Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, mùa mưa tại Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung gồm ba giai đoạn: tháng 5, 6 là giai đoạn giao mùa; tháng 7, 8 là giai đoạn mưa chính thức và tháng 9, 10, 11 là giai đoạn dễ xảy ra ra mưa lũ, ngập lụt, kết hợp với các loại hình áp thấp, bão gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Trong đó, giai đoạn tháng 5, 6 hiện nay là giai đoạn giao mùa, giữa mùa khô và mùa mưa. Do ảnh hưởng của khí nóng, ẩm nên trong cơn mưa thường kèm theo các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, mưa đá, sấm sét… Thời điểm xảy ra các hình thái thời tiết này thường vào chiều, tối và đêm. Vì vậy, nhân dân cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, các thông tin cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và của địa phương nơi sinh sống. Ngoài ra, khi nhận thấy sắp xảy ra hình thái thời tiết cực đoan, người dân cần tìm nơi trú tránh an toàn, không trú dưới gốc cây to hay ngoài đồng trống để tránh sét và mưa đá.
Trong khi đó, ở hai giai đoạn còn lại của mùa mưa, thường xảy ra ngập, lũ lụt, nhất là ở các khu vực ven sông, suối. Vì vậy, người dân cần chú ý không nghỉ lại qua đêm ở ven sông, suối, ở các vùng sườn dốc, đất xung yếu để tránh bị sạt lở, lũ quét, ngập lụt… gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
“Để công tác dự báo, cảnh báo đạt được hiệu quả cao, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ dự báo viên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh có sự nâng cấp các trang thiết bị hỗ trợ như radar, trạm đo tự động. Nhờ đó, nếu trước đây, phải 5, 7 tiếng, thậm chí là 12 tiếng đồng hồ, số liệu cảnh báo mới truyền về đài một lần, hiện nay, trước, trong và sau khi xảy ra hình thái thời tiết cực đoan, các trạm sẽ có thông tin gửi về ngay để chúng tôi tổng hợp và đưa ra một bản cảnh báo, dự báo phù hợp, chính xác và kịp thời”, ông Nguyễn Văn Huy cho biết thêm.
Theo báo cáo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum, từ đầu tháng 5 đến nay, mưa lớn kèm theo dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh đã khiến 20 căn nhà trên địa bàn tỉnh bị tốc mái, trong đó có 12 căn tại thành phố Kon Tum và 8 căn tại huyện Ngọc Hồi. May mắn, không có thiệt hại về người. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các phòng có liên quan kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại báo cáo cấp có thẩm quyền và đề xuất biện pháp khắc phục. Đối với các nhà dân bị sập và tốc mái, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân và huy động nguồn lực tại chỗ để giúp đỡ các hộ bị thiệt hại khắc phục ổn định cuộc sống.