Đê Hà Nội 'oằn mình' vì bị xâm hại

Hệ thống đê Hà Nội đang bị xâm hại nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều ẩn họa khó lường khi mùa mưa, bão sắp đến.

Vi phạm rất phổ biến

Tình trạng xe quá tải và người dân cơi nới, xây dựng nhà trong hành lang bảo vệ đê khá phổ biến trên các tuyến đê Hà Nội hiện nay.

Tại khu vực tả sông Hồng, thuộc xã Võng La, huyện Đông Anh thường xuyên có những chiếc xe tải chở đầy cát sỏi chạy rầm rập. Mặc dù mới được đầu tư nâng cấp, cứng hóa bằng bê tông và đưa vào sử dụng đầu năm 2015, nhưng chưa đầy 3 tháng, nhiều điểm trên tuyến đê này đã bị sụt lún, hư hại. Ông Trần Xuân Hoan, người dân xã Võng La cho biết: “Dù có biển báo chỉ giới hạn xe có tải trọng dưới 10 tấn lưu thông, nhưng thời gian qua, hàng trăm lượt xe có tải trọng gấp 5 - 6 lần cho phép, vẫn ngày đêm cày mặt đê”.

Xe chở cát sỏi băm nát mặt đê xã Võng La (Đông Anh).


Theo Hạt quản lý đê điều huyện Đông Anh, hơn chục km của tuyến đê cấp một kéo dài qua địa bàn 3 xã (Võng La, Hải Bối, Vĩnh Ngọc), có đến 9 điểm tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng, với hàng trăm lượt xe tải vào ra mỗi ngày. Dù Hạt quản lý đê đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng có biện pháp ngăn chặn, nhưng kết quả cũng không được bao nhiêu.

Có mặt tại đoạn đê dưới chân cầu Thăng Long, phóng viên dễ dàng đếm được hàng trăm lượt xe chở vật liệu xây dựng ở bờ sông chạy lên triền đê rồi tỏa đi các công trình. Bà Nguyễn Thị Thanh, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) cho biết: “Xe nào cũng đầy ắp cát, chạy rầm rầm làm bụi bay mù mịt. Những chiếc xe tạo ra nhiều ổ voi, sống trâu trên tuyến đê”.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 140 bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Hàng năm, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đều tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu đình chỉ, thậm chí tổ chức cưỡng chế đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm, song hiện tượng "tái” vi phạm vẫn còn diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Mặt đê tại huyện Thanh Trì bị băm nát.


Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Chi cục phó Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội, tình trạng xe quá tải lưu thông gây hư hỏng mặt đê cũng đang diễn ra trên những tuyến đường đê thuộc địa bàn các huyện Thanh Trì, Mỹ Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ... Các tuyến đường này dù đã đổ bêtông nhưng đều đã xuống cấp, mặt đường lồi lõm vì không chịu nổi sức ép xe quá tải.

Trong tháng 6, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai thành phố Hà Nội sẽ tổ chức 14 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại địa bàn các quận, huyện, thị xã. Trong đó, đoàn công tác kiểm tra tình hình vi phạm và công tác xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều.

Trong khi đó, ông Hà Đức Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội cho biết, huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín… là những địa phương có nhiều vi phạm tuyến hành lang bảo vệ đê và thoát lũ cao trên địa bàn Hà Nội. Chỉ tính riêng vi phạm của những hộ có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp nhà, đã lên tới hàng trăm vụ. Trong đó có nguyên nhân là khi Bộ NNPTNT và thành phố Hà Nội mở rộng, điều chỉnh hành lang bảo vệ các tuyến đê, thì có nhiều nhà dân, đất canh tác, đất thổ cư nằm trong hành lang bảo vệ đê. Nếu để giải quyết một cách tổng thể theo Luật Đê điều, thành phố Hà Nội cần có nguồn kinh phí lên tới 73.000 tỷ đồng và đến nay nguồn kinh phí này vẫn chưa có.

Dù đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về Luật Đê điều, về quy định bảo vệ hành lang đê, cấm không được xây dựng, nhưng nhiều trường hợp vẫn tiếp tục xây dựng, sửa chữa trong các khu vực hành lang bảo vệ đê. “Khi đoàn công tác xuống huyện Thường Tín kiểm tra thực trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê, nhiều người dân vẫn cho rằng việc sửa chữa nhà cửa tại các tuyến hành lang đê là việc của cá nhân”, ông Hà Đức Trung cho biết.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Theo quy định, mặt đê có giới hạn tải trọng xe từ 13 tấn trở xuống, nhưng rất nhiều xe tải chạy không đã có tải trọng ở mức 15 tấn và khi chở đầy cát, sỏi thì tổng trọng lượng lên tới 20 - 25 tấn. “Những xe tải này đang băm nát thân đê. Mật độ xe quá tải dày đặc khiến mặt đê bị hư hại nặng nề. Đơn cử như một số đoạn đê huyện Đông Anh, phía hạ lưu cầu Thăng Long vừa được thành phố đầu tư 5 tỷ đồng, giờ đã bị băm nát. Để xử nghiêm, lực lượng chức năng cần phạt nguội với các đối tượng này. Chi cục Quản lý đê điều sẵn sàng chụp ảnh, ghi hình những xe vi phạm. Trước mắt cần tu bổ các mố để ngăn xe quá tải đi từ các khu vực khai thác ngoài đê tới các điểm tập kết, tiêu thụ”, ông Nguyễn Xuân Hải cho biết.

Để xử lý những vi phạm còn tồn tại và hạn chế phát sinh vi phạm mới, Chi cục Quản lý Đê điều đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã và các ngành liên quan tổ chức xử lý kiên quyết, dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đê điều đã được phát hiện và lập biên bản vi phạm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời chỉ đạo xây dựng các dự án di dân tái định cư các khu vực dân cư nằm trong chỉ giới thoát lũ và nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều.

Về phía thành phố Hà Nội cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ngành tăng cường phối hợp, triển khai xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, trong đó tăng cường kiểm tra để ngăn chặn ngay từ đầu các trường hợp vi phạm mới hoặc tái vi phạm. Đồng thời, các quận, huyện cũng phải kiểm tra, rà soát việc giao đất, cho thuê đất và giấy phép hoạt động của các bến bãi khai thác sỏi, trung chuyển vật liệu xây dựng ở bãi sông; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những trường hợp vi phạm pháp luật.
Xuân Minh - Nam Hải
Nguy cơ mất an toàn đê điều trong mùa mưa bão
Nguy cơ mất an toàn đê điều trong mùa mưa bão

Mùa bão lũ đã đến nhưng nhiều tuyến đê xung yếu và nhiều hồ chứa vẫn chỉ bảo đảm an toàn trong một số điều kiện cho phép. Điều này tiềm ẩn rủi ro đối với tính mạng và tài sản của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN