Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại trường Đại học Y khoa Vinh. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN |
Tuy là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia nhưng kỳ thi đã cho thấy những thành công cơ bản, tạo tiền đề quan trọng để đổi mới giáo dục đào tạo dù bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại về phương diện kỹ thuật, chủ yếu ở khâu xét tuyển sinh đợt 1...
Tác động tích cực đến xã hội
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay đã có tác động tích cực đến xã hội như giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình thí sinh và xã hội khi chi phí từ 4 đợt thi chỉ còn 1 đợt, từ thi 9 ngày sang thi tối đa 4 ngày, thay cho việc di chuyển tới các thành phố lớn thì thí sinh được thi ngay tại địa phương hoặc sang các tỉnh lân cận…
Việc tổ chức đồng thời cụm thi tại tỉnh và cụm thi liên tỉnh đáp ứng mục đích dự thi của thí sinh đã góp phần thực hiện phân luồng, hướng nghiệp của học sinh sau trung học phổ thông.
Thực tế những năm trước, khi tổ chức 2 kỳ thi riêng thì hầu hết thí sinh đều đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, một số dự thi nhiều đợt tạo ra số lượng lớn thí sinh “ảo” gây khó khăn và lãng phí cho công tác thi tuyển sinh.
Kỳ thi cũng tác động tích cực đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá khi đề thi được ra theo hướng mở, câu hỏi vận dụng gắn với thực tiễn đời sống, câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực… Đây là tiền đề để xây dựng và và thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc đổi mới cách ra đề thi cũng góp phần tạo bình đẳng trong giáo dục, thí sinh vùng sâu, vùng xa không được “luyện thi” vẫn làm được bài.
Việc tổ chức “thi trước, tuyển sau” cũng góp phần giúp thí sinh đặc biệt là thí sinh vùng sâu vùng xa tự tin lựa chọn trường phù hợp mức điểm của mình, không vì tâm lý lo lắng trước kỳ thi mà không dám đăng ký trường tốp trên. Trên cơ sở đó, các trường đại học cũng có sự cạnh tranh lành mạnh để thu hút học sinh giỏi, tạo điều kiện cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao ở mọi vùng miền.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2015, đánh giá về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định, kỳ thi cơ bản đã thành công, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội; kết quả đánh giá sát thực tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số mặt hạn chế như công tác truyền thông chưa được chú trọng; việc chỉ đạo hướng dẫn xét tuyển trong đợt 1 còn lúng túng, chưa chặt chẽ; đồng thời yêu cầu cần rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, nghiêm túc nhìn nhận sơ suất để năm sau làm tốt hơn.
Nhiều ngành khó tuyển vẫn đủ chỉ tiêu
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 15/9, các trường đại học, cao đẳng đã xét trúng tuyển được 554.953 thí sinh, đạt 85,74% chỉ tiêu đề ra. Trong đó hệ đại học đã tuyển được 97,6% chỉ tiêu; hệ cao đẳng đã tuyển được 63,21% chỉ tiêu do các trường tự xác định.
Kết quả trên đã nhiều hơn số tuyển được của cả năm 2014 (năm 2014 tuyển được 505 ngàn sinh viên, đạt 78,9% so với chỉ tiêu). Điều đó cho thấy việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh đại học, cao đẳng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh đăng ký xét tuyển và tạo điều kiện cho các trường dễ dàng hơn trong việc tuyển sinh.
Theo kết quả xét tuyển, khối ngành công an, quân đội, y dược, luật là những ngành có kết quả xét tuyển tốt nhất; tiếp đó là ngành kỹ thuật, kinh tế, sư phạm và tài chính – ngân hàng. Nhóm ngành Nông – lâm – ngư và công nghệ khó tuyển hơn.
Tuy nhiên, trong nhóm ngành khó tuyển này vẫn có những trường uy tín, làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh và có cơ sở vật chất, đội ngũ tốt, địa bàn thuận lợi… có kết quả trúng tuyển cao như đại học Nông nghiệp, đại học Nông lâm Bắc Giang, đại học Lâm nghiệp...
Tất cả các nhóm trường đại học, cao đẳng đều có những trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1, một số trường đại học ngoài công lập cũng tuyển được tỷ lệ khá cao trong đợt 1.
Kết quả tuyển sinh trên phản ánh đánh giá của xã hội đối với uy tín của từng trường; bước đầu tạo sự phân tầng chất lượng trong các trường đại học, cao đẳng; không quá phân biệt trường công lập hay ngoài công lập, trình độ đại học hay cao đẳng.
Ở tất cả các nhóm trường như đại học trọng điểm, đại học tốp giữa, đại học ngoài công lập, cao đẳng… đều có những trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Các trường tốp đầu có điểm trúng tuyển ở mức cao. Như vậy, nếu thí sinh xác định được trường phù hợp với điểm thi, với sức học của mình thì sẽ không có tình trạng thí sinh điểm cao trượt trong khi thí sinh điểm thấp lại trúng tuyển.