Phóng viên Tin Tức phỏng vấn TS Phạm Sanh (ảnh), nguyên giảng viên trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chuyên gia về giao thông đô thị để có cái nhìn rộng hơn về vấn đề phát triển cây xanh đô thị.
Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về thái độ của các nhà quản lý đô thị đối với cây xanh ở nước ta hiện nay?
Ở các đô thị phát triển trên thế giới, vào đầu thế kỷ 20 khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa đã xảy ra một trận chiến “đối kháng” giữa phát triển hạ tầng đô thị và cây xanh. Lúc bấy giờ, các quốc gia đó sẵn sàng chặt bỏ những cây xanh để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Nhưng vào cuối thế kỷ 20, suy nghĩ đã thay đổi khi người ta nghĩ rằng, cây xanh không chỉ làm đẹp, mát cho đô thị mà còn tác động đến nhiều yếu tố như: khí hậu, tính nết, tuổi thọ… con người của các đô thị đó.
Chính vì vậy, các đô thị đó bắt đầu ưu tiên cho việc phát triển mảng cây xanh. Chúng ta có thể dẫn chứng tại Hàn Quốc, Thủ đô Seoul đã từng lấp một con kênh, chặt hạ rất nhiều cây xanh để làm cao tốc nhưng bây giờ họ đã trả lại con kênh và cây xanh như cũ. Còn tại Việt Nam, do đô thị chúng ta mới phát triển, dù đang ở thế kỷ 21 nhưng hiện trạng của chúng ta lại giống thế giới vào đầu và giữa thế kỷ 20. Do vậy, ứng xử của chúng ta đối với cây xanh giống như các thành phố trên thế giới vào thời điểm đó.
Vậy các đô thị lớn trên thế giới đang tập trung phát triển mảng xanh đô thị như thế nào, thưa ông?
Trong thời gian dài, nhiều nước trên thế giới phát triển rất mạnh ngành lâm nghiệp đô thị và hoàn toàn không phải là khái niệm chung chung như chúng ta là ngành lâm nghiệp, đào tạo ra kỹ sư lâm nghiệp. Vì cây xanh đô thị hoàn toàn khác so với loại cây xanh ngoài đô thị về giống, phương pháp quản lý, chăm sóc. Chính vì vậy, kéo theo ngành lâm nghiệp đô thị là hàng loạt vấn đề liên quan đến công nghệ.
Tại một số quốc gia, các cây được gắn cảm biến, chụp cắt lớp, định vị bằng vệ tinh để quản lý và biết được tình trạng cây xanh phát triển như thế nào theo thời gian. Từ đó, người ta biết cây nào yếu sẽ có cách chăm sóc tốt hơn, cây nào không có khả năng nuôi dưỡng được nữa thì chặt bỏ để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, họ còn có phần mềm thí nghiệm mô hình gió bão để chặt, tỉa cành chứ không giống như chúng ta hiện nay, nhìn thấy cây cong là cắt, mang tính chủ quan rất cao.
Tuy nhiên, khi cây xanh cổ thụ bị sâu bệnh, mục ruỗng phải chặt bỏ thì cũng vấp phải dư luận phản đối. Theo ông, giải pháp cho vấn đề này như thế nào?
Ở các đô thị lớn trên thế giới, khi một cây xanh có vấn đề, không chỉ được thông tin rộng rãi mà ngay gốc cây đó, họ dán thông báo rất lâu về tình trạng của cây, hướng xử lý như thế nào và trưng cầu ý kiến của chuyên gia, người dân xử lý vấn đề đó. Cho đến khi không thể cứu được thì mới chặt bỏ nhưng sau đó sẽ thay ngay cây mới để không gây ra tình trạng “sốc”.
´Trở lại vấn đề đối kháng giữa quy hoạch phát triển hạ tầng và phát triển cây xanh đô thị. Theo ông, có cách nào để giải quyết mâu thuẫn này?
Thế giới đã từng trải qua giai đoạn đối kháng lợi ích vì mục tiêu ưu tiên phát triển hạ tầng và hiện tại. Họ đã nhận thấy được cây xanh mang lại giá trị bền vững cho cư dân đô thị chứ không chỉ tạo ra bóng mát. Như vậy, việc chúng ta cần làm ngay là rút ra bài học từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới để có bước đi tắt. Ngay lúc này, phải tập trung tạo ra ngành lâm nghiệp đô thị để có bước đi chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, xây dựng ý thức yêu quý, trân trọng cây xanh cũng là một vấn đề quan trọng không kém.
Xin cảm ơn ông!
Anh Đức - Hoàng Dương - Nguyễn Lộc (thực hiện)