có đứa sau buổi học mò ốc bắt cua dầm mình trong mưa lạnh để giúp gia đình. Mùa khô còn đỡ chứ phải mùa lũ hàng năm tràn về, chúng lại tất tả gấp nhiều lần khi phải lội sông, nhịn ăn để kịp đến lớp trong cái lạnh xanh môi tím mặt.

Vậy mà lớp không đứa nào bỏ học giữa chừng. Có lẽ chúng muốn chia sẻ niềm vui với một cô giáo trẻ mới ra trường đang khát khao thực hiện nhiều hoài bão vì đàn em thân yêu. Hai năm Liễu đứng trên bục giảng thì hai năm cứ đến ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, lũ học trò nhỏ ấy xúm xít vây quanh chúc mừng cô với những bó hoa dân dã nhưng nồng ấm tình người.

Liễu nhớ lắm cái lần lũ học trò lấp ló ngoài sân nhà cô. Mười mấy đứa xúm xít trên chiếc xuồng nhỏ cặp sát mé rạch, trai có, gái có. Vậy mà không đứa nào dám bước lên.

- Sao mấy em tới mà hổng lên còn ở đó?

- Dạ,…dạ…. nè mấy bạn lên đi… tiếng đứa này hối thúc đứa kia nhưng rồi không ai rời khỏi xuồng.

Rất lâu. Thằng Tửng - trưởng lớp - lấm la lấm lét nhảy lên bờ, tay ôm một bó hoa đủ loại: vạn thọ, cúc, hướng dương…. Nó ấp úng mãi mới nói thành lời:

- Nhân ngày của cô, tụi em bơi xuồng đến nhà, trước chúc cô vui vẻ, mạnh khỏe, sống lâu, và…. Nói đến đó nó hướng mắt về phía đám học trò còn ngồi dưới xuồng ra hiệu

- Một… hai… ba…. Tửng bắt nhịp.

- Mong cô sớm có chồng. Cả lũ đồng thanh thét lên rồi vỗ tay rần rần. Liễu lặng người vì quá bất ngờ và xúc động. Chúng nó thơ ngây, thiếu thốn và chân thật đến dường nào. Hạnh phúc đến tái tê lòng.

Vậy mà bất hạnh đã ập tới. Đôi mắt cô bị mờ dần. Chạy chữa khắp nơi từ Cần Thơ, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến tận TP Hồ Chí Minh nhưng tất cả đều vô vọng. Bác sỹ kết luận Liễu bị viêm màng bồ đào không còn cứu được đôi mắt, căn bệnh quái ác hiếm hoi kia lại rơi ngay xuống cô, một cô giáo trẻ đang căng đầy nhựa sống. Lúc đầu cô toan kết liễu đời mình nhưng được sự động viên của gia đình nên lại thôi. Cô nghĩ chết là một sự trốn chạy yếu hèn nên xua tan ý nghĩ ấy đi.

Đau đớn nhất là những ngày không còn nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, bóng đêm cứ dần ập đến như một ngọn nến đang tàn dần trong màn đêm u tịch. Cô chỉ biết khóc, oán than, trách móc cuộc đời, trách móc sự bất công của tạo hóa. Liễu khép mình trong bóng đêm với bốn bức tường nhà để trốn chạy sự tuyệt vọng không lối thoát. Đến bữa ăn cô không tài nào gắp được thức ăn khiến cả nhà đều khóc.

Bất hạnh chồng lên bất hạnh. Người bạn trai đã từng thề non hẹn biển chuẩn bị tiến đến hôn nhân sau khi biết cô lâm bệnh hiểm nghèo, ban đầu còn lui tới thăm hỏi động viên, nhưng rồi cũng thưa dần và biệt dạng.

Nhói lòng nhất là đến ngày 20/ 11, ngày nhà giáo Việt Nam, Liễu đã không còn được đến trường để nhìn thấy đồng nghiệp, được nhận những bó hoa đồng nội đơn sơ nhưng ấm áp nghĩa tình của lũ học trò nghèo. Cô không còn nước mắt để khóc than oán hờn. Có lẽ nước mắt đã chảy ngược vào lồng ngực, làm ướt đẫm trái tim của cô như một sự nghiệt ngã vô chừng.

