Hỏi con cho vợ

Sau tiệc chiêu đãi của “Đại hội Cựu chiến binh vượt khó thành đạt”, Giám đốc Hà Chí Tùng nhận được cái bắt tay rất chặt và một câu hỏi của người bạn chí cốt:

- Anh đã từng giúp đỡ nhiều thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn. Tôi biết có một hoàn cảnh khó khăn khác, anh sẵn lòng giúp chứ?

- Ông yên trí đi! Nếu trong tầm tay, khả năng cho phép thì mình sẽ tận tâm, còn vượt quá khả năng thì anh em mình sẽ tìm cách tháo gỡ.

Minh họa: Trần Thắng



- Chuyện nhỏ thôi anh ạ!

- Ông nói “toạc móng heo” ngay đi để tôi có hướng. Con nhà lính với nhau cả, quái gì cứ phải câu nệ như đi hỏi vợ cho con vậy.

- Đấy là anh nói về thời buổi anh em mình độc diễn chiếc quần thủng đít. Còn thời kỳ đổi mới bây giờ thì hỏi con cho vợ mới phải vậy.

- Hỏi con cho vợ! Hahaha.

Hai người vỗ lưng nhau, cùng cười rất vô tư. Nhưng người không thật sự vô tư nói tiếp:

- Anh ạ! Ví thể như ai đó đã cho anh máu, nay cần anh giúp lại...

- Tôi đã được nhận máu của ai nhỉ! À à, Tùng chau mày, vỗ vỗ trán. Mà khi thập tử nhất sinh ở “phẫu” Trung đoàn thì mình có biết quái gì đâu! Chuyện hệ trọng thế thì nói liền đi, vòng vo tam quốc mãi!

- Anh cho hẹn khi khác, để tôi suy tính cái đã.

- Bất cứ giờ nào, tôi đều tiếp ông được hết.

- Giờ này ngày mai được không anh?

Vị giám đốc xem đồng hồ: “OK!”

Nhìn bóng áo lính cũ của bạn gò trên chiếc xe, phải rướn người đạp tới lần thứ nhiều mởi nổ máy được, Tùng thấy nao nao.

Đúng hẹn, bốn bàn tay xiết chặt với nửa phần dò xét, nửa nỗi mong chờ. “Kể ra nên mời ông đến nhà chơi thì phải. Mình đoảng vậy!” “Không được! Rắc rối to ngay!” “Ông nói sao?” “Ta vào chuyện luôn! Tôi ít thời gian lắm!” .

Hai người không còn ngồi cạnh nhau, mà đã ngồi đối diện.

- Tùng này! Người khách đổi cách xưng hô như thể cho thân thiện, cũng như để ràng buộc. “Thằng bạn tớ bị nhiễm chất độc điôxin…” “Mức độ nặng không?” “ Đứa con đầu khi sinh ra không có hai tay, hai chân dính chặt. Răng nanh chìa dài…”, “Cháu không khóc chào đời được!?” Gật đầu. “Đứa thứ hai, mình loang lổ như da báo, máu tươi và nước vàng rịn ra liên tục, cháu mới mất!” “Sau khi chạy chữa nhiều nơi!?” Im lặng. Gật đầu. Một tiếng thở dài. Hai tiếng thở dài não ruột. “Thế là không dám sinh đứa nữa!?”. Im lặng. Gật đầu.

Máy lạnh vẫn chạy êm ro. Tùng biết, “đứa bạn” mà đồng đội ông nhắc đến, không ai khác chính là người đang ngồi trước mặt ông đây. Chẳng qua, bạn ông không muốn nói đến nỗi đau của chính mình.

Chỉ có hai người mà phòng khách thấy như bức bối, như chật chội và như sắp nổ tung.

Chỉ có hai người nên phòng khách như rộng thênh thang ra mãi, hai người đàn ông - hai cựu binh đã từng vẫy vùng nơi chiến trận, mà giờ đây cứ lặng dần, chìm dần trước một cảnh ngộ.

Lại thêm hai tiếng thở dài não ruột.

Im lặng.

Não nề.

“Vợ nó bỏ đi!?” Lắc đầu. “Không, vợ nó không chịu bỏ đi, mới đau chứ! Nó làm tờ đơn ly dị nào là bị vợ đốt liền cái đó và chỉ khóc, nói là sẽ kiếm con nuôi”. Gật, gật đầu. “Nó không muốn vậy! Nó muốn cô ấy được làm mẹ một cách trọn vẹn. Tớ tìm cậu, nhờ cậu nhận vợ nó vào công ty làm việc.” Gật, gật đầu. “Khó gì chuyện ấy!”. “Làm việc gì cũng được và…và cậu cho cô ấy một đứa con!” .

Tùng giật mình, mắt trợn tròn, tay đập xuống bàn. “Cái gì. Bậy! Ông điên à?” “Tớ hoàn toàn tỉnh táo, như vậy sẽ trong ấm, ngoài êm, vẹn cả đôi đường!”.

Bàn tay to, mập mạp lại đập xuống bàn lần nữa. “Không được. Bậy! Ông đếch mang đến cho tớ cơ hội làm việc thiện, mà muốn khoác vào cổ tớ điều ác, tiếng xấu!” “Thiện chứ sao là ác!”, “Cơm thầy, vợ bạn…” .

Tùng đứng phắt dậy, chỉ thẳng tay vào mặt khách, hét không ra tiếng “Cơ…ơm. Cơm thầy, v..ợ vợ bạn là điều cấm kỵ! Không được phép tơ hào! Ông hiểu không? Ông biến khỏi đây ngay!” “Tớ sẽ đi liền, nhưng cậu phải giữ kín mọi chuyện, xin hãy nhớ lại câu chuyện hôm qua. Và cậu phải thật bình tĩnh để đọc những thứ này. Xin nhắc lại: Phải huy động cao độ bản lĩnh của người lính để hết sức bình tĩnh và tuyệt đối bí mật. Tại chỗ này, giờ này, ngày này, tuần sau, tớ đến!”

Một phong bì khá dầy được đặt cẩn thận trên bàn.

*
* *

Tùng ngó dằn mặt cái phong bì. Đặt bàn tay run run lên nó, anh có cảm giác như chiếc phong bì đang nóng dần lên, tựa hồ vỏ quả bom đã được kích hoạt.

Cái gì đến thì ắt phải đến. Nổ thì nổ liền đi! Quái gì phải sợ! Đang cơn sôi máu, Tùng xé toạc phong bì. Một cuốn nhật ký nhỉnh hơn bàn tay và một lá thư giấy còn mới toanh được xếp theo kiểu cài giắt với mấy chữ to tướng, thơm mùi mực “Đọc thư sau chót” .

- Trẻ con! Tùng cười. Trẻ con là trẻ con kể cả cách gấp thư, lẫn cả lời dặn. Quái gì phải vậy! Cứ đọc thư trước!

Hí hoáy một hồi Tùng mới mở phanh được tờ giấy.

Từng hàng chữ nắn nót, tự tin “Thế đấy Tùng ạ! Cậu không mượn nhưng đời đã vay. Cậu không xin, nhưng đời đã nhận. Không ai có lỗi. Không ai làm điều xấu. Không hề bất trung mà tất cả đều là hiếu, nghĩa. Chỉ có điều…bây giờ cậu là người trả nợ. Món nợ quá nhẹ nhàng, hoàn toàn trong tầm tay và khả năng cho phép Tùng nhỉ! Chào đấng trượng phu không nói hai lời!” .

Sao lại toàn những lời lấp lửng “...không mượn... đã vay... không xin... đã nhận... trả nợ...” mà là cái gì cơ chứ?.

Tùng chợt nhớ lại những lời “...hỏi con cho vợ... đã cho anh máu… cho cô ấy một đứa con...” Chết cha! Có phải là… là vậy không đây?

Lật qua, lật lại bức thư, bốn chữ “Đọc thư sau chót” đã tự cắt nghĩa tất cả.

Tùng thấy bải hoải, muốn xem ngay những điều cần đọc trước là thứ gì. Nhưng rồi Tùng cảm thấy hoang mang, thoáng một nỗi sợ. Đúng hơn là rất sợ. Sợ một tiếng nổ? Sợ một nỗi tan tác.

Tùng mở cuốn nhật ký được giữ gìn rất cẩn thận. Các tờ giấy ố vàng, dính chặt với nhau, chứng tỏ chủ nhân đã cố tình “quên” nó và càng chứng tỏ nó đang lưu giữ điều gì bí mật, hệ trọng. Vạn bất đắc dĩ mới được trình diện làm chứng cứ.

Phần đầu nhật ký chỉ là những chuyện sinh hoạt, học tập, huấn luyện bình thường, những kỷ niệm nho nhỏ của một chàng tân binh. Nhưng lời lẽ xem ra có vẻ triết lý, của người có học nhìn nhận, đánh giá sự việc rất nhân văn, thể hiện một con người sống có đạo lý và rất có trách nhiệm. Tùng thấy có cảm tình với tác giả của những con chữ bao nhiêu thì lại càng thấy lộn ruột với người đưa nó đến, mới bị tống khứ bấy nhiêu.

Nhưng đến những trang cuối, những dòng cuối thì Tùng không đủ bình tĩnh để đọc, để hiểu được nữa. Từng chữ nắn nót, ngay hàng thẳng lối như lưỡi lê nhằm vào anh mà đâm, mà ngoáy..

Ngày... tháng...

Đời ơi! Tôi không hề chủ tâm làm việc bất nhân, thất đức.

Lần đầu tiên bị xác thịt phụ nữ cọ xát mà chẳng có gì sâu nặng, bởi lẽ tuy chưa đến mức bị bạo hành nhưng mình hoàn toàn bị khống chế, bị “đan rập, giật giàm”.

Đạo lý ơi! Những người mẹ và người vợ chính chuyên, trung hậu đã vì một nghĩa cử cao đẹp nên đành để nước mắt chảy ngược vào lòng.

Người ơi! Không ai là kẻ lang chạ, tranh vợ, cướp chồng mà đi đến tận cùng sâu thẳm của lương tâm thì cả tôi, hai bà mẹ, và vợ một người bộ đội đang ở ngoài mặt trận buộc phải làm một việc bất đắc dĩ, đổi cái nghĩa thất đức thành chữ phúc.

Bạn ơi! Hoàn không phải là kẻ phản bội chồng. Mẹ đẻ và mẹ vợ của cậu không phải là người nhà họ “Tú”. Tôi không cùng dòng dõi với “Mã Giám Sinh”. Tùng ạ! Tôi và cậu là đồng đội cùng chia lửa chiến trường. Chúng mình là thế hệ kế tiếp, có trách nhiệm hoàn thành sự nghiệp quét sạch bóng thù và góp phần xây dựng vững chắc hậu phương quân đội.

Và nữa:

Thầy u kính mến!

Như con đã thưa chuyện với thầy u là khi nào có tin chính thức là con không về nữa thì nhà hãy mở và đọc cuốn nhật ký này rồi đấy nhá!

Nhà mình cứ theo tên và địa chỉ của hai gia đình đó mà đến. Làm gì đó thì cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh thực tại và trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Cố nâng niu, không để làm một ai bị tổn thương, vì tất cả đều là người tốt. Nhất là bác Bách, bác ấy là thương binh nặng.

Trước khi đi B, con đã bí mật về đó thăm, mà không để lộ tung tích cho một ai biết hết. Chỉ một mình con biết chắc chắn là con đã có con, không biết cháu là trai hay gái. Con tin thầy u đủ tỉnh táo để xử sự theo hoàn cảnh và nhất định không làm ai bị tổn thương! Ông bà ôm hôn cháu nhiều cho con được yên lòng!

Khóe mắt nhòe đi, Tùng thấy nước mắt mình nhỏ trên trang viết.

Phận mình. Hay chủ nhân của cuốn nhật ký; tác giả của những dòng ký ức tâm huyết; tấm gương thương binh điển hình vượt khó và người đi hỏi con cho vợ đều là một con người Lê Hải?

*
* *

Không còn cha để hỏi trên phương diện những người đàn ông với nhau, cũng không còn vợ để hỏi theo tình đầu ấp má kề, bởi hai người đã cùng lúc nằm ngoài nghĩa trang liệt sỹ. Chỉ còn hai bà mẹ là sui gia.

Tùng sực nhớ: Hết một tuần nghỉ phép để đi B, anh thấy cả hai bà mẹ cứ thở dài sườn sượt, bố lại bị vết thương tái phát, may có mấy cậu bộ đội, trong đó có Hải đóng quân trong nhà động viên nên anh cũng yên tâm. Sác xuất có thai của vợ chắc, lép thế nào thì anh và những người đàn ông đâu biết, mà chỉ những bà mẹ là biết. Chắc hẳn các bà đã “ra tay”. Đàn bà mà rắp tâm cho một việc “thầm kín” thì đến tài thánh cũng còn bị qua mặt, chứ nói gì đến bố và mấy cậu lính.

Nhưng! Cũng chính nhờ vậy mà những ngày cuối đời bố được vui vẻ với đứa cháu nội. Hoàn cũng được một lần làm mẹ. Và cậu Hải có được đứa con trước khi lâm nạn di họa chiến tranh. “Gì thì không biết, nhưng ở lĩnh vực này mang đậm dấu ấn nhân đạo” Tùng nghĩ. Mình sẽ gửi “giọt máu quý hiếm” ấy về lại nguồn cội. Con mình - con bạn, đều là giọt máu của những người con trung hiếu.

BMT 12/2014

Trần Đình Hằng
Những người lính trong hang  núi Mo So
Những người lính trong hang núi Mo So

Cơn mưa giông tháng 9 tầm tã. Gió rú rít từ mé biển Ba Hòn thổi về phần phật. Từ trên đĩnh núi Mo So, tiếng sấm sét dội xuống hang chát chúa nghe rợn người. Nước các mạch suối ngầm mùa này dâng cao tràn qua những phiến đá lạnh căm căm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN