Trong số đó có 13.732 người có công với cách mạng (đạt 97,37%), 23.856 đối tượng bảo trợ xã hội (đạt 89,4%) và 43.214 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo (đạt 78%), còn lại 15.547 đối tượng đang tiếp tục được chi trả.
Đối với hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể tạm ngừng kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không lương; người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, các địa phương đã tổ chức tập huấn, triển khai đến các xã, phường và tổ chức tiếp nhận hồ sơ từ ngày 12/5.
Thực hiện việc triển khai tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ các đối tượng khó khăn theo chỉ đạo của UBND thành phố, các đơn vị dự kiến cuối tháng 5/2020 sẽ tiến hành chi trả cho người lao động, hộ kinh doanh. HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng quyết định hỗ trợ thêm một số đối tượng đặc thù khác ngoài quy định của Trung ương, với tổng số kinh phí dự kiến hỗ trợ là 25 tỷ đồng, sẽ đưa ra thông qua kỳ họp HĐND thành phố bất thường vào ngày 22/5/2020, và được triển khai thực hiện ngay sau khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Về kinh phí thực hiện, thành phố phân bổ cho các đơn vị, quận, huyện triển khai thực hiện đối với người có công, các đối tượng xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được chi trả thông qua Bưu điện. Đối với Người lao động, kinh phí sẽ phân bổ về các doanh nghiệp, địa phương thực hiện. Dự kiến tổng kinh phí chi hỗ trợ gần 320 tỷ đồng (trong đó đối tượng Theo quy định của Trung ương khoảng 292 tỷ đồng, thành phố gần 25 tỷ đồng).
Trong khi chờ triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng đã chủ động rà soát nắm tình hình các hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có nguy cơ thiếu lương thực để kịp thời hỗ trợ. Qua rà soát trên địa bàn thành phố không có hộ dân nào thiếu đói xảy ra theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức cá nhân đã cùng với thành phố Đà Nẵng hỗ trợ kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm thông qua "ATM gạo" và các điểm “Siêu thị 0 đồng” cấp phát các nhu yếu phẩm đã hỗ trợ cho hàng ngàn người dân gặp khó khăn, với kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh thông tin, gói hỗ trợ của Chính phủ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là kịp thời, cần thiết, giúp cho người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và được sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Đến thời điểm hiện tại, thành phố đã cơ bản chi hỗ trợ xong cho các nhóm đối tượng người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng; đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Hiện thành phố đã ban hành các kế hoạch cụ thể để các cơ quan chức năng theo đó hỗ trợ cho người dân một cách nhanh nhất không chỉ trong giai đoạn dịch COVID-19 mà sẽ áp dụng cho bất kỳ các trường hợp xảy ra do thiên tai, bệnh tật trong tương lai.