Thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt là vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1 đã gây bức xúc trong dư luận và dẫn đến tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ của người dân, tạo nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trước tình hình đó, Gs.Ts Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
PV: Hiện nay, nhiều phụ huynh chấp nhận chờ đợi, vất vả xếp hàng để tiêm được cho con liều vắc xin dịch vụ. Theo Giáo sư, chất lượng và độ an toàn của vắc xin dịch vụ có khác gì so với vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng hay không?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Trong thời gian vừa qua trước các thông tin về tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát ở những trẻ chưa có miễn dịch, nhiều phụ huynh đã lo lắng và chủ động đưa con em mình đi tiêm vắc xin. Điều này chứng tỏ mọi người dân đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của tiêm vắc xin trong dự phòng chủ động các bệnh nhiễm trùng có thể dự phòng bằng vắc xin.
Các kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian qua đều cho thấy không liên quan đến chất lượng vắc xin, mà chủ yếu là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng. Các vắc xin được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng của Tổ chức y tế thế giới. Các mẫu vắc xin cũng đã được kiểm tra và khẳng định về tính an toàn tại Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và sinh phẩm y tế cũng như tại các phòng xét nghiệm quốc tế. Chất lượng và độ an toàn của vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng không khác gì so với các vắc xin sử dụng trong tiêm chủng dịch vụ.
Ngành y tế khẳng định các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn được cung cấp đầy đủ. Ảnh: TTXVN |
Ngành y tế khẳng định các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn được cung cấp đầy đủ vì có sự đảm bảo kinh phí của chính phủ và hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) trong việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin miễn phí cho tất cả trẻ em theo lịch tiêm chủng; trong đó bao gồm 12 loại vắc xin như: lao, bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, rubella, viêm gan virus B, bệnh do Haemophylus influenza typ B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn. Vì vậy, mọi người không nên lo lắng về độ an toàn của vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
PV: Trong thời gian qua, số lượng trẻ được tiêm vắc xin 5 trong 1 và các vắc xin khác của Chương trình tiêm chủng mở rộng có biến động không, Giáo sư có khuyến cáo gì đối với các gia đình khi đưa trẻ đi tiêm chủng?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Sau các cố gắng và nỗ lực của ngành y tế, tỷ lệ tiêm vắc xin 5 trong 1 và các vắc xin khác như sởi, bại liệt, BCG (phòng bệnh lao ở trẻ) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm vừa qua là khá cao đạt trên 95% ở trẻ em dưới 1 tuổi. Điều đó chứng tỏ người dân vẫn tin tưởng vào độ an toàn và chất lượng của vắc xin 5 trong 1 và các vắc xin khác trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Để phòng bệnh cho trẻ, các bà mẹ hãy tin tưởng về tính an toàn và chất lượng của các vắc xin dùng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ số mũi tiêm với tỷ lệ tiêm chủng cao để đảm bảo miễn dịch chủ động dự phòng hiệu quả. Các gia đình không nên chờ đợi có vắc xin dịch mới đưa con đi tiêm sẽ dẫn đến nguy cơ trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tuy nhiên, không có vắc xin nào là an toàn 100%. Do đó để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình (như: tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các phản ứng mạnh với lần tiêm trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm...) để có chỉ định tiêm vắc xin phù hợp. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 48 giờ sau tiêm chủng. Gia đình cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng (như: sốt cao, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bỏ bú, khó thở, tím tái...) để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
PV: Giáo sư cho biết về những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua của Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Trần Hiển: Những thành quả của Chương trinh tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam trong 30 năm qua (với 10/12 vắc xin là vắc xin trong nước sản xuất) đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của các vắc xin này. Thành công của công tác tiêm chủng mở rộng đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh nhiễm trùng có vắc xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào cuối những năm 70 của thế kỷ trước, bại liêt vào năm 2000, loại trừ được uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và đang tiến tới loại trừ sởi và khống chế viêm gan B trong vài năm tới.
Ước tính tiêm chủng mở rộng đã dự phòng cho 6,7 triệu trẻ khỏi mắc bệnh và 43.000 trẻ không bị tử vong do các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván và sởi. Đặc biệt, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho gần 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trong thời gian qua đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả rõ rệt của vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng trong dự phòng sởi và rubella cho trẻ em. Hầu như không có dịch sởi bùng phát trong mùa đông xuân này so với thời gian cùng kỳ năm ngoái.
Những thành quả này đã góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ thứ 4 là giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015. Có thể nói đây là một trong những thành tựu lớn nhất mà ngành y tế Việt Nam đã đạt được trong những năm qua trong bối cảnh Việt Nam còn là một nước nghèo thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Thành tích này đã được bạn bè quốc tế ca ngợi và khâm phục. Các bà mẹ hãy tin tưởng là ngành y tế đã, đang và sẽ cố gắng với toàn bộ tinh thần trách nhiệm của mình để đảm bảo tiêm vắc xin an toàn và hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những thành quả to lớn của tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
PV