Theo ông Mai Tấn Linh, kỳ thi thử lần này là đợt tập duyệt cuối cùng trước thềm kỳ thi THPT quốc gia chính thức. Kỳ thi thử THPT quốc gia với quy mô, trình tự và cách thức tổ chức như kỳ thi chính thức và sử dụng mẫu phiếu, chương trình chấm do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp, qua đó giúp học sinh làm quen với cách thức thi, cách làm bài thi. Nội dung đề thi chủ yếu là trong chương trình lớp 12.
Học sinh sẽ thi 5 bài thi, trong đó 3 bài thi độc lập là: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với hệ giáo dục phổ thông; các môn Lịch sử, Địa lý đối với hệ giáo dục thường xuyên. Riêng bài Ngữ văn thi tự luận, các bài còn lại thi trắc nghiệm. Theo quy định, học sinh đã đăng ký bài thi nào phải dự thi bài thi đó, nếu bỏ một bài thi hoặc một môn thành phần của bài thi tổ hợp sẽ không tính điểm của cả kỳ thi.
Cô giáo Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã hướng dẫn học sinh đăng ký bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng và phân lớp để có phương pháp dạy và học phù hợp. Bên cạnh việc dạy học theo chương trình, trường cũng đã tổ chức cho học sinh thi thử để làm quen với hình thức thi. Đồng thời, nhà trường phối hợp cùng các đơn vị tổ chức tư vấn hướng nghiệp để học sinh có định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Qua kỳ thi thử này, nhà trường sẽ phân loại học sinh, điều chỉnh hướng ôn tập cho phù hợp, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2019.