Chỉ có ít điểm quan trắc: UBND thị trấn Sóc Sơn; đường Phạm Văn Đồng, UBND phường Cầu Diễn, Trụ sở Công an phường Hàng Mã, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (thành phố Hà Nội) và Ban Quản lý Khu công nghiệp Trà Đa (xã Trà Đa, thành phố Pleiku, Gia Lai) có chỉ số chất lượng không khí màu cam (ở mức kém), những người nhạy cảm có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe, những người bình thường ít ảnh hưởng.
Hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí của ứng dụng AirVisual tại Việt Nam (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp lớn về chất lượng không khí được thu thập từ các trạm kiểm soát không khí thuộc chính phủ và phi chính phủ khắp thế giới, có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) ghi nhận, chỉ số chất lượng không khí tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển sang khung màu vàng (chất lượng không khí ở mức trung bình, chấp nhận được).
Theo trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (là mạng lưới môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam với mạng lưới điểm đo chất lượng không khí phủ rộng toàn bộ 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), các điểm quan trắc từ thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) trở vào đến hết Nam Bộ cho thấy chất lượng không khí hầu hết báo màu xanh (ở mức tốt)...
Ở những khu vực chỉ số chất lượng không khí tốt, người dân nên tranh thủ mở cửa giúp không khí lưu thông tốt, giữ nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ. Khi chất lượng không khí xấu hơn, cần quét nhà, hút bụi thường xuyên, chạy máy lọc không khí để loại bỏ các tạp chất cùng nhiều yếu tố độc hại ẩn nấp trong không khí.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài nhằm chống bụi mịn; thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K của Bộ Y tế (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế).
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
Kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung yêu cầu, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18/1/2021 về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các nội dung phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; phân công nội dung công việc cụ thể cho các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc nội dung phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các nội dung của Chỉ thị.
Bộ tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; khẩn trương xây dựng và triển khai việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam...