Một thằng nhỏ ngồi trong quán, cầm ly nước mía lanh chanh chạy ra:
- Hôm nay kiếm được khá không?
Nó giương mắt lên, cong môi định nói một điều gì đó nhưng nghĩ sao lại thôi. Nó cúi gằm mặt xuống, thất thểu đi trong nắng. Bóng nó tròn, cái nắng trùm xuống đầu xuống cổ. Tiếng thằng nhỏ ngồi trong quán nói với theo, giọng nhạo báng:
- Gió mát quá hen!..., nói xong cười ha ha, những người khác trong quán cười theo. Một giọng chan chát, nói cứ như hét vào mặt:
- Ngày xưa tuổi đó đã có chồng rồi, nó giờ còn mặc quần không biết kéo phéc-mơ-tuya!...
Nó vẫn cứ đi như không nghe thấy. Mọi người đều nghĩ rằng chắc nó sẽ lấy tay kéo áo che chỗ dây kéo bị hỏng vì ngượng hoặc chỉ vì quán tính. Nhưng không, nó vẫn ngang nhiên rảo bước trong nắng. Luôn không có một biểu hiện gì, không được xấu hổ. Mà nó tin rằng, xấu hổ trước mặt người khác là nhục nhã, mẹ dạy như thế mà. “Đói rách, bẩn thỉu người ta mới cho nghe không? Dễ gì được thiên hạ bố thí cho một đồng tiền nát!”.
Nhà chỉ có bà ngoại là luôn ở nhà. Mẹ nó cứ ra vô, đá thúng đụng nia, lầm bầm trong miệng rồi ban đêm đi biệt. Ngoại với mẹ có bao giờ ngồi với nhau chỉ để nói chuyện, gặp nhau trong bữa cơm nhưng mẹ lúc nào cũng mặt nặng mày nhẹ, ngoại thì không mất một lời, qua quýt mấy miếng cơm rồi đứng dậy.
Mẹ nó mê đánh bài, thắng thua thế nào không biết, vui đến chừng nào cũng không biết. Nếu ba nó nghiêm túc kêu mẹ đừng đi đánh bài nữa, để tiền mua gạo thì mẹ dõng dạc: “Đánh bài ông sợ không có gạo ăn à? Ông ơi! Thời bây giờ người ta chết vì bệnh chứ không ai chết vì đói. Ai bảo đánh bài thì chỉ nghèo? Có khối người giàu lên nhờ bài đó thôi? Thà đói thì tui đi ăn mày, còn nếu bỏ bài, tui sẽ chết vì buồn!”. Ba lắc đầu. Có đêm ba cứ châm thuốc và ngồi trước hiên, chỉ có bóng tối quấn lấy ba, bà ngoại ca cẩm: “Vô ngủ để mai còn đi làm, đợi tới sáng à?”
Bà ngoại già cả nhưng trông nom và quán xuyến nhà cửa. Lem thương ngoại lắm, tới bữa, bưng chén lên thì nghe:
- Chỉ giỏi ăn và giỏi báo đời thôi! Không ra đồng được thì ra đường!
Bao nhiêu đó, mẹ cứ lặp đi lặp lại mãi. Rồi một ngày, mẹ không bóng gió nữa mà nói thẳng:
- Mẹ đừng ngồi không nữa! Ông trời còn cho thở thì phải làm. Từ mai, Xù không phải đi làm một mình nữa, con sẽ đưa bà ngoại đi cùng.
Một già một trẻ thất thểu ở chợ tỉnh. Ăn mày cũng là cái số. Có cái kiếp ăn mày cháu ạ! Số kiếp nghĩa là không muốn cũng phải làm, Trời bắt đoạn trường thì phải đoạn trường! - lời bà lẩm nhẩm, nghe chua xót.
Lem đi học bữa đực bữa cái, hôm nào mẹ thắng bài, có đồng ra đồng vô rủng rỉnh thì được đi học. Hôm nào mẹ đưa cái ca nhôm là tự động dắt bà đi. Từ một học sinh giỏi ở tiểu học, lên lớp 6 Lem trở thành học sinh Khá học kì I và học kì II là trung bình. Lớp học có hơn 20 học sinh nên chỗ ngồi thật rộng rãi. Có lúc Lem ước gì lớp học chật chội một chút để được ngồi cạnh một bạn nào đó, rồi cũng làm việc riêng trong giờ học như nói chuyện, ăn quà vặt chẳng hạn. Lem ngồi một bàn và cách 2 dãy bàn nữa mới có bạn ngồi, muốn mượn cây bút xóa, chiếc thước kẻ cũng không sao mượn được. Không bạn nào thích ngồi gần Lem, đi ngang qua thì lấy tay che mũi như đi qua một chỗ tanh tưởi. Làm bài kiểm tra, nếu Lem để bài trước lên bàn giáo viên, các bạn sẽ lấy tờ giấy của mình bỏ sang bên cạnh. Lem như một con hủi cần phải né xa trong mắt các bạn cùng lớp. Cô giáo có bảo thế nào các bạn cũng khóc lóc không chịu ngồi cạnh Lem, bạn nào nghịch trong lớp, tin rằng cô giáo chỉ cần nói: “Nếu bạn nào làm việc riêng trong giờ học cô sẽ chuyển ngồi cạnh Lem!” thì đố bạn nào dám rục rịch trong giờ học nữa.
Đến trường, ngồi một mình thấy chiếc bàn mới thênh thang làm sao, ra chơi lủi thủi ngồi vào một góc nào đấy ở sân trường. Có lần, Lem được bài hay trong tháng khi tham gia Câu lạc bộ Văn học của trường, một bài thơ về ba. Khi được cô giáo mời lên đọc thơ trước toàn trường và trao phần thưởng, mới nghe tên Lem, cả trường cười ầm, cô giáo nghiêm mặt lại nhắc nhở, các bạn vẫn lấy tay che miệng.
Lem học không dở, cũng không lười học chỉ có điều không có thời gian, mà cũng không đủ sức để vừa đi ăn xin vừa đi học. Cô giáo đã nhiều lần răn đe, vì em nghỉ hơn 50 ngày một học kì rồi nên theo điều lệ sẽ phải lưu ban nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của em nên cô vẫn làm lơ, em sẽ lên lớp, năm sau đừng nghỉ học đi làm nữa nhé! Cô sẽ kêu gọi nhà trường, cộng đồng để em được sự giúp đỡ. Lem mừng khôn xiết…
Mùa hè đã đến rồi, nó tha hồ đi xin ăn mà hông sợ phải nghỉ học…
* * *
Tối, có người tới nhà hỏi nợ, món nợ năm nảo năm nào. Ba bực dọc, to tiếng, lần đầu tiên nó thấy ba giận đến tím người như vậy. Ba khẳng định không có khoản nợ lớn đến thế, số tiền bán mì non lần trước ba đã đưa mẹ để trả nợ rồi. Vậy thì số tiền đó nằm ở đâu mà nợ vẫn còn. Ba nhất định phải hỏi cho ra vụ này mới được. Ba sai con Lem: “Mày qua sòng bài kêu bà ấy về đây gấp! Không về thì tao qua túm tóc lôi đầu về đấy!”. Lem lọ dọ đi trong đêm…
Ngôi nhà kín cổng. Lem hất cánh cửa và nhẹ nhàng lách vào. Mẹ vẫn say sưa dán mắt vào mấy lá bài trên tay. Ván bài kết thúc thật nhanh, mẹ bị “giết ngợp” nên phải chung một số tiền khá lớn cho ván bài đen đủi ấy. Phát thật mạnh vào đùi Lem, mẹ gắt:
- Qua đây làm gì? Mày mang đến xui xẻo thôi!
Nó lí nhí:
- Ba bảo mẹ về gấp?
- Ai cho mà về? Bảo ba mày tìm một chỗ thay tao đi!
Lem đành ậm ự ngồi chờ, ở thì rất chán vì sòng bài có gì hay ho. Về thì cũng không xong. Đêm đã về khuya, có tiếng xe dừng trước cổng, ba xồng xộc đi thẳng vào xòng bạc, xách tay mẹ lôi lên. Người đàn ông ngồi cạnh mẹ lao lại ngăn cản. Ba chửi đổng, toàn là mùi rượu, chắc chờ Lem mà không thấy về nên ba đã uống rượu. Hai người đàn ông dằng co, ba lẻo khoẻo chân nam đá chân chiêu làm sao xô đẩy lại người đàn ông chỉ ngồi sòng bạc vuốt ve những lá bài. Bị hất ra cửa, ba hét Lem:
- Leo lên! Về! Không vợ, không mẹ gì sất!
Mẹ bình thản trở lại với những lá bài. Chiếc xe máy đời cũ rú lên, ba lao thẳng vào chiếc công nông chất đầy mía ở trước mặt.
Buổi sáng hôm sau, cô giáo chủ nhiệm lớp Lem đưa các bạn đến nhà nó. Những bó hoa, những bó nhang to. Từ nay Lem sẽ không phải đi ăn xin nữa…vàng mã đốt thật nhiều.