Từ nhiều năm nay, một số hạng mục của khu di tích Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) xuống cấp nghiêm trọng nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm trùng tu, tôn tạo. Nguồn thu từ hoạt động lễ hội nơi đây mang lại 14-15 tỷ đồng mỗi năm, trong khi đó khu di tích cấp quốc gia đặc biệt này đang thuộc dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015” được tỉnh Nam Định triển khai từ 8 năm trước với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng bằng ngân sách Trung ương.
Cổng ngũ môn tại đền Trần ở Nam Định. Ảnh: Minh Đức – TTXVN |
Khi di tích Đền Trần (Nam Định) là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, với lễ hội khai Ấn đầu Xuân và lễ hội tháng Tám nức tiếng trong vùng, cùng nhiều giá trị lịch sử quý giá đã và đang được phát lộ. Tuy vậy, khu di tích có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục truyền thống này lâu nay chưa được quan tâm tôn tạo.
Ông Trần Huy Chiến, Tổ trưởng tổ Từ Đền Trần, cho biết hiện các nhà giải vũ của khu di tích đã xuống cấp, đặc biệt nhà giải vũ cánh trái của Đền Thiên Trường, nơi Ban Quản lý Khu di tích đặt làm trụ đã hư hỏng nặng, tường nhà nứt, mục ở nhiều vị trí, nhiều cấu kiện gỗ bị mọt.
Để tránh sập, Nhà đền và Ban quản lý di tích phải sử dụng gần chục cột thép làm trụ chống. Đáng chú ý, các nhà giải vũ lâu nay vẫn được Ban tổ chức lễ hội khai Ấn Đền Trần dùng làm nơi phát Ấn cho nhân dân địa phương và khách thập phương. Tình trạng xô đẩy, chen lấn của đông đảo người hành hương lúc nhận cánh Ấn có thể khiến các gian nhà giải vũ vốn sập sệ này sụp đổ bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng của mọi người.
Cũng theo ông Trần Huy Chiến, không chỉ các nhà giải vũ hư hỏng, các hạng mục khác ở Đền Cố Trạch cũng xuống cấp nghiệm trọng. Nhiều cấu kiện gỗ, xà gỗ ở gian ngoài, gian giữa và hậu cung Đền Cố Trạch (nơi thờ Đức Thánh Trần) đã bị mối, mọt từ lâu. Để đảm bảo an toàn cho khách hành hương, Nhà đền đã phải dùng dây thép giằng, buộc lại một số vị trí cấu kiện gỗ để đảm bảo ngói không rơi.
Để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định, qua đó tạo tiền đề để đề nghị công nhận quần thể di tích này là di sản văn hóa thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg ngày 12/10/2005 phê duyệt Dự án “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần tỉnh Nam Định đến năm 2015” với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1403/QĐ-TTg ngày 5/10/2007 với số vốn Trung ương cấp cho dự án là 300 tỷ đồng giai đoạn 2008-2010 và tối thiểu 100 tỷ mỗi năm từ năm 2011-2015.
Tiếp đó, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phê duyệt các dự án thành phần, theo đó dự án tổng thể chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn I (2008-2012), Nam Định tiến hành trùng tu, tôn tạo 13/26 điểm di tích, đồng thời xây dựng và nâng cấp một loạt tuyến đường giao thông phục vụ khu di tích như đường N1, N2, N3, E4, N2-1, C8, N5. Đến nay, giá trị thực hiện giai đoạn I đạt khoảng 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, các công trình cốt lõi của dự án gồm: Trung tâm Khu di tích lịch sử - văn hóa Trần (gồm Đền Thiên Trường, Đền Cố trạch và Chùa Tháp Phổ Minh) cùng 2 di tích quốc gia là Đền Bảo Lộc và Đình Miếu Cao Đài lại đưa vào giai đoạn II (2013-2015), do thiếu nguồn vốn nên công việc của giai đoạn II bị dừng lại.
Hiện dư luận địa phương rất bức xúc vì đáng lẽ các điểm di tích chính của dự án phải được làm trước tiên, nhưng tỉnh Nam Định đã tổ chức trùng tu, tôn tạo những di tích phụ cận, trong đó có không ít di tích chưa xếp hạng. Đến khi bắt tay vào làm gian đoạn II thì Trung ương không cấp vốn.