Cần đặt cây xanh lên một vị trí cao hơn khi triển khai các dự án điều chỉnh hạ tầng; nói cách khác cây xanh là một thực thể sống cần được giữ lại tối đa trong các dự án là ý kiến của các nhà khoa học về vấn đề làm thế nào để đảm bảo yếu tố cây xanh trong quy hoạch phát triển đô thị.
Giữ như giữ di sản
Vấn đề chặt cây xanh để phục vụ dự án phát triển đô thị thời gian qua thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tại TP Hồ Chí Minh, để xây dựng tuyến Metro ngầm số 1, TP đã phải chặt nhiều cây cổ thụ, sắp tới làm cầu Thủ Thiêm 2 có thể sẽ phải chặt một số cây nữa. Tại Hà Nội, để thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, người ta đã chặt hạ khoảng 400 cây xà cừ có tuổi đời trên nửa thế kỉ dọc theo tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú và đường Láng khiến người dân vô cùng tiếc nuối.
Những hàng cây cổ thụ như thế này cần phải được giữ gìn như một di sản. |
Từ thời Pháp, TP Sài Gòn cũ đã có Thảo Cầm Viên, Hà Nội có vườn Bách Thảo, đây chính là hai vườn ươm lớn để tạo giống cây trồng cho đô thị. Hàng trăm năm qua, những hàng cây xanh tốt đã trở thành một thành tố quan trọng trong hạ tầng đô thị.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh, sự phát triển của đô thị là tất yếu để phù hợp với nền kinh tế - xã hội. Nhưng làm sao để sự phát triển đô thị hài hòa với vấn đề bảo vệ các di sản? Theo ông Lưu, bấy lâu nay chúng ta chỉ mới bàn tới các di sản là các công trình. “Chúng ta có rất nhiều di sản và cây xanh cũng là một di sản. Chúng ta cần phải thống kê, đánh giá để quyết định những cây nào cần phải giữ lại và công bố cho nhân dân nắm rõ”, ông Lưu cho biết.
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, các vị chuyên gia đều nhất trí một quan điểm, cây xanh là yếu tố không thể thiếu trong quy hoạch đô thị, đặc biệt là những đô thị mang bản sắc riêng như Hà Nội. TS Phạm Sĩ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam) cho biết: “Đa dạng sinh học tại đô thị Hà Nội rất kém nên còn cái gì thì phải giữ lấy. Cây chính là nơi giữ lại đa dạng sinh học cho đô thị”. Đồng tình, GS Nguyễn Lân Dũng (Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam) cũng cho rằng nếu mất cây xanh thì Hà Nội sẽ thay đổi hẳn bộ mặt.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhận thấy sự manh mún, lộn xộn của hệ thống cây xanh đô thị hiện nay. Nhiều tuyến phố không có cây, nhiều tuyến phố lại trồng đủ loại cây, trong đó có loại cây không phù hợp với đô thị về cảnh quan, môi trường… Sâu xa của sự bất cập này là do chính các cơ quan quản lý chưa có quy hoạch cây xanh cụ thể, cần phải lập quy hoạch, sau đó có sự thay thế, trồng mới dần dần. Thay thế phải theo lộ trình, để không gây sốc, phản cảm”, ông Nguyễn Trường Lưu nói.
Lập quy hoạch phải tính đến cây xanh
Hiện nay, không ít dự án xây dựng hạ tầng không hoặc thiếu quan tâm đến yếu tố cây xanh. Tại một hội thảo mới đây về vấn đề chặt hạ cây xanh tại Hà Nội, GS Phạm Ngọc Đăng (Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường) đã tiết lộ thông tin dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tại Hà Nội không hề nhắc đến chuyện chặt hàng trăm cây xà cừ cổ thụ.
Điều này cho thấy bản thân những người lập dự án chưa hề có sự quan tâm hay cân nhắc đến các phương án bảo tồn cây xanh. Cũng như người phê duyệt việc chặt cây chưa có đủ cơ sở hợp pháp. Tại Trà Vinh, nơi được xem như “Thành phố trong rừng cổ thụ”, để giữ hàng ngàn cây cổ thụ trong lòng đô thị, lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đã có chủ trương xây dựng công trình phải “né” cây xanh. Ngay từ khâu lập thiết kế xây dựng, các kĩ sư đã phải thiết kế làm sao để tránh cây, giảm thiệt hại cho cây ở mức thấp nhất. Chẳng hạn, người ta thiết kế hệ thống thoát nước giữa đường thay vì hai bên đường để hạn chế tối đa tác động đến rễ cây, có thể khiến cây chết.
TS Vũ Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới: Khi triển khai xây dựng đô thị mới, chủ đầu tư phải đảm bảo quỹ đất cho cây xanh. Cây được trồng phải đúng chủng loại, đúng tiêu chuẩn theo quy hoạch. Khi cải tạo, nâng cấp đường đô thị hoặc các công trình có liên quan đến việc chặt hạ, dịch chuyển, trồng mới cây xanh, chủ đầu tư phải thông báo cho cơ quan quản lý cây xanh. Việc lựa chọn các hình thức bố trí cây, loại cây trồng trên đường phố phải phù hợp với từng loại đường phố, điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. GS Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường: Ở các nước khác, quy hoạch hạ tầng luôn tính đến quy hoạch cây xanh, chứ không giống ở mình là quy hoạch cây xanh sau quy hoạch hạ tầng. Chính vì vậy mới có chuyện, cứ có dự án mới lại phá bỏ cây xanh. Ở nước ngoài, họ quy định riêng cho từng tuyến phố, từng đô thị về việc đường rộng, hẹp, xây hầm hay cao tốc một phần phụ thuộc vào quy hoạch cây xanh trước đó, họ vẫn giữ được bản sắc riêng vốn có của tự nhiên. |
GS Đăng cho biết: “Tất cả các công trình đầu tư lớn đều phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Chính phủ. Tôi được mời làm thành viên thẩm định xét duyệt dự án này. Trong báo cáo, chủ đầu tư không nói đến vấn đề phải chặt cây xanh. Vậy khi thi công, nếu bắt buộc phải chặt cây thì phải có báo cáo bổ sung trình Chính phủ nhưng không hề có ”.
Nhìn lại hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù áp lực về giao thông, dân số cao nhất cả nước nhưng không có nghĩa là cứ mở đường làm dự án thì phải chặt hạ cây. Theo một chuyên gia về quy hoạch đô thị, các thành phố lớn trên thế giới đều bảo tồn cây xanh ở mức tối đa thông qua các biện pháp kĩ thuật.
Các dự án đều có nghiên cứu hiện trạng, vị trí các cây cổ thụ một cách nghiêm túc trước khi cân nhắc chọn giải pháp thiết kế. Các nhà đầu tư hay cơ quan quản lý đưa ra nhiều phương án thiết kế để trưng cầu ý kiến của người dân, tạo sự đồng thuận trong dư luận…
Khi việc trồng cây và bảo vệ cây đã là một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì cần thay đổi mô hình quản lý. Chính quyền đô thị nhiều nơi trên thế giới đã thiết lập cơ quan chuyên trách về công viên và cây xanh. Chẳng hạn, New York có Sở Công viên, Singapore có Ủy ban Công viên quốc gia.
“Những cơ quan này có tiếng nói độc lập với sở giao thông và sở xây dựng/quy hoạch. Việc thiếu vắng một cơ quan chuyên trách, giao chức năng trồng cây cho Sở Giao thông hay Sở Xây dựng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột lợi ích và khiến diện tích cây xanh trên đầu người ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 2 m2 cây xanh/người trong khi tiêu chuẩn của Liên hợp quốc là 10 m2 cây xanh/người”, vị này kiến nghị.
Quy hoạch cây xanh không đơn thuần chỉ là tạo ra bóng mát, màu xanh mà phải tạo ra bản sắc cho đô thị. TS Phạm Sỹ Liêm chia sẻ, kinh nghiệm ở nhiều nước như Nhật Bản, Singapore cho thấy, cây xanh được quy hoạch đúng sẽ tạo ra sức hút lớn về mọi mặt. “Cây xanh nâng cao chất lượng sống của con người, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của đô thị, thu hút mọi người đến với đô thị, thu hút vốn đầu tư. Như Singapore đang rất thu hút các nhà đầu tư vào mở ngân hàng, hội họp, tạo sự phồn vinh cho đô thị”, ông Liêm cho biết.
Anh Đức - Hoàng Dương - Nguyễn Lộc (thực hiện)