Trong những câu chuyện khản đặc ký ức tôi thương mẹ những mùa Tết đi làm dâu nhà nghèo như cây kim sợi chỉ, cả đời không ngừng vá víu. Nhà không có album ảnh, bức ảnh duy nhất chụp mẹ cách đây gần hai mươi năm giờ cũng lẫn lộn đâu đó trong đống giấy tờ bề bộn. Bức ảnh mẹ mặc áo vàng chanh, tóc cặp xõa, mẹ đứng cùng bố và các chú bộ đội đóng quân trong doanh trại trước nhà. Ảnh chụp xa quá, lẫn lộn trong những khuôn mặt người xưa cũ. Vậy tôi vẫn nhận ra mắt mẹ buồn man mác. Bây giờ mẹ không bao giờ chụp ảnh vì mẹ sợ nhìn thấy chính mình trong thân xác gầy guộc và tiều tụy theo năm tháng. Mỗi lần thấy hai mẹ con ngồi với nhau ngoài hiên, thiên hạ đi qua chép miệng “con xanh thì mẹ héo”. Mẹ cười bảo ấy là con đang khiến người ta nhìn thấy lại thanh xuân của mẹ.
Tết này tôi tròn hai tám tuổi. Tôi hỏi mẹ khi bằng tuổi tôi mẹ sống ra sao? Mẹ ngồi tước lạt giang bó thành từng nắm nhỏ, im lặng một lúc trong hồi tưởng rồi bảo:
-Năm ấy mẹ mới sinh anh con. Bỡ ngỡ làm mẹ lần đầu giữa mùa đói quay đói quắt. Đẻ được vài ngày thì ra vườn tìm rau. Cũng chẳng biết ăn dính lá gì mà mất sữa. Tết năm đó chạy vạy mãi mới vay được mấy cân gạo nếp nấu bánh chưng. Bánh đun chưa kịp nhừ thì củi đã hết. Anh con đói sữa khóc lả trên tay mẹ. Đêm ôm con ngồi ngoài hiên canh nồi bánh, nghe sương rơi mái lá và tiếng chim ăn đêm kêu thảng thốt.
-Vậy là con thua mẹ mất rồi. Hai tám tuổi mà chưa nghĩ gì đến chuyện chồng con.
-Xem có ai thương thật thì con cứ mở lòng.
-Ngày xưa bố mẹ cũng thương nhau thật lòng vậy tại sao vẫn không hạnh phúc?
-Cuộc đời… còn tùy vào phúc phận. Cuộc sống của các con bây giờ khác xưa nhiều. Tự lập về kinh tế nên cũng có thể tự lập về hôn nhân. Ngày xưa lục đục mãi mà mẹ cũng chả dám bỏ bố mày. Một mình sợ không nuôi nổi mấy đứa con vì ngày đó chẳng biết làm gì ngoài làm ruộng.
Mẹ nói rồi đi lẫn vào màu xanh của cây cối vườn nhà. Vài cây đang trổ nụ ngậm xuân chờ ngày kiêu hãnh. Vài loại hoa úa tàn để lại nhị héo trên tóc mẹ mỗi lần bà luồn vườn tìm kiếm một thứ gì đó. In khắc vào tâm trí tôi suốt mấy chục năm luôn là dáng hình tảo tần của mẹ. Một chiếc xe đạp cũ, một chiếc làn cáu bẩn, một đôi dép đã mòn vẹt gót.
Mẹ chợ búa, bán mua nuôi ba đứa con ăn học thành người. Dĩ nhiên là có bố tôi, người đàn ông vai u thịt bắp chung vai gánh gồng cùng mẹ. Nhưng người đàn ông bao giờ chẳng vậy, chỉ biết vắt kiệt sức lực của mình còn no đủ hay thiếu hụt thế nào thì phó thác cho người đàn bà chạy vạy. Những cái Tết trôi qua đời mẹ cũng vậy thôi. Xoay xở làm sao để trả hết nợ bé, khất xong nợ lớn trong năm kẻo ba mươi Tết lại có người tìm đến tận nhà. Có đôi gà để dành từ giữa năm để Tết bán lấy tiền mua cho con bộ quần áo mới, vài ba lạng thịt. Ấy vậy mà gần Tết gọi gà về không thấy gà đâu, mẹ mếu máo đi tìm khắp vườn quệt nước mắt thương con Tết này áo cũ. Cả những mùa Tết xa lắc lơ nào đó mẹ bần thần bấm ngón tay nhẩm tính. Tôi nhín thở nấp sau cột nhà xót mẹ, tuyệt nhiên không thấy Tết có gì vui. Có lần thấy tôi khước từ áo mới, mẹ cười bảo “tuổi của các con biết mừng vui là đã giúp mẹ rồi”.
Mấy mươi mùa Tết của mẹ gần liền với năm căn nhà. Căn nhà của ông bà ngoại chính là nơi lưu giữ thanh xuân của mẹ. Mẹ tiếc hùi hụi vì không lưu giữ được bức ảnh nào những năm mẹ mười tám, đôi mươi để khoe với các con rằng mẹ từng rất đẹp. Mẹ đi lấy chồng không mang theo gì ngoài bức ảnh chân dung. Nhưng trận cháy nhà mồng ba Tết năm 1987 đã xóa sạch vết dấu tuổi trẻ của mẹ. Năm đó mẹ sinh tôi, trận cháy giúp mẹ thôi nuối tiếc để nhìn vào thực tại. Mẹ không còn là cô gái tiểu thư xinh đẹp nhất làng ngày xưa nữa, mà giờ đã là mẹ của hai đứa con nheo nhóc, khóc cười nín lặng nhà người. Nên chúng tôi chỉ nhìn thấy thời xuân sắc ấy qua những cái lắc đầu xót xa từ bạn bè của mẹ.
Họ bảo mẹ lúc trẻ xinh như hoa hậu, da trắng bóc, tóc xoăn rất tây, răng trắng đều và cơ thể mũm mĩm đúng tiêu chuẩn cái đẹp ngày xưa. Mỗi lần nghe ai đó than “trời ơi sao lại tiều tụy đến thế này”, mẹ lại cười bảo “già rồi còn mơn mởn được với ai”. Nói vậy chứ mẹ buồn ghê lắm, thỉnh thoảng mẹ cũng định níu giữ chút ít nhụy tàn bằng hộp kem dưỡng da mà con gái đã dùng quá nửa hay mấy loại phấn rẻ tiền bán nhộm nhoạm đầy sạp chợ quê. Con cái có mua đồ xịn biếu thì mẹ bảo “mua làm gì tốn tiền, mẹ già rồi thuốc tiên cũng chẳng thể nào trẻ lại”.
Bố mẹ ra ở riêng, dựng một căn nhà vách đất chênh vênh trên đồi. Mái lá cọ kêu xào xạc xuyên qua mùa gió. Những ngày Tết lạnh tôi thích nằm bên mẹ nói những chuyện vu vơ. Giây phút thảnh thơi ấy không hiếm hoi với tôi nhưng giống như đặc ân với mẹ. Chỉ những lúc ấy tôi mới thấy Tết có ý nghĩa. Mẹ nằm yên trên giường nghe chúng tôi tranh nhau kể chuyện hoặc mấy mẹ con ngồi đun gốc tre sưởi ấm quanh bếp. Nghe ngoài đường người dưng co ro đi chơi Tết. Tôi đòi mẹ nấu kẹo lạc vắt thêm vài giọt chanh, anh thôi thì khoái món bánh chưng nướng.
Thằng út nghịch nhất, nó cầm que củi đỏ lòm lắc lia lịa trước mặt, hất văng cả than củi vào chiếc áo hoa vàng nhụy đỏ. Tôi vùi đầu vào lòng mẹ khóc thút thít cả buổi chiều vì xót xa áo mới giờ đã thủng một lỗ to bằng hạt đỗ. Khóc cho đến lúc dáng bố đi liêu xiêu ngoài cổng. Đàn ông quê tôi Tết nào cũng say rượu vài ba buổi. Tỉnh cơn say thì Tết cũng qua rồi.
* * *
Tết, mẹ bắt đầu thích mua hoa khi chúng tôi về nhà mới. Nhà có bao nhiêu chiếc bình mẹ lôi ra cắm hoa bằng hết. Nhìn mẹ ngồi tỉa hoa, cắm bình này, sửa bình kia tôi đã nghĩ thế là đời mẹ cũng đến lúc bình yên. Nhưng thực ra trong căn nhà chúng tôi bình yên chưa bao giờ hiện hữu. Mẹ nhìn những đứa con trai đã chẳng thể dùng roi vọt mà dạy dỗ.
Lời mẹ cứ chìm dần trong tâm tưởng ngông cuồng. Nên Tết có đứa không về vì bận vui tận đẩu đâu, có đứa thì tìm về trút lên vai mẹ những gánh đá ong nặng trĩu. Thêm một phần đời nữa mẹ phải gánh gồng khiến lòng tôi lạnh và buồn như sỏi đá. Tết của những năm tháng ấy mẹ thường lầm lũi. Không chỉ là lúc mẹ đóng cửa ngồi một mình trong nhà, mẹ thẫn thờ ngoài hiên lạnh. Mà sự lầm lũi có thể nhìn thấy qua cả cách mẹ ngồi cắm hoa, qua môi mắt mẹ cười với người đời, qua cả lúc tưởng như mẹ đang an nhiên nhất. Mẹ từng giục tôi:
-Con lấy chồng đi, con gái có thì. Đừng để như bánh chưng lại gạo. Bao nhiêu mềm dẻo xanh thơm qua đi, tâm hồn sẽ chai cứng lại. Lúc đó làm sao mà giữ lửa cho gia đình được nữa.
-Con sợ lấy chồng rồi cũng sẽ giống cuộc đời của mẹ.
-Đừng soi vào đời mẹ mà sợ cuộc trăm năm. Mỗi người mỗi phận.
Mẹ nói vậy khi cùng tôi ngồi luộc lại bánh chưng. Gió lạnh từ cánh đồng thổi se sắt cả từng ngọn lửa. Năm đó bà ngoại được mẹ đón về ăn Tết. Chúng tôi ngồi quây tròn nồi bánh, thỉnh thoảng lại thay nhau thêm củi cho đủ lửa. Tôi cứ ngỡ như đó chính là vòng tròn số phận của đời người phụ nữ. Đến một ngày nào đó giã biệt tuổi thanh xuân tôi sẽ bắt đầu thiên chức làm mẹ của mình.
Sẽ như cá chuối đắm đuối vì con, như viên than hồng dẫu có vùi mình trong tro lạnh vẫn phải tự ấm lên. Mấy chục năm nữa tôi sẽ gặp lại mẹ bây giờ trong dáng hình của chính mình. Và mẹ tôi rồi sẽ già nua đãng trí như bà ngoại. Lúc ấy có thể tên tôi mẹ cũng không còn nhớ nữa. Nỗi cực nhọc và hạnh phúc của người phụ nữ thực ra đều nằm trong việc thêm củi cho bếp lửa gia đình như bà và mẹ vẫn làm. Mà chắc hẳn bà không còn nhớ rõ những mùa Tết của đời mình nữa. Nhiều năm rồi, mỗi lần vào thăm bà ngày Tết tôi luôn thấy bà khoác chiếc áo bông to xụ, ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Trong câu chuyện xôm tụ của con cháu, bà nghe câu được câu chăng nên thỉnh thoảng quay sang hỏi “gì hử”. Quên hết được đớn đau trong đời người là một ân huệ. Tết hay không Tết thì đối với bà vẫn là việc ngồi ngó mông lung trời đất, nghĩ về một cuộc hành hương mường tượng lúc cuối đời.
Mùa Tết thứ sáu mươi của mẹ có thêm tiếng trẻ con khóc váng nhà. Mẹ đứng ngoài hiên ầu ơ, ẵm bồng cười nói bay bay tóc bạc. Mẹ hạnh phúc nhìn hai đứa cháu nội tranh nhau “bà của chị chứ”, “bà là của em”. Mẹ cắp nách hai đứa hai bên đi được nửa vòng sân thì đuối sức. Mẹ bảo tôi:
-Khi nào có thêm đứa cháu ngoại chắc phải học người ta đóng cái xe bò rồi kéo chúng đi chơi một lượt. Chứ làm sao bế một lúc vài ba đứa.
-Chỉ sợ chúng chẳng chịu. Đứa lớn đòi bà cõng, đứa bé đòi bà bồng. Mệt lắm, hay là thôi con chả lấy chồng cho mẹ đỡ cực thân.
-Thôi đi cô, chỉ giỏi chống chế là tài. Nhìn gốc đào trước mặt cô đi kìa, chưa hết xuân mà hoa đã tàn, cánh bay vương vãi khắp sân. Đời người con gái cũng vậy thôi, cô cứ ngồi đấy mà đủng đỉnh.
Tôi đi quét cánh đào, xào xạc bên tai gió xuân luồn qua vườn nhỏ. Ai đó nói trên sáu mươi tuổi, mỗi ngày sống là một phần thưởng cho thêm của Thượng đế. Tôi mong mẹ sống những tháng năm về sau trong tiếng vui cười con trẻ. Không gì bình yên hơn mỗi chiều ngồi ngoài hiên nghe tiếng mẹ hát ru. Tiếng ru êm đềm, ấm áp tưởng như đời mẹ chưa từng đau khổ trầm luân. Tiếng ru cho tôi nhớ thuở nằm nôi qua lời mẹ kể.
Tiếng ru cho mắt môi người trẻ lại để không cần một bức ảnh nào tôi vẫn thấy mẹ tôi trong thanh xuân rất đẹp. Biết đâu khung cảnh này của năm sau sẽ có thêm người mới, để một mùa Tết không xa mẹ có cháu ngoại bồng. Bọn nhỏ rồi sẽ lớn lên, chúng sẽ quây quanh bà đòi nghe cổ tích. Những câu chuyện cha mẹ chúng từng nghe có thể bà không còn thuộc nữa. Tôi sẽ ngồi kế bên, tay đan áo len, miệng sửa lại những đoạn đang lẫn lộn. Hoa ngoài hiên sẽ nở. Cây ngoài vườn sẽ xanh.
Và tôi bật cười trước một hình dung quá đỗi an nhiên ấy…