Bệnh viện Sản Nhi tỉnh là bệnh viện đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi triển khai bệnh án điện tử và là một trong 5 cơ sở đang thí điểm thực hiện nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử vào công tác khám, chữa bệnh hằng ngày. Từ khi có bệnh án điện tử, người dân đến đây khám, chữa bệnh chỉ cần mang theo thẻ bảo hiểm y tế hoặc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng bảo hiểm xã hội điện tử để quét mã lấy số và đăng ký khám bệnh tại các ki ốt phát số tự động. Không chỉ vậy, tất cả kết quả khám, chữa bệnh của bệnh nhân cũng được cập nhật lên hệ thống mạng của bệnh viện kết nối với tất cả các khoa, phòng…
Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi Nguyễn Đình Tuyến cho biết, sau gần 1 năm thực hiện bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, có rất nhiều tiện ích cho cả bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh. Các bác sĩ không mất nhiều thời gian khi muốn xem lại lịch sử, kết quả khám cũng như tiền sử bệnh của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể quản lý thông tin sức khỏe cá nhân; thuận tiện hơn trong việc quản lý và thanh toán, quyết toán chi phí khám - chữa bệnh. Người dân có thể chia sẻ thông tin điện tử về sức khỏe của mình tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trên cả nước.
Tại Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi cũng đang thí điểm thực hiện nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử. Tất cả thông tin của người bệnh được cập nhật lên hệ thống, đảm bảo tính chính xác ngay từ cơ sở, nhất là thông tin lịch sử khám bệnh, tiền sử bệnh của từng bệnh nhân.
Chị Lê Thị Kim Quyến ở phường