Dịch sởi tăng không ngừng, 'tấn công' cả người lớn tuổi

Từ đầu tháng 12/2024 đến nay, số ca mắc sởi tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam vẫn tăng mạnh theo chiều “dựng đứng” và chưa có điểm dừng. Theo nhận định của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025 số ca mắc sởi tại khu vực phía Nam sẽ tiếp tục gia tăng.

Gia tăng trẻ em và người lớn nhập viện

Chị Thuỳ Linh (ngụ Tây Ninh) chăm con gái 9 tháng tuổi bị sởi đang nằm điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, con gái chị nhập viện điều trị đến nay đã được 4 ngày. Trước khi nhập viện, chị thấy bé ho nhiều, sốt cao và sốt phát ban. Khi nhập viện, bác sĩ cho biết bé bị viêm phổi. Chị Linh cho biết, con gái chị mới tiêm một mũi vaccine 6 trong 1.

Chú thích ảnh
Ngày 6/12, tại khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 có 102 trẻ bị sởi.

Trong khi đó, chị Kim Lan (ngụ thành phố Thủ Đức) cũng đang chăm con trai bị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 gần một tuần nay cho biết, trước đó bé bị nhiễm trùng phổi nằm viện một tuần, sau khi về nhà thì bị sởi và cũng điều trị thêm một tuần. "Bé mới 7 tháng tuổi nên tôi chưa cho bé đi tiêm vaccine sởi vì nghĩ 9 tháng tuổi mới được tiêm. Tôi đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ theo lịch cũng không thấy bên trung tâm tiêm thông báo nên không biết trẻ dưới 9 tháng tuổi vẫn tiêm được vaccine sởi”, chị Kim Lan chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, số ca sởi nhập viện đã tăng lên rõ rệt trong những tuần gần đây, từ 80 ca lên hơn 100 ca mỗi tuần; trong đó chủ yếu là bệnh nhân ở các tỉnh chuyển lên. Đa số trẻ nhập viện đều có biến chứng của sởi, chủ yếu là viêm phổi và viêm ruột. Những trẻ có cơ địa miễn dịch bình thường thì bệnh tiến triển nhẹ hơn, nhưng với những trẻ có bệnh lý nền như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư hay ung thư, bệnh sẽ tiến triển nặng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chú thích ảnh
Hầu hết bệnh nhi mắc sởi nhập viện đều chưa được tiêm vaccine.

Theo bác sĩ Quy, không chỉ trẻ em, mà người lớn cũng có thể mắc bệnh sởi nếu chưa được tiêm chủng. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không tiêm vaccine sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai hoặc thai chết lưu. Thực tế, bệnh viện ghi nhận trường hợp một bà mẹ vừa sinh con nhưng chưa tiêm vaccine và đã vô tình lây bệnh cho con tại bệnh viện.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, bên cạnh ghi nhận số bệnh nhân mắc sởi là trẻ em tăng cao, bệnh viện cũng ghi nhận bệnh nhân mắc sởi là người lớn cũng gia tăng trong thời gian gần đây. Theo thống kê của bệnh viện, từ tháng 8/2024 đến nay, bệnh viện điều trị cho hơn 900 trường hợp mắc sởi, trong đó có 65 - 70% bệnh nhân mắc sởi là người lớn. Trung bình mỗi ngày khoa Nội A của bệnh viện tiếp nhận 6 - 7 trường hợp là người lớn mắc sởi. Hiện tại khoa đang có 23 ca mắc sởi là người lớn, trong đó có 4 trường hợp nặng phải thở oxy, có những trường hợp thở oxy 5 ngày.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hồng Lan, khoa Nội A của bệnh viện cho biết: “Trước đây chúng tôi tiếp nhận điều trị sởi cho cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên hai tuần gần đây số ca mắc sởi ở lớn tăng liên tục và để giảm tải cho khoa chúng tôi chuyển bệnh nhi mắc sởi sang điều trị tại khoa Nhi C”.

Rà soát trẻ chưa được tiêm vaccine

Bác sĩ Dư Tuấn Quy cho biết, một vấn đề đáng lo ngại là hầu hết các trẻ nhập viện đều chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ hai mũi. Một số phụ huynh, đặc biệt là ở các vùng quê, còn có quan niệm sai lầm rằng sởi là bệnh nhẹ, không cần phải tiêm phòng. Khoảng 10 - 12% phụ huynh vẫn có quan điểm phản đối vaccine, đặc biệt là với trẻ lớn. Một số cho rằng vaccine sởi có thể gây ra tự kỷ, trong khi thực tế vaccine sởi là một loại vaccine rất an toàn, hầu như không có tác dụng phụ được ghi nhận.

“Thậm chí có những gia đình cả nhà đều không tiêm vaccine và đều mắc bệnh sởi. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận một trường hợp gần đây là một phụ huynh phản đối việc tiêm vaccine cho con vì sợ tác dụng phụ. Tuy nhiên, sau khi trẻ bị biến chứng viêm phổi, gia đình đã phải đưa trẻ nhập viện điều trị”, bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi và rà soát tiêm bổ sung tại bệnh viện cho các trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.

Theo TS.BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, chiến dịch tiêm vaccine sởi của các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã hoàn thành với kết quả từ 95% trở lên. Tuy nhiên số ca nhiễm vẫn đang tăng cao, kể cả ở nhóm tuổi thuộc chiến dịch tiêm chủng. Điều này cho thấy, các địa phương vẫn chưa rà soát chính xác số lượng trẻ em và tiếp cận để mời tiêm, đặc biệt là trẻ thuộc nhóm biến động dân cư.

TS.BS Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh, ngoài chiến dịch tiêm sởi hiện tại, cần có các chiến dịch tiếp cận hiệu quả đối với các nhóm trẻ em khó tiếp cận vaccine. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này, dịch bệnh mới có thể được kiềm chế, nếu không số ca mắc sởi sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Vì vậy, các địa phương cần chủ động hơn trong công tác truyền thông về tiêm chủng, đặc biệt là ưu tiên cho các nhóm đối tượng và vùng có nguy cơ cao. 

Thạc sĩ Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, qua ghi nhận tại các địa phương cho thấy hiện nay công tác rà soát trẻ tiêm vaccine đang gặp khó khăn vì thiếu danh sách chính xác các trẻ chưa tiêm và nhiều trạm y tế chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu. Theo đó, để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Lương Chấn Quang cho rằng cần đối chiếu danh sách tiêm phòng từ phiếu khám sàng lọc và phần mềm quản lý tiêm chủng để xác định các trẻ chưa được tiêm. Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ sở y tế, trường học và chính quyền địa phương để đảm bảo tất cả trẻ em trong diện tiêm chủng được tiếp cận kịp thời với vaccine.

Theo thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam ghi nhận 19.000 ca bệnh sởi. Đối tượng mắc sởi nhiều nhất là nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi, chiếm khoảng 60% tổng số ca bệnh. Hiện dịch sởi đang tăng nhanh ở nhiều địa phương với 46 ổ dịch đang hoạt động. Trong đó, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh là 3 địa phương có số ca mắc sởi cao nhất.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Bệnh X nguy hiểm thế nào mà nhiều nước châu Á phải cảnh báo
Bệnh X nguy hiểm thế nào mà nhiều nước châu Á phải cảnh báo

Trong tuần, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Hong Kong ban hành các cảnh báo về bệnh X – một căn bệnh lạ bùng phát tại Congo, được đánh giá có tỷ lệ tử vong cao nhưng chưa xác định được nguyên nhân lây bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN