Theo đó, xe ô tô khách giường nằm không được phép lưu thông vào khu vực giới hạn bởi các tuyến đường Quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh - đường Võ Chí Công - đường Nguyễn Thị Định - đường Đồng Văn Cống - đường Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1 trong khung giờ trên (được phép lưu thông trên các tuyến đường này).
Ngoài ra, các xe này được lưu thông không hạn chế thời gian trên các tuyến hành lang ra vào Bến xe miền Đông: Quốc lộ 1 → Quốc lộ 13 → đường Đinh Bộ Lĩnh → Bến xe miền Đông → Quốc lộ 13 → Quốc lộ 1; hành lang ra vào Bến xe miền Tây: Quốc lộ 1 → đường Kinh Dương Vương → Bến xe miền Tây và ngược lại.
Hiện TP Hồ Chí Minh có 58 đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh với 1.579 phương tiện; 1.351 đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch với 90.835 phương tiện.
Tính đến tháng 10/2022, xe ô tô khách được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cấp phù hiệu kinh doanh vận tải là 49.256 xe; trong đó, xe giường nằm (từ 22 giường đến 44 giường) khoảng 1.100 xe. Ngoài ra, xe khách giường nằm các tỉnh lưu thông vào các bến xe TP Hồ Chí Minh là 1.610 phương tiện.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, các xe ô tô khách giường nằm khi lưu thông đi, đến thành phố chỉ được đón trả khách tại 5 bến xe của TP Hồ Chí Minh (An Sương, Ngã Tư Gia, Bến xe miền Đông mới Bến xe miền Đông cũ, Bến xe Miền Tây). Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số chủ xe chuyển đổi hình thức vận chuyển từ tuyến cố định sang dạng hợp đồng để hoạt động đón, trả khách sai quy định.
Qua thống kê, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tồn tại thường xuyên 76 vị trí hoạt động đón, trả khách không đúng nơi quy định ("xe dù, bến cóc"), thu hút lượng lớn xe chạy tuyến cố định lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố.
Đặc biệt, sau khi di dời giai đoạn 2 các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Bến xe miền Đông cũ sang Bến xe miền Đông mới từ ngày 11/10, tình trạng "xe dù, bến cóc" có chiều hướng gia tăng, chủ yếu trên địa bàn quận Bình Thạnh, Quận 1 và thành phố Thủ Đức.