Theo ông Hành, đây không phải là hình thức xử lý vi phạm kỷ luật. Việc kiểm điểm, nhắc nhở là để bảo đảm tất cả các xã không buông lỏng, lơ là mà phải nghiêm túc hơn trong thực hiện các biện pháp chống dịch. Trong thời gian tới, UBND huyện Hòa Vang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tiêu độc khử trùng, tuyên truyền cho nhân dân chủ động phòng chống dịch bệnh.
Đồng thời, UBND huyện cũng chỉ đạo các xã phải rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn địa điểm hợp lý để chôn lấp, tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Các địa điểm tiêu hủy phải được Phòng Tài nguyên & Môi trường, Phòng Nông nghiệp của huyện thống nhất đề xuất thì mới phê duyệt. Các địa điểm này phải đảm bảo cách xa khu dân cư, không ảnh hưởng nguồn nước, việc tiêu hủy phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Trước đó, tối 10/7, Tổ tiêu hủy lợn dịch của UBND xã Hòa Tiến đã chở 3 con lợn vào nghĩa trang Lệ Sơn Nam (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) để tiêu hủy nhưng bị người dân ngăn chặn vì cho rằng nơi đây là đầu nguồn nước, việc chôn lấp sẽ ảnh hưởng môi trường.
Tổ tiêu hủy tiếp tục dời điểm chôn lấp đến nơi khác, cũng trong khu vực nghĩa trang, cách nhà dân ít nhất 500m. Tuy nhiên, lần này đến lượt người dân xã Điện Hòa (Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, giáp thôn Lệ Sơn Nam) phản đối gay gắt. Lực lượng chắc năng xã Hòa Tiến phải vận động, thuyết phục đến khuya cùng ngày mới tiêu hủy lợn dịch được.
Hiện huyện Hòa Vang là địa phương duy nhất trong thành phố Đà Nẵng có dịch tả lợn châu Phi, với 9/11 xã phát hiện lợn dịch. Theo báo cáo của Chi cục Thú y và Chăn nuôi thành phố Đà Nẵng, đến ngày 15/7 đã tiêu hủy hơn 700 con lợn dịch với tổng trọng lượng hơn 30 tấn.