- Rồi sao nữa?, cô kể tiếp đi. Tiếng Lâm cắt ngang câu chuyện kể với vẻ sốt ruột.

- Chú cứ từ từ nghe kể. Chuyện còn dài lắm. Mưa còn lớn phải hôn chú? Con nghe tiếng mưa còn nặng hạt mà. Liễu vẫn từ tốn nhẹ nhàng.

Một hôm nghe trên “ra dô” kể chuyện một em nhỏ bị tật gù lưng và mất một phần thân thể nhưng vẫn lạc quan yêu đời làm nhiều việc có ích cho xã hội, Liễu xúc động quá và quyết định chọn cho mình một hướng đi mới lạc quan hơn. Cô đăng ký học chữ bơ - rai, loại chữ dành cho người khiếm thị và đăng ký công tác tại Hội người mù thành phố. Nay cô đã là Thường vụ thành hội. Hàng ngày với nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên giáo, cô lắng nghe tâm tư nguyện vọng của trên bảy trăm người đồng cảnh ngộ để tư vấn động viên, tháo gỡ những ách tắc tạo thêm nghị lực sống cho họ, chủ động đề xuất những giải pháp khả thi dựa vào sự quan tâm giúp đỡ hỗ trợ từ cộng đồng xã hội. Liễu còn đang ấp ủ nguyện vọng dạy Anh văn cho hội viên của mình.

- Con luôn nhớ lời Bác Hồ dạy tuy tàn nhưng không phế, cạnh đó mình phải cùng thông cảm sẻ chia nỗi bất hạnh của những mảnh đời không may mắn, giờ thì con rất lạc quan yêu đời .

Dù rất khó khăn, nhưng việc lo toan sinh hoạt cá nhân, đi lại, kể cả việc tự nấu ăn hàng ngày giờ đây đã quá quen thuộc với Liễu. Hàng đêm cô lại tự mày mò đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu với niềm đam mê rất lạ thường. Dù cơ quan cách nhà trên 20 km, nhưng tuần nào Liễu cũng tranh thủ về đoàn tụ với gia đình, kể lại những công việc đã làm được trong niềm hạnh phúc vô biên.

Hôm nay Lâm nhận được một thiếp cưới rất lạ thường. Thiệp của Liễu báo tin cô lấy chồng. Lấy chồng đúng vào ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Hấp tấp dựng xe vào góc sân đầy sình đất sau cơn mưa tầm tã tháng mười một, Lâm đã nhìn thấy Liễu hôm nay rạng rỡ xinh đẹp hơn bao giờ hết, đang nắm tay chồng lần dò từng bước chậm rãi bước ra mừng bạn bè.

- Chú đây. Liễu ơi. Lâm sung sướng thốt lên.

- Chú hả? Giọng Liễu ngập ngừng xúc động - con trông chú quá trời.

- Đây là chú Lâm, người mà em thường kể cho anh nghe đó. Liễu ôn tồn nói với chồng.

Sau này Lâm mới biết, người thanh niên ấy mỗi tuần từ Cần Thơ cũng về quê thăm nhà. Duyên nợ thế nào mà cả hai đều là hành khách thường xuyên trên những chuyến xe buýt. Từ cám cảnh, thán phục rồi chuyển dần sang tình yêu. Nghĩ rất lạ.

Cả hai vợ chồng nắm chặt lấy tay Lâm như muốn sẻ chia niềm hạnh phúc đang đong đầy. Đồng nghiệp xưa của Liễu hôm nay có mặt đầy đủ, ai cũng đôi mắt đỏ hoe vì xúc động, mừng cho cô có được một mái ấm gia đình rất đặc biệt, rất bất ngờ này.

Vậy là chuyện cổ tích giữa đời thường rất có hậu đã đến với cô.

Tô Phục Hưng



Chuyện năm tôi mười lăm
Chuyện năm tôi mười lăm

Cha tôi mất được hơn năm thì mẹ tôi lấy chồng, người Mỹ. Tôi tám tuổi, về ở với bác Điểm, chị gái của cha. Từ ngày cha đi chữa bệnh gần hai năm, tôi chưa được thăm cha lần nào vì mẹ bảo người ta cấm không cho phép trẻ con được bước vào đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN