Tại hội nghị, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: Mùa khô 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8-9, nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi. Mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh, có quĩ đạo phức tạp. Khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông; trong đó, có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Từ tháng 7 đến tháng 8, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và hoàn lưu xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ…
Hội nghị đã đánh giá kết quả đạt được cũng như nêu bật những thách thức, tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm, cập nhật tình hình dự báo, cảnh báo thiên tai, nhằm bổ sung cách thức để các tỉnh, thành trong khu vực xây dựng, triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả trong thời gian tới. Bên cạnh đó, rà soát, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài một cách hiệu quả hơn cho công tác phòng chống thiên tai, nhất là về tổ chức bộ máy, quy chế làm việc của Ban chỉ huy các cấp, trang thiết bị, nguồn lực, chính sách, lực lượng xung kích…
Hội nghị đã nghe đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá về công tác phối hợp và giải pháp đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa thủy điện; đại diện Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề cập đến "Thực trạng và giải pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền khi có tình huống bão mạnh". Từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, đại diện các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Bình Định và thành phố Đà Nẵng đã trao đổi những bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó, xử lý các trường hợp về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt đô thị... xảy ra tại địa phương năm 2018.
Tổng kết hội nghị, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài nêu bật 11 nhiệm vụ trọng tâm của các ngành, các cấp, địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần triển khai trong thời gian tới để có sự chuẩn bị tốt trong ứng phó với thiên tai từ nay đến cuối năm 2019. Trong đó, nhấn mạnh các vấn đề về kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai, đặc biệt chuẩn bị ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với từng địa phương để sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, cần rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn để tránh bị động, lúng túng khi thiên tai xảy ra. Hiện sắp vào mùa mưa bão khu vực miền Trung, do vậy phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý xói lở bờ biển, bồi lấp cửa sông đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn, không để nguy cơ mất an toàn công trình khi thiên tai xảy ra.