Cùng với đó, tỉnh cũng tổ chức hướng dẫn các hộ có dịch thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh bằng vôi bột và hóa chất 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong các tuần tiếp theo. Đặc biệt, yêu cầu người dân không nhập đàn mới cho đến khi tình hình dịch ổn định và có quyết định thông báo hết dịch của các cơ quan chuyên môn.
Trước đó, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi. Vì thế, tỉnh kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm các cấp; thành lập đội phản ứng nhanh để sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Mặt khác, tỉnh còn tiến hành giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn và có các biện pháp xử lý ngay khi phát hiện có vi rút dịch tả lợn châu Phi và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn và các sản phẩm của lợn ra vào tỉnh
Bên cạnh đó, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tất cả thú y tại cơ sở, người chăn nuôi và toàn dân về sự nguy hiểm của bệnh và các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn cũng như khuyến cáo người chăn nuôi không giết mổ, cho bán lợn bệnh. Hiện tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ bệnh bị tiêu hủy. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, từ đầu tháng 3 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 24.000 lít hóa chất cho các địa phương và huy động hơn 264 tấn vôi để thực hiện tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch.