Liệt nữ xứ Tiền

Đêm tháng 8 mưa tầm tã trắng trời, trắng đất. Gió thổi hù hù trên Đồng Sơn Xép mang theo hơi lạnh căm căm. Xa xa phía Mỹ Tho những tia sáng quét thẳng lên bầu trời cao lúc ẩn, lúc hiện. Trong căn hầm tối om om của xứ Tăng Hòa, tiếng Hai Tâm, chỉ huy đội an ninh vũ trang xã nói nhỏ:

- Các đồng chí chuẩn bị chiến đấu. Đợt nầy tụi nó “quần” dữ lắm đó. Nghe trinh sát báo lại, chúng tăng cường mấy chiếc tàu chiến với máy bay trực thăng để đánh ta.

- Dạ tụi tui biết rồi anh hai. Nhưng dù cỡ nào mình cũng hạ quyết tâm giữ cho bằng được Đồng Sơn Xép. Mất nó, mình khó bề hoạt động lắm. Tiếng Quang xen vào.

Minh họa: Trần Thắng


- Tụi nó “nổi khùng” từ sau cái trận Ấp Bắc bị bắn cháy mấy chiếc trực thăng, chạy te tua, tơi tả như đàn vịt Tàu rồi tới trận Mậu Thân sáu tám nên chuyến nầy quyết “a lát sô” với mình đây. Hứ. Chuyện nhỏ. Có ngon thì cứ nhào vô kiếm ăn. Tiếng Trung nói vui rồi cười khà khà.

- Mấy anh nói nghe dễ “ụi”. Nó đông quân, lại xài súng ống tối tân, mình lơ mơ là nó “mần thịt” mình liền. Bây giờ tính sao? Tiếng giao liên Lới lo lắng.

- Lới ơi là Lới. Tụi anh nói tào lao cho vui vậy thôi, chớ thiệt ra cũng lo lắm chớ. Lo nhất… lo nhất… là…. là.

- Là cái gì anh nói huỵch tẹt ra cho rồi, úp úp mở mở, bực bội lắm.

- Lo… lo… lỡ mai này có đi chầu diêm đế, hổng còn ai đi cưới Lới thì khổ đời em. Hà hà… Trung lại cười hề hề.

- Anh ăn mắm ăn muối nói tầm bậy, tầm bạ hoài, người đâu mà hổng có duyên dùng gì hết. Hèn chi… Hèn chi…

- Hèn chi sao?

- Hèn chi ba mươi tuổi hổng có ai thèm để ý. Mai mốt ở giá tới già đáng đời, đáng kiếp. Lới trêu chọc.

Nói cho có nói chớ Lới cũng hiểu và thương Trung như người anh ruột thịt của mình. Trung mồ côi cha mẹ từ tấm bé. Cả hai cùng hy sinh trong một trận chống càn sau khi đã bắn hết những viên đạn cuối cùng. Khi bọn giặc rút lui, đồng đội đau xót khi nhìn thấy cảnh tượng hai người ôm nhau người bê bết máu với đôi mắt mở trừng trừng và nụ cười mãn nguyện. Sau trận đó, Trung phải về sống với người dì để “bú thép”. Lạ. Vậy mà nó mạnh “cùi cụi” và lớn nhanh như thổi. Quanh năm suốt tháng hổng thấy nó bệnh tật gì “ráo”. Dì Út nó nói vui “trời đẻ, trời nuôi”, chắc tía má nó linh thiêng về phù hộ nên nó mới vậy. Rồi dì Út nó cũng chết vì trúng đạn trong lần ôm nó chạy khỏi trận càn quét của địch. Vậy là Trung phải sống một mình với mấy người du kích cho tới nay.

Nhiều lần chú Hai Tâm kêu nó lại to nhỏ về cái chuyện cưới vợ, sanh con cho Trung nhưng y như rằng ông nhận được cái lắc đầu và nụ cười hề hề vô duyên rất lạ. Từ khi có con Lới tăng cường về đây làm giao liên, ông thấy Trung vui vẻ “bất thường”. Mà cũng phải thôi. Con nhỏ thiệt đẹp người, đẹp nết, nói năng nhỏ nhẹ lại hay cười. Thương nhất là mái tóc dài đen mượt, hai cái lúm đồng tiền luôn xuất hiện bên má mỗi khi nó cười. Trung đội an ninh của ông nhiều đứa bị nó bỏ bùa yêu hồi nào hống biết. Nhớ có lần ông hỏi:

- Bây lớn “chồng ngồng” rồi, mười chín, hai mưoi tuổi rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Cũng lo tính toán chuyện chồng con đi. Hổng khéo thì ở giá đó con.

- Thôi đi chú ơi! Ai mà chịu con nhỏ quê mùa như con. Vừa dốt lại vừa xấu. Trời kêu ai nấy dạ. Chuyện chồng con mai mốt hòa bình rồi tính sau.

Thấy Lới khăng khăng từ chối, biết không làm lay chuyển được ý nó, ông im lặng thở dài. Chiến tranh mà. Biết bao nhiêu người chịu thiệt thòi, mất mát, hy sinh, trong đó có cái xứ Tăng Hòa này. Xóm này hầu như nhà nào cũng có liệt sỹ, thương binh, người nuôi chứa cán bộ. Chính nghĩa Đảng, tình dân trên quê hương gian lao mà anh dũng này đã chở che bao đoàn quân cách mạng sống an toàn trong lòng địch để làm nên nhiều trận đánh để đời mà cho đến nay, Mỹ - Ngụy vẫn không lý giải được vì sao lại có được những đoàn quân từ trong lòng đất như những chuyện cổ tích có thật giữa đời thường.

Những trái pháo bắt đầu nã xuống Đồng Sơn Xép. Hỏa châu bắn lên trời cao sáng rực cả làng xóm Tăng Hòa. Tiếng máy của những tàu chiến to kềnh ngày một lớn dần. Trong hầm trú ẩn chỉ huy, Hai Tâm tất bật áp tai vào chiếc máy bộ đàm với tác phong rất khẩn trương.

- Các đồng chí chuẩn bị xuống hầm bí mật để bảo toàn lực lượng. Hỏa lực chúng rất mạnh lại phối hợp từ nhiều lực lượng. Rõ chưa? Tiếng cấp trên nghe mồn một trong đêm át cả tiếng pháo gầm.

- Báo cáo rõ. Nhưng anh em đề nghị chiến đấu, dù có hy sinh cũng không lùi bước.

- Không. Không thể hy sinh vô ích như vậy. Ta lùi một bước để tiến thêm ba bước. Hết.

Tiếng cấp trên tắt ngang dứt khoát trong máy liên lạc. Hai Tâm bực dọc ngồi xuống với vẻ bần thần. Rút lui. Đó là mệnh lệnh. Nhưng rút lui mà làm đơn vị ấm ức vì không được phản công quả là khó khăn vô cùng. Nhìn những khuôn mặt non choẹt đôi mươi đang hừng hực khí thế tiến công với những khẩu súng AK đạn đã lên nòng, những đôi mắt rừng rực lửa căm thù, ông hiểu họ đang rất sẵn sàng xung trận. Nhưng không. Ông không thể hy sinh họ một cách vô ích. Họ còn trẻ lắm chỉ đang tuổi con ông, còn nhiều ước mơ và hy vọng. Họ phải sống. Vả lại mệnh lệnh cấp trên đã chỉ thị, ông phải chấp hành dù ruột gan ông nóng như lửa đốt.

- Chuẩn bị xuống hầm bí mật. Không ai được nổ súng. Đây là lệnh cấp trên, chúng ta phải tuyệt đối chấp hành, ông nói rất to.

Tiếng chân người chạy thình thịch trên mặt đê ngày càng lớn dần. Hai Tâm nhoài người lên miệng hầm và nhận ra bóng dáng thân quen đang tiến về phía mình. Lới. Phải rồi. Con Lới. Bom đạn như vầy mà nó đi đâu giờ này. Ông thắc mắc.

- Chú hai ơi! Rút nhanh lên. Mấy cái hầm nầy chắc bị lộ rồi. Nói anh em theo con “dọt” vô mấy cái hầm phía sau nhà con. Chỗ đó an toàn lắm, chắc chứa được sáu người mỗi hầm. Nhanh lên chú.

Rất khẩn trương, nhanh chóng, lặng lẽ, cả trung đội an ninh xã Tăng Hòa bật lên miệng hầm trú ẩn chạy băng băng sau lưng Lới tiến về khu vườn rậm rạp trên Đồng Sơn Xép.

Xa xa hàng trăm tên lính Ngụy nhảy phóc lên bờ ruộng từ những chiếc tàu chiến. Đạn các loại bắn sáng trời đêm kèm theo những tiếng nổ đinh tai nhức óc và cái mùi tanh tanh thuốc súng.

- Chú với mấy anh em xuống hầm nhanh đi. Con xuống sau để chặn đường tụi nó. Vừa nói Lới vừa nằm xuống cạnh bờ ruộng bắn liên tục vào đám lính đang xông tới. Một. Hai… rồi nhiều tên lính trúng đạn té ngửa xuống mặt ruộng. Những tên khác lại tiếp tục xông lên. Quả lựu đạn cuối cùng từ tay Lới được ném ra. Thêm ba tên lính chết gục. Bọn chúng sựng lại quan sát. Qua chiếc ống dòm, tên đại úy Lân đã phát hiện ra chỗ núp của Lới. Nó nói lớn:

- Mẹ nó. Chắc tụi đầu sỏ trốn mất rồi. Chỉ còn thấy một con Việt Cộng dưới bờ đê. Cố gắng bắt sống nó để nó khai ra mấy cái hầm chứa cái đám chỉ huy của nó. Không được để nó chết. Tụi bây nghe rõ chưa?

- Dạ. Tuân lệnh. Bọn lính đáp lí nhí.

Cuộc bao vây cứ khép dần. Lới đã bắn đến viên đạn cuối cùng trong khẩu súng AK của mình rồi tháo chạy về phía bờ sông để đánh lạc hướng. Bọn địch reo hò đuổi theo. Lới vấp ngã vì kiệt sức và rơi vào tay bọn lính.

Dưới hầm bí mật cách đó không xa, Hai Tâm nhìn thấy tất cả. Nước mắt của một người đàn ông, của một người cộng sản đã rơi khi chứng kiến việc một cô gái giao liên còn rất trẻ đã cứu thoát hàng chục người, trong đó có ông đang vùng vẫy trong nanh vuốt kẻ thù. Nhiều lần ông đã định xông ra rồi tới đâu thì tới nhưng nghĩ đến mệnh lệnh của Đảng, của cấp trên, nghĩ đến việc hy sinh của Lới để bảo toàn đồng đội, ông lại mím chặt môi để kìm nén cảm xúc của mình.
Trên bờ đê, tiếng thằng đại úy Lân nhỏ nhẹ chiêu dụ:

- Tội gì mà chết trẻ vậy cưng. Theo Việt Cộng rồi có được gì đâu. Ngoan đi. Tôi sẽ bảo lãnh cho cô về với gia đình, sẽ cho cô nhiều tiền bạc, đô la nếu cô chỉ mấy cái hầm bí mật chứa Việt Cộng. Dễ mà. Chuyện này cô rành lắm.

- Tui không biết hầm hố gì hết. Có bắn thì bắn đi. Nói lòng vòng tốn công.

Những trận đòn tra tấn nối tiếp nhau trút lên người cô gái trẻ. Chúng trói chặt tay chân Lới rồi nhận chìm vào các thùng phuy chứa đầy nước sông cho đầy bụng Lới rồi lại dùng những thành cây Trâm bầu đầy gai nhọn đánh vào bụng, vào chỗ hiểm đến khi Lới xỉu mới dừng lại. Cứ mỗi lần Lới tỉnh lại chúng lại hỏi:

- Hầm bí mật ở đâu? Chỉ huy của mày là ai? Nói mau!

- Tao có chỉ huy. Nhưng chỉ huy của tao là ai tao không biết!

Cứ sau mỗi lần trả lời là một trận đòn roi kinh khiếp. Dưới hầm, Hai Tâm và đồng đội nghe và thấy mồn một. Lòng mọi người như lửa cháy với bao đôi mắt căm thù. Đoàng... đoàng... đoàng... Những phát súng khô khốc tàn bạo vang lên. Không còn nghe tiếng nở nặng nề đứt quãng của Lới, Hai Tâm hiểu rằng Lới đã hy sinh. Khi bọn giặc rút lui, tất cả đều bật lên chạy tất tả đến bên Lới. Tất cả chỉ còn lại thân xác người con gái tuổi hai mươi đầy vết thương tra tấn, những dòng máu nóng từ cổ Lới do ba phát súng bắn vào vẫn tuôn xối xả. Duy có nụ cười rất lạ, Nụ cười của người chiến thắng.

Sau ngày nước nhà thống nhất, Hai Tâm mang di ảnh của Lới về thờ cúng và tổ chức lễ giỗ rất trang trọng trong gia đình như một sự tri ân thành kính với người nữ anh hùng đã cứu mạng ông và bao đồng đội.

Bốn mươi bảy năm đã đi qua. Ông Hai Tâm đã không còn nữa. Việc thờ cúng ông cùng người liệt nữ xứ Tiền lại được tiếp tục từ người con trai đầu lòng của ông.

Cứ vào ngày 5 tây tháng 8 hàng năm, người dân xứ Đồng Sơn Xép lại bảo nhau ra đồng để nhìn thấy bóng dáng cô Lới lơ đãng trong gió, trong mây tìm về quê hương xứ sở với nụ cười thật mãn nguyện, bao dung.

Kính viếng hương hồn Liệt sỹ AHLLVTND Võ Thị Lới hy sinh ngày 5/8/1969
Phan thị Anh Thư
Chiếc áo dài
Chiếc áo dài

Chú ve sầu cất tiếng hát não nề, phượng nở đỏ rực cả một góc sân trường báo hiệu một mùa hè nữa lại về trong đôi mắt trong veo của học trò. Cứ tưởng điều đó sẽ làm không gian sân trường, lớp học yên ắng buồn thê thảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN