Do bất cập về cơ sở hạ tầng cũng như ý thức tham gia giao thông, hiện nay tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) tại các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn có những diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng.
Gia tăng tai nạn giao thông miền núi phía BắcCục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt thống kê, từ ngày 16/11/2013 - 20/3/2015, riêng TNGT đường bộ, toàn quốc xảy ra gần 16.800 vụ, làm chết 7.056 người, làm bị thương 9.372 người. Trong đó, TNGT ở các tỉnh miền núi phía Bắc gồm 15 tỉnh: Vĩnh Phúc, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Sơn La xảy ra 1.260 vụ (chiếm 7,5%), làm chết 720 người (chiếm 10,2%), làm bị thương 644 người (chiếm hơn 6,8%).
Hiện trường một vụ TNGT tại TP Yên Bái. Ảnh: Báo Yên Bái |
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Hiện nay TNGT ở địa bàn nông thôn, miền núi xảy ra cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung và có chiều hướng tăng cả về số vụ và số người chết. Bên cạnh đó, tình trạng người dân thiếu ý thức, tự ý phá các hàng rào, hộ lan bảo hộ hành lang giao thông, chăn thả gia súc trên đường cao tốc, đường liên tỉnh, liên huyện... diễn ra phức tạp.
Theo ông Nguyễn Sỹ Hải Sơn, đại diện Vụ Tuyên truyền - Ủy Ban Dân tộc, nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ TNGT gia tăng tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là do hạ tầng giao thông tại các khu vực này mặc dù đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa; nhiều tuyến được cải tạo, làm mới nhưng hầu hết các tuyến đường còn thiếu hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm. Hệ thống cọc tiêu, rào chắn để hướng dẫn cho người tham gia giao thông biết, lắp đặt rất hạn chế. Tình trạng họp chợ, dựng xe, biển quảng cáo, lấn chiếm, vi phạm hành lang giao thông diễn ra phổ biến.
Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật ATGT bất cập; sự hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của số đông đồng bào dân tộc hạn chế. Địa bàn nông thôn miền núi rộng, thiếu lực lượng chức năng kiểm soát; cộng với nhiều lễ hội kéo dài, dẫn đến tình trạng đông bào uống rượu say vẫn điều khiển phương tiện giao thông...
Tuyên truyền phải gắn với đời sốngTheo các địa phương, nguyên nhân được cho là trở ngại trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT tại các vùng đồng bào dân tộc là do điều kiện kinh tế xã hội hạn chế, địa hình hiểm trở, hệ thống báo hiệu ATGT và yếu tố văn hóa vùng miền (ngôn ngữ, tập tục sinh hoạt) có nhiều khác biệt.
Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Hình thức tuyên truyền về ATGT của địa phương tới các xã, thị trấn vùng sâu vùng xa chủ yếu qua hệ thống radio, loa phóng thanh trực tiếp trong giờ cao điểm giao thông và hệ thống bảng tuyên truyền điện tử ở điểm tham quan, du lịch, lễ hội... Tỉnh cũng thường xuyên có một đoàn nghệ sỹ chuyên lưu diễn sân khấu ATGT, đưa các tiểu phẩm ATGT đến bà con vùng nông thôn, dân tộc thiểu số, người dân vùng sông nước.
“Để công tác tuyên truyền tới được với bà con, thực chất đi vào thôn, bản, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ban ATGT của các tỉnh trong năm 2014 đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về ATGT như: Phát tờ rơi, xây dựng băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức hàng trăm đội thanh niên tình nguyện về thôn, bản tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ và ATGT, nhưng trong năm 2015 phải thực hiện thường xuyên, với mật độ dày hơn nữa”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định. |
Phó Giám đốc Sở GTVT, kiêm Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Lạng Sơn Hoàng Đình Tuệ chia sẻ: Địa phương đã ban hành hai văn bản chỉ đạo công chức tuân thủ nghiêm pháp luật ATGT để làm gương, từ đó hướng dẫn người dân. Việc thực hiện xử phạt nghiêm được áp dụng cả với công chức, viên chức, để tăng cường tính răn đe chung. Còn theo Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Quang Thanh, Ban ATGT tỉnh phối hợp với tất cả cơ quan đoàn thể làm công tác tuyên truyền ATGT. Tỉnh đã lập 108 đội chiếu phim kết hợp tuyên truyền ATGT tới từng làng xã. Bằng hình thức này, các phim ngắn tuyên truyền ATGT có thể tác động nhanh tới ý thức mọi người.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng: “Vai trò của Ban ATGT địa phương rất quan trọng. Muốn thay đổi nhận thức, trước hết phải khai thác triệt để nét văn hóa của đồng bào dân tộc ở vùng đó. Ví dụ đưa phim ảnh đến chiếu, biểu diễn sân khấu ở vùng đồng bào dân tộc. Thấy hấp dẫn, gần gũi với văn hóa, đời sống, người dân ở xa vài chục cây số cũng đến xem”. Vì vậy, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị Ban ATGT 15 tỉnh miền núi nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT trong vùng đồng bào dân tộc, chú trọng sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, ấn phẩm song ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc để phục vụ tuyên truyền ATGT.
Còn theo ông Khuất Việt Hùng, để công tác tuyên truyền được tập trung và có hiệu quả rõ ràng đối với người dân vùng cao, mục tiêu tuyên truyền về ATGT cần tập trung vào hai hành vi chính, đó là đã uống rượu là không lái xe, đi xe máy là phải đội mũ bảo hiểm. Mọi nguồn lực phải tập trung tuyên truyền 2 hành vi đặc biệt quan trọng này.
Tiến Hiếu