Phòng tránh bất lợi mưa lớn kết hợp triều cường lên cao
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm ứng phó với diễn biến của bão số 9 và dự báo triều cường lên cao vượt mức báo động III (1,5m), Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp phòng tránh tổ hợp bất lợi mưa lớn kết hợp triều cường lên cao.
Theo đó, trong sáng 23/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Cảng vụ Hàng hải Thành phố, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đang hoạt động trên biển, ven biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu, thuyền xuất bến hoạt động trên biển, ven biển trước diễn biến của bão số 9. Lệnh cấm có hiệu lực 13 giờ ngày 23/11/2018 cho đến khi có lệnh mới.
Mặt khác, thông báo cho các chủ phương tiện về diễn biến của bão số 9 để chủ động tổ chức các biện pháp phòng, tránh, ứng phó; khẩn trương sắp xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn trước ảnh hưởng của bão; tuyệt đối không để người trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển, kiên quyết không cho tàu, thuyền ra biển theo lệnh cấm này. Bộ Tư lệnh Thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an Thành phố duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động. Cảng vụ Hàng hải Thành phố hướng dẫn, sắp xếp các tàu vận tải, tàu hàng, tàu vận chuyển hành khách đi qua luồng hàng hải trên vùng biển Cần Giờ tìm nơi tránh trú, neo đậu an toàn.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chuẩn bị sẵn sàng phương án chi tiết huy động vật tư, phương tiện, lực lượng giúp dân chằng chống nhà cửa chắc chắn, đặc biệt khu vực ven biển, ven sông, các vùng thấp trũng; bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ sẵn sàng phương án di dời dân xã đảo Thạch An và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn ngay khi có lệnh của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ ngày 23/11, mực nước cao nhất ngày trên các sông rạch Thành phố Hồ Chí Minh đạt đỉnh ở mức cao hơn báo động III vào những ngày tới, sau giảm chậm, đề phòng khả năng thủy triều cao kết hợp với mưa to do ảnh hưởng bão số 9 gây ngập lụt diện rộng. Cụ thể, dự kiến mực nước trên sông Sài Gòn có thể đạt mức 1,5-1,57 m (vượt mức báo động III) trong các ngày từ 23-25/11.
Để chủ động phòng tránh tổ hợp bất lợi (bão gây mưa lớn kết hợp triều cường), giảm thiểu ngập lụt gây ra, Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị các sở ngành, địa phương nhất là quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn tổ chức rà soát các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mực nước triều dâng cao.
Chủ động chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B 40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng tràn, bể bờ bao gây ngập úng kéo dài, gây thiệt hại cho người dân…
Cấm tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển từ 10 giờ ngày 23/11
Theo Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, nhằm ứng phó với bão số 9, lúc 10 giờ ngày 23/11, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền hoạt động đánh bắt trên biển. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chính quyền các địa phương ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi trú tránh an toàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nhanh chóng di chuyển ra khỏi lồng bè nuôi trồng thủy sản (khu nuôi trồng thủy sản C1, C2) và phương tiện thủy nội địa, để đảm bảo an toàn tính mạng trước khi mưa bão đổ bộ vào bờ.
Ông Trần Thái Anh Tuấn, Trưởng Cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cho biết, đến sáng 23/11, hầu hết các tàu thuyền ở thành phố đã cập cảng Đông Hải và neo đậu an toàn. Ban quản lý cảng cũng đã bố trí chỗ neo đậu cho cả tàu vãng lai, đảm bảo không để xảy ra tình trạng tranh dành nơi neo đậu, gây mất an ninh trật tự tại cảng.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh có tổng cộng 2.560 chiếc tàu thuyền với hơn 15.553 lao động đi biển. Hiện nay, có 2.203 chiếc tàu thuyền đã vào neo đậu tại các bến, còn 357 chiếc với 3.258 lao động đang hoạt động trên vùng biển của tỉnh nhưng gần bờ. Tuy nhiên, Đồn Biên phòng các địa phương đã liên lạc được với chủ tàu và đang cho tàu vào bến neo đậu. Các cảng cá trong tỉnh cũng đã đón 290 tàu vãng lai với 291 lao động của tỉnh bạn vào cập bến an toàn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng, hiện tại, lượng nước trong số 21 hồ chứa ở tỉnh đã có hơn 121 triệu m3/194,49 triệu m3; trong đó, có 6 hồ đã và sắp vượt dung tích thiết kế, đang tràn tự do hoặc phải mở cửa van xả với lưu lượng nhỏ.
Để đảm bảo an toàn hồ đập cũng như an toàn cho vùng hạ du trong thời gian xảy ra mưa bão đổ bộ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình bão lũ để thực hiện tốt quy trình vận hành, xả lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du.
Phương châm phòng chống thiên tai "4 tại chỗ"
Ngày 23/11, ông Phan Xuân Hải, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết đã có công điện khẩn gửi các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.
Theo ông Hải, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã và đang liên lạc, hướng dẫn ngư dân di chuyển tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn. Hiện Bình Định có 4.516 tàu cá với 29.108 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại bến cá trong tỉnh. Tất cả các tàu cá đánh bắt ngoài khơi đều nhận được thông tin về bão số 9 và đang di chuyển tàu ra khỏi vùng nguy hiểm. Các tàu hoạt động ở vùng bão đi qua đều đã vào trú tránh tại các đảo ở Trường Sa.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, sáng 23/11, có khoảng 400 tàu cá của ngư dân đã vào cảng cá Quy Nhơn neo đậu an toàn. Ban quản lý cảng cá Quy Nhơn hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn, tránh va đập; tháo gỡ các thiết bị điện và bình gas để phòng tránh cháy nổ; đặc biệt, cấm ngư dân ở lại trên tàu thuyền đang neo đậu trong cảng để đảm bảo an toàn.
Hiện lượng nước của 165 hồ chứa thủy lợi của Bình Định mới đạt hơn 30% dung tích thiết kế, bằng 59,5% so cùng kỳ 2017. Bình Định đã sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những nơi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở và bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi.
Ông Liễu Minh Hoài, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn cho biết, đơn vị hướng dẫn 32 tàu hàng neo đậu an toàn tại khu vực cảng Quy Nhơn, 4 tàu hàng có trọng tải lớn trên 5.000 tấn đang neo đậu ở phao số 0 của cảng này.