Các cán bộ trạm thuỷ sản Yên Khánh - Kim Sơn xét nghiệm các chỉ số mẫu nước nhằm giúp cho bà con đưa ra các biện pháp xử lý hiệu quả. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Theo ông Trần Anh Khôi, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, sau khi phát hiện tôm chết rải rác ở các hộ nuôi trên địa bàn huyện từ ngày 10/5, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Ninh Bình lấy 8 mẫu bệnh gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả cho thấy, tôm đã bị nhiễm vi khuẩn V parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND).
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn nhận định, ban đầu nguyên nhân tôm mắc bệnh là do thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao gây ra hiện tượng thiếu oxy khiến khả năng kháng bệnh của tôm giảm. Khi tôm bị yếu, các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi làm tôm mắc bệnh.
Sau khi xác định được nguyên nhân tôm chết, UBND huyện Kim Sơn đã nhanh chóng tổ chức hội nghị công bố nguyên nhân, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tiến hành lấy mẫu ở những khu vực có tôm nuôi chết để xét nghiệm. UBND huyện Kim Sơn cũng có tờ trình gửi UBND tỉnh Ninh Bình xin hỗ trợ kinh phí để mua hóa chất xử lý các khu vực có tôm bị bệnh và tôm chết.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn khuyến cáo người dân nên tổ chức thu hoạch đối với các diện tích tôm đã đạt kích cỡ thương phẩm. Ngoài ra, tiến hành xử lý, quản lý chất lượng nguồn nước trong ao nuôi và có biện pháp che nắng cho diện tích ao nuôi vào các thời điểm thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài…
Theo thống kê, có tới hơn 5 ha trong tổng số 956 ha nuôi tôm của 1.053 hộ dân trên địa bàn 3 xã của huyện Kim Sơn có tôm bị chết do nhiễm khuẩn.