Mảnh đất thầy mẹ

Thầy tôi là con người của đồng quê. Sinh ra và lớn lên trong cảnh thiếu đói triền miên, quanh năm phải chứng kiến cảnh làm quần quật của cha mẹ mà vẫn không đủ ăn. Cả năm chỉ được nghỉ vào mỗi ba ngày Tết lại cũng không được yên bởi bị réo nợ vào sáng mồng một... Cách mạng hồi sinh cho bao gia đình. Mười chín tuổi, thầy vào bộ đội tham gia chiến dịch Điện Biên.


Lần đầu lên miền núi, thấy đất đai bạt ngàn tốt bời bời tưởng như chỉ cần giắt dây khoai xuống là thu hàng thúng củ. Đêm nằm trong chiến hào, thò tay bốc nắm đất đưa lên mũi ngửi mùi hăng hăng của đất màu thấp thoáng mùa màng bội thu trước mắt. Thầy mơ sẽ lập nghiệp ở miền núi. Tha hồ đất mà tăng gia sản xuất.

Vậy mà cái suy nghĩ thoáng qua ấy lại trở thành hiện thực khi mối lương duyên của thầy với cô dân công quê mãi tận Lào Cai rừng thiêng nước độc - lại thành công. Ở quê, ông bà đã mất, thầy về quê mẹ, trở thành dân thị xã Lào Cai.

Minh họa: Trần Thắng

Mang tiếng là thị xã, nhưng hồi ấy thị xã Lào Cai nhỏ như lòng bàn tay, chưa có nổi một tòa nhà ba tầng. Thầy mẹ ở một làng xa phố, dân cư thưa thớt, khu đất rừng dưới bàn tay khai phá của thầy mẹ dần dần tốt um mùa nào thức nấy. Ngay cả trên bờ ao thầy cũng trồng những gốc bầu bí, làm giàn trên mặt nước lúc nào cũng sôi tăm cá. Nhà có một lũng đất bằng phẳng chuyên để trồng màu. Ai đến chơi cũng được thầy dẫn ra thăm vườn. Khi khách về, tiễn khách ra cổng bao giờ thầy cũng chốt bằng câu “ Đất đai quý như vàng ấy. Tôi mong ai cũng quý đất như tôi thì chẳng bao giờ lo đói. Quê vợ đã cho tôi nhiều lắm”.

Thảng hoặc thầy dẫn chúng tôi đi chơi thị xã. Thầy lai hai anh em trên chiếc xe Thống Nhất trên chặng đường rải cấp phối ra phố. Anh em tôi mở căng mắt ngắm phố phường đông đúc.

Có một dạo thầy hay cho chúng tôi đến trường cấp một ngoài phố. Nhìn bọn trẻ con bằng tuổi mình vui chơi trong ấy, tôi thèm lắm, đòi thầy cho đi học. Thầy an ủi: con chưa đủ tuổi, sang năm đến tuổi khắc được đi. Phải cái trường xa quá. Trẻ con làng mình đi học xa vất vả lắm. Khổ thân chúng nó. Thầy chẹp miệng mấy cái liền, đôi mắt thầy nhìn xa xăm lơ đãng, dắt bộ xe đạp mà trườn cả bánh xe lên chân con.

Dạo ấy, cả khu làng của tôi chưa có lấy một ngôi trường cấp một. Cứ học xong lớp vỡ lòng là bọn trẻ con trong làng phải đi ra trường cấp một ngoài phố để học. Vì xa nên nhiều đứa phải bỏ học ở nhà đi chăn trâu, chăn ngựa. Có đứa nghịch dại thình lình vỗ vào mông ngựa, bị nó đá hậu đến chết ngất, tím tái cả mặt mũi đến hàng tháng giời. Lại có đứa ngã từ lưng trâu xuống may mà không bị dẫm lòi ruột. Tôi học vỡ lòng ở cạnh nhà - một căn nhà mái lá hai gian, làng đón cô giáo vào dạy học. Chúng tôi yêu cô, thắc mắc sao cô không dạy tiếp lớp một, cô lúng túng: “Cô chỉ đủ chữ dạy vỡ lòng thôi!” rồi cô cười với đôi lúm đồng tiền tròn xoe xoe trên má.

Hè về. Tôi đã học xong vỡ lòng, đã tự mình đọc được sách. Tôi ham đọc sách lắm. Thầy nhiều khi gắt tôi vì vừa ăn vừa mải mê đọc. Ơ mà dạo ấy thầy hay gắt quá! Có hôm còn gắt sẵng khi mẹ càu nhàu thầy không chịu về ăn cơm mà cứ đứng tần ngần ngắm vườn tược. Thấy mẹ xịu mặt, thầy vội làm lành ngay: “ Mẹ nó với các con ăn cơm trước đi, tôi đang tính vụ tới nên trồng lạc Thanh Hóa hay Phú Thọ đây”. Mẹ buông đũa nhòm vào tận mặt thầy: “Dạo này thầy nó cứ lẩn thẩn thế nào ấy! Tôi sợ lắm. Nói dại đổ xuống sông xuống biển, nếu thầy nó có làm sao, tôi sống thế nào được!”. Thấy mẹ rơm rớm, thầy cười xòa: “Mẹ mày chỉ vớ vẩn thôi!”.

Đêm thầy hay mất ngủ. Có đêm tôi ngủ mê đái vào máng nước lần nhà hàng xóm, nghe thấy máng nước chảy toe toe, giật mình tỉnh giấc, thấy quần sũng nước, nhìn ra bàn vẫn thấy thầy ngồi hút thuốc. Thì ra âm thanh của chiếc điếu cày hoạt động đi cả vào giấc mơ của tôi.

Có một tối, không biết thầy bảo gì, chỉ thấy mẹ ngơ ngác, giật giọng hỏi lại thầy: “Lấy đất nhà mình? Không đâu! Bao nhiêu là công sức!”. Mẹ im bặt vì thấy thầy im lặng, tránh cái nhìn của mẹ mà đăm đăm nhìn ngọn đèn đang tí tách nổ vì dính ẩm. Mãi sau thầy mới khàn khàn giọng: “Các anh ở thị xã và khu phố vận động hàng tháng rồi, muốn mình nhượng đất để địa phương làm trường học. Nhà mình hoặc là chuyển đến chỗ khác rộng rãi hơn, nhưng xa hơn, hoặc là co lại một chút, họ chỉ lấy mảnh vườn thôi mà!”. Mẹ gắt lên: ”Sao các ông ấy không làm trường ở mảnh đất rộng hơn ấy!” Thầy từ tốn: ”Nhưng đất nhà mình trung tâm hơn, với lại liên hoàn cùng lớp vỡ lòng có từ trước”. Mẹ xót xa: “Bao nhiêu là mồ hôi nước mắt đổ vào đấy! Tôi tiếc lắm!”.

Từ hôm ấy, cái sự kém ăn, mất ngủ, lẩn thẩn của thầy như truyền sang mẹ. Có những buổi chiều, mẹ đứng lặng bên vườn lạc đang ra hoa vàng, mẹ cúi nhổ những thân cỏ bé teo bên rìa luống, rồi vuốt ve thân lạc như vuốt vào thân con mình. Có lúc mẹ sang đứng ở hè lớp vỡ lòng ngắm xung quanh như đang tưởng tượng nếu dựng một ngôi trường cạnh nhà mình thì sẽ như thế nào?...

Vào một buổi sáng!

Một đoàn ba bác cán bộ bước vào nhà. Tôi ngồi đun nước ở bếp dỏng tai nghe lỏm chuyện trên nhà. Thì ra bác chủ tịch thị xã cùng hai bác ở địa phương đến vận động thầy mẹ tôi đổi đất để dựng trường cấp một. Theo tính toán, ngôi trường mới này sẽ “ăn” vào vừa hết mảnh vườn trồng màu. Tôi nghe tiếng mẹ rành rẽ kể từ lúc hai bàn tay trắng về đây lập nghiệp vừa đỡ vất vả một chút lại phải làm lại từ đầu... Giọng thầy chậm chạp hơn nhưng nghiêng về lời vận động.

Đêm đó, thầy mẹ gần như trắng đêm không ngủ. Tôi do uống vụng một ngụm chè nên cũng không ngủ được. Chợt nghe thấy tiếng rì rầm trong buồng. Tiếng thầy trở mình thở dài: “Ừ thì mình vất vả mới có cơ ngơi này! Nhưng nhà nước vận động thì cũng nên nghĩ lại. Mà họ có lấy không của mình đâu! Họ trả mình nơi khác rộng rãi hơn cơ mà! Nói thực đất đai của nhà nước chứ có phải của riêng mình đâu. Mẹ nó cứ nghĩ quẩn”. Giọng mẹ ngàn ngạt: “Làm lại từ đầu bao giờ mới có cơ ngơi như thế này?!”. “ Nhưng hai con mình đi học gần hơn, cả làng này trẻ con đi học gần, không thất học nữa, cái đó chẳng hơn sao!”.

Mẹ không nói gì nữa chỉ thườn thượt thở dài. Từ trước tới nay mẹ chẳng bao giờ cãi thầy một câu. Bởi mẹ tin thầy bao giờ cũng đúng.

Sáng hôm sau, mẹ đèo tôi ra thị xã thăm cô Thu là cô giáo dạy văn của mẹ và các bác thời cấp hai nhà cũng ở ngay phố Cốc Lếu này.

Tôi phải gọi là bà mới đúng. Cô giáo của mẹ tóc đã bạc trắng cặp kính lão trễ xuống tận sống mũi nhưng còn minh mẫn lắm. Cô nhớ tên từng học trò cũ. Đột nhiên, cô quay sang mẹ tôi: “Vợ chồng em quyết định ra sao về mảnh đất nhà em?”. Mẹ ngơ ngác. Thì ra bác Chủ tịch thị xã là học trò cũ của cô trong một lần đến thăm cô giáo cũ vô tình nói chuyện này. Mẹ băn khoăn:

- Em vẫn chưa quyết định được cô ạ!

- Phải rồi! Mảnh đất gắn bó với gia đình em hàng bao nhiêu năm không nỡ xa nó cũng phải! Có điều nhiều khi con người ta cũng phải hy sinh lợi ích của mình cho những cái lớn hơn. Nhà cô trước đây ở Phố Mới cơ. Nhưng theo sự vận động của tỉnh, hàng trăm gia đình đã di dời để xây dựng nhà máy điện bây giờ đấy.

Mẹ cúi đầu ngẫm nghĩ. Đêm đó tôi lại thấy mẹ mất ngủ.

Vào buổi sáng hôm sau, chưa bao giờ tôi thấy nét mặt thầy mẹ lạ lùng như thế. Vừa nghiêm trang vừa thẫn thờ xúc động. Thầy gọi anh em tôi vào bàn uống nước, rồi trầm giọng:

- Hai con còn bé nhưng thầy mẹ cũng nói cho hai con biết, thầy mẹ xin hiến mảnh vườn trồng màu của nhà mình cho làng để thị xã làm trường cấp một cho các con học. Nhà mình đợi thu xong vụ lạc thì giao đất cho họ dựng trường, kịp cho năm học mới.

Mẹ tiếp lời: “Thầy mẹ hôm nay cũng sẽ làm mâm cơm mời tổ tiên ông bà về chứng giám tấm lòng thành của thầy mẹ. Thầy mẹ hiến đất không đòi hỏi đền bù, nhà mình cũng sẽ không đi đâu. Thầy mẹ sẽ khai phá sâu vào bên trong đồi hoang. Có sức người vào là sẽ được thu hoạch các con ạ!”.

Mẹ nghèn nghẹn, phải dừng lại lấy bình tĩnh rồi mới nói tiếp: “Mẹ chỉ mong các con có trường rồi, đi học thuận lợi thì phải học tốt, sau này các con còn học cấp hai, cấp ba còn đi ra bên ngoài công tác. Đời thầy mẹ đã không được học trọn vẹn vì kháng chiến, các con phải học bù cho cả phần thầy mẹ...”.

Chúng tôi cùng “Vầng” một cách nghiêm trang. Thực ra, chúng tôi còn bé chưa thấm thía nỗi buồn, luyến tiếc của những người lớn khi phải chia tay mảnh đất máu thịt của mình nhất là những người quý đất như thầy mẹ. Trong tôi lúc ấy chỉ ngợp lên hình ảnh ngôi trường mái ngói đỏ tươi và rộn lên tiếng trống trường y như trường cấp một ngoài phố....

*
*             *

Câu chuyện cũ trôi qua thấm thoắt đã nửa thế kỷ. Mảnh đất thầy mẹ ngày xưa giờ đĩnh đạc một ngôi trường ba tầng mầu ve hồng. Tôi đã từng học suốt thời ấu thơ ở đấy, khi trưởng thành, bước chân phiêu lãng đưa tôi đến nhiều miền của đất nước, rồi cuối cùng lại trở về quê mẹ. Con tôi tốt nghiệp sư phạm trở về dạy học tại ngôi trường dựng trên đất của ông bà xưa. Ngôi trường phên nứa mái lá và bàn ghế ghép từ những thân gỗ, qua bao lần thay da đổi thịt để giờ đây thật khang trang bề thế. Lào Cai - Thị xã quê hương tôi qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử vẫn lớn lên từng ngày. Thầy mẹ tôi có sống lại, cũng không thể tưởng tượng được cơ ngơi của một khu phố đẹp đẽ giầu tiềm năng kinh tế đã được manh nha từ những nhát dao cuốc khai phá đầu tiên của thầy mẹ và dân làng nửa thế kỉ trước.

Trong phòng truyền thống của nhà trường vẫn còn tấm ảnh ngày đầu tiên dựng trường cấp một. Thắp nén hương tưởng nhớ đến thầy mẹ, tôi trang trọng đặt lên bàn thờ hai tấm ảnh ngôi trường xưa và nay để kính báo với thầy mẹ: “Không một ai quên những đóng góp dù là nhỏ nhoi nhất của mọi người trong công cuộc xây dựng thành phố quê hương”.
Trần Thị Minh
Cố nhân
Cố nhân

“Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN