Ngày 21/2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh đã chính thức phát đi công điện khẩn chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống, ngăn chặn vi rút dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, Sở đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật các cấp để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả; phân công cụ thể trách nhiệm trong giám sát, báo cáo dịch bệnh từ cơ sở đến cấp huyện.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, sân bay nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy vận chuyển lợn từ các tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh.
Các địa phương rà soát các chợ, điểm trung chuyển, tập kết thu gom lợn sống trên địa bàn, các cơ sở giết mổ lợn để giám sát, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt lưu ý tại các địa phương vùng biên giới và cửa ngõ giao thương với các khu vực lân cận như: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, Tiên Yên, Đông Triều, Hoành Bồ, Quảng Yên, Uông Bí…
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh đã và đang bố trí cán bộ bám sát tại các địa bàn để nắm thông tin, đồng thời phối hợp với các địa phương kiểm tra, theo dõi thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện khi có dịch xuất hiện.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, ông Trần Xuân Đông nhận định, Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới dài và có nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở thông thương với Trung Quốc, hoạt động giao thương mặt hàng thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ lợn rất lớn. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn nguồn lây lan dịch bệnh.
Hiện nay, việc chăn nuôi trên địa bàn chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thịt lợn của người dân, còn lại phải nhập từ các địa phương khác...
Thêm vào đó, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn phần lớn vẫn còn nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít, nhiều cơ sở giết mổ tự phát, nhỏ lẻ khó kiểm tra, giám sát thường xuyên, dẫn đến công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm khó khăn, chưa thể kiểm soát hết được. Đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ nhiễm và lây lan dịch bệnh trên địa bàn.
Tại Việt Nam, ngày 19/2/2019, Cục Thú y xác nhận đã phát hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi; trong đó 2 ổ dịch tại tỉnh Hưng Yên, 1 ổ dịch tại tỉnh Thái Bình. Tổng số lợn nhiễm bệnh và tiêu hủy là trên 200 con, đa phần là lợn con và lợn choai theo mẹ.
Tại Kiên Giang, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan phối hợp tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn trên toàn tỉnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu lợn và sản phẩm của lợn vào địa bàn.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng khu vực vùng biên tiếp giáp Campuchia thuộc huyện Giang Thành và thành phố Hà Tiên, tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; giám sát, kiểm soát chặt chẽ và xử lý dịch bệnh hiệu quả.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch của ngành thú y để ngăn chặn, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Ban Chỉ đạo 9 tỉnh Kiên Giang tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Các ngành giao thông, công thương, công an và các đơn vị có liên quan phối hợp kiểm tra, kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không, khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn đến Việt Nam.
Tỉnh cũng sẽ theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn để có biện pháp đảm bảo lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường.
Cập nhật, theo dõi và kiểm soát chặt chẽ những đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Kiên Giang triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc kết hợp giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, trung chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn; khuyến cáo hướng dẫn người chăn nuôi tập trung theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Nếu nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn chết không rõ nguyên nhân các đơn vị chức năng lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm và tập trung xử lý, dập dịch ngay ban đầu, khống chế không để lây lan; xử lý kịp thời theo đúng quy định pháp luật khi phát hiện nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019 có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng cộng hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Riêng tại Trung Quốc đã có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh; trong đó, có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam.