Hiện nay, các chuyên gia y tế rất lo ngại về nguy cơ cùng lúc sẽ bùng phát hai loại dịch bệnh nguy hiểm là cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1. Bởi vậy, cùng với triển khai các biện pháp ứng phó với dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc, Việt Nam cần phải cảnh giác với hiểm họa từ dịch cúm A/H5N1, nhất là khi dịch bệnh này đang bùng phát mạnh tại Campuchia, một nước có chung đường biên giới với Việt Nam...
Dịch cúm A/H7N9 diễn biến phức tạp
“Dịch bệnh tại Trung Quốc hiện đang diễn biến rất phức tạp, với số ca mắc, tử vong tăng lên từng ngày. Nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập và bùng phát ở nước ta cũng rất cao. Không loại trừ khả năng, virút cúm A/H7N9 đã có trên đàn gia cầm của Việt Nam nhưng chúng ta chưa biết”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định.
Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho chủ các phương tiện nhập cảnh từ Trung Quốc vào Cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy. Ảnh: Minh tâm - TTXVN |
Theo nhiều chuyên gia y tế, điều đáng lo ngại là chủng virút mới cúm A/H7N9 chưa từng gây bệnh cho người thế nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có bằng chứng về việc virút cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người hay lây từ người sang người. Đặc biệt, tính thích nghi cao của chủng virút cúm A/H7N9 ở động vật có vú có thể còn dẫn đến nguy cơ dịch bệnh này lây nhiễm từ người sang người. Trong khi đó, hoạt động giao lưu, đi lại của người dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc là rất lớn mà cộng đồng chưa có miễn dịch với căn bệnh này...
Tỷ lệ nhiễm virút cúm A/H5N1 trên gia cầm cao
Theo giám sát của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về sự tồn tại của virút cúm trên gia cầm bán tại các chợ thuộc 30 tỉnh, thành phố cho thấy, có tới 66,7% tỉnh, thành phố có virút cúm A/H5N1. Những nơi có tỷ lệ dương tính cao với virút cúm A/H5N1 gồm: Thanh Hóa (10,4%), Đồng Tháp (6,5%), Tiền Giang (4,2%), Lạng Sơn (4%) và Hà Tĩnh (3,4%).
Số ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 tại Việt Nam từ năm 2003- 2013. |
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 15 ổ dịch cúm A/H5N1 tại 15 xã thuộc 4 tỉnh: Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên và Kiên Giang. Cơ quan chức năng cũng phát hiện, xử lý ổ dịch gia cầm nhiễm cúm A/H5N1 trên 177 con chim trĩ nuôi tại Tiền Giang và 4.067 chim Yến tại Ninh Thuận. Ngày 4/4, Việt Nam đã ghi nhận 1 ca tử vong đầu tiên do nhiễm cúm A/H5N1 tại Đồng Tháp. Như vậy, kể từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có 124 ca nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 62 ca tử vong (tương đương với 50%).
Khuyến cáo phòng chống bệnh dịch của WHO: Không hạn chế đi lại giữa các quốc gia. Vệ sinh cá nhân là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Rửa tay bằng xà phòng. Che miệng khi ho. Không nên mua, bán hoặc ăn thịt gia cầm ốm, chết. |
TS Phạm Văn Đông, Cục Thú y, Bộ NN& PTNT, cho biết: “Thời điểm này, tuy không còn tỉnh nào có dịch cúm A/H5N1 nhưng nguy cơ dịch bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, thủy cầm là rất cao, đặc biệt ở một số tỉnh biên giới và những địa bàn có ổ dịch cũ hoặc có mật độ thủy cầm cao”. Bên cạnh đó, do có số lượng lớn nên ngành thú y không thể triển khai tiêm phòng vắcxin cho 100% đàn gia cầm, thủy cầm và chim hoang dã...
“Một thách thức khác là việc buôn bán gia cầm nhập lậu ngày càng tinh vi. Việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam chủ yếu diễn ra ban đêm, ở đường mòn, đường tắt bên ngoài khu vực cửa khẩu. Bên cạnh đó, việc nhiều người dân rất lơ là với dịch cúm A/H5N1 cũng là một mối lo lớn”, ông Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ NN& PTNT, chia sẻ.
Chính vì vậy, bên cạnh nỗi lo về nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam, ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, rất lo lắng về nguy cơ xảy ra dịch cúm A/H5N1 trên người trong thời gian tới. Ông Trần Đắc Phu cho rằng, số ca nhiễm cúm A/H5N1 có thể sẽ tiếp tục gia tăng do các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm, chim vẫn xảy ra rải rác. Hiện nay, việc xử lý triệt để ổ dịch rất khó khăn vì nhiều gia cầm, thủy cầm, đàn chim nhiễm virút nhưng không hề có biểu hiện bệnh.
Phương Liên (thực hiện)