Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen - Bài 3: Cần sự chung tay của các địa phương

Nhiều nguồn gen quý của Việt Nam đã được bảo tồn và khai thác hợp lý hơn và đã tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng cao được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.

Kết quả thực hiện đề án "Khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2013-2019 và chia sẻ nguồn gen" cho thấy, Việt Nam có nhiều giống, loài quý, hiếm có giá trị kinh tế cao, nhiều nguồn gen bản địa nằm "rải rác" tại các địa phương trong cả nước. Nhiều giống, loài được khai thác, phát triển nguồn gen phục vụ sản xuất, đặc biệt nhiều nguồn gen được sản xuất ở quy mô hàng hóa, có nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP).  

Đẩy mạnh việc bảo tồn, phát triển nguồn gen bản địa có giá trị

Chú thích ảnh
Kiểm tra sâm Ngọc Linh được trồng thử nghiệm ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Việt Nam có nhiều nguồn gen bản địa nằm "rải rác" tại các địa phương, nhiều nguồn gen được sản xuất ở quy mô hàng hóa, có nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ yêu cầu các địa phương cần khẩn trương xây dựng đề án "Khung quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" để thống nhất thực hiện việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen trong toàn quốc. Đồng thời, Nhà nước tập trung nguồn lực tài chính cho việc xây dựng và duy trì hoạt động bảo tồn, lưu giữ quỹ gen đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong sản xuất, phục vụ nghiên cứu và giảng dạy, mở rộng việc bảo tồn, lưu giữ hiệu quả bền vững nguồn gen.

Tại Việt Nam, nhiều nguồn gen bản địa ở các địa phương thật sự có giá trị như: Nguồn gen Sâm Ngọc Linh tại Kon Tum; Lợn Móng Cái tại Quảng Ninh; Gà Đông Tảo tại Hưng Yên; Vịt Kỳ Lừa tại Lạng Sơn; Cam Cao Phong tại Hòa Bình; Nhãn lồng tại Hưng Yên... Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước hiện có 343 nguồn gen được khai thác và phát triển phục vụ sản xuất ở quy mô hàng hóa, có nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP), tên sản phẩm đã gắn với tên địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, từ khi thực hiện Chương trình, nhiệm vụ quỹ gen cũng như các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia,nhiều sản phẩm đã tăng giá trị đột biến như: Sâm Ngọc Linh đã tăng giá trị gấp 10 lần so với trước; nhóm cây ngũ cốc tăng từ 18 - 25% so với trước; nhóm cây rau, cây gia vị và nấm ăn tăng từ 20 - 30% so với trước... Những kết quả đạt được mở ra triển vọng phát triển nguồn cây giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc gia tăng giá trị sản phẩm, người dân tại các địa phương đã ý thức và tự biết bảo vệ rừng, bảo vệ đất cũng như bảo vệ sản phẩm bản địa của địa phương...

Hệ thống Trung tâm Ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trên cả nước cũng đã hỗ trợ việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen bản địa, quý hiếm tại từng địa phương, thúc đẩy sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, một số gen vi sinh vật, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất được lưu giữ, bảo tồn qua các đề tài, dự án đảm bảo nguồn gen bản địa, quý hiếm tại địa phương không mất đi mà góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương nói riêng, cả nước nói chung.

Cần sự chung tay của các địa phương

Chú thích ảnh
 Nhân giống, bảo tổn giống Chuối Cô đơn tại Vườn quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Mỗi địa phương đều có tính đa dạng sinh học, chính sách bảo tồn phát triển các giống, loài, sản phẩm địa phương... Trong bối cảnh gia tăng dân số cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, Việt Nam cần lồng ghép cần lồng ghép chương trình bảo tồn vào chương trình, chính sách phát triển của từng địa phương.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội thành lập các khu bảo tồn mới, thiết lập các hành lang đa dạng sinh học kết nối các sinh cảnh nơi có các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đồng thời, thành phố nghiên cứu mô hình quản lý thống nhất hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên, có chú trọng đến sự tham gia và lợi ích của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng đệm.

Các chỉ tiêu bảo tồn đa dạng sinh học được lồng ghép trong việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về "Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng của các-bon rừng". Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội nghiên cứu, triển khai các cơ chế tài chính mới để tăng cường nguồn lực đầu tư cho đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum cho biết: Hiện nay, công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm, đặc hữu trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện chủ yếu bằng biện pháp bảo tồn tại chỗ với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế. Tỉnh Kon Tum phối hợp với các viện, trường đại học thực hiện việc bảo tồn một số loài dược liệu, động vật quý hiếm, đặc hữu có giá trị trên địa bản tỉnh như: Pơmu, Trầm hương, Trắc, Cẩm lai, Gõ đỏ, Bò rừng, Trĩ, Sao... Tuy nhiên, cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn lực trong các tổ chức khoa học và công nghệ... chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen. Bên cạnh đó, công tác quản lý khai thác, sử dụng một số nguồn gen dược liệu, động vật quý hiếm chưa được quan tâm đúng mức, chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu nên nhiều nguồn gen có nguy cơ cạn kiệt và tuyệt chủng. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh quan tâm, hỗ trợ công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng bền vững nguồn gen.

Tại tỉnh Hưng Yên, các chương trình bảo tồn nguồn gen đã được quan tâm, tuy nhiên hoạt động bảo tồn mới chỉ được thực hiện ở các cơ quan chuyên môn mà chưa có sự tham gia của chính quyền cấp huyện, cấp xã và các hộ dân - nơi lưu giữ nguồn gen quý hiếm, gắn với các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các địa phương trong tỉnh nói riêng. Bên cạnh đó, việc sử dụng, phát triển nguồn gen chỉ dừng lại ở công tác ứng dụng vào sản xuất, chưa có biện pháp quản lý, kiểm soát nguồn gen, chưa có các vùng chuyên canh cây, con đặc sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Công tác bảo tồn, lưu giữ chủ yếu mang tính tại chỗ theo phương pháp truyền thống, chưa có các khu bảo tồn và kinh phí bảo tồn và lưu giữ nguồn gen chủ yếu được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước màn chưa có sự tham gia của doanh nghiệp, hộ dân hay nguồn xã hội hoá trong bảo tồn. 

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho UBND tỉnh trong quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, đồng thời chú trọng thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về bảo tồn nguồn gen, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, công tác quản lý, bảo rồn và phát triển nguồn gen đã có bước chuyển biến tích cực, nhận thức về bảo tồn và phát triển nguồn gen tại các cấp, ngành và cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, sự phối hợp với các viện, trường trong công tác nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nguồn gen cũng được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Công tác bảo tồn, quy hoạch mới chỉ "rời rạc" và bảo tồn mang tính tại chỗ, chưa chú trọng đến tính liên ngành, liên vùng trong bảo tồn, phát triển nguồn gen. Kinh phí bảo tồn cho phát triển nguồn gen tại địa phương đã được chú trọng nhưng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Bài cuối: Thúc đẩy chia sẻ nguồn gen

HL (TTXVN)
Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen - Bài 2: Quy hoạch để bảo tồn
Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen - Bài 2: Quy hoạch để bảo tồn

Việt Nam đã thực hiện bảo tồn nguồn gen nhưng rất tản mạn, đến giai đoạn năm 1987-2010, đã hình thành hệ thống lưu giữ bảo tồn quỹ gen theo chức năng của các bộ, ngành, nhưng chưa đặt vấn đề xây dựng và bảo tồn quỹ gen tại các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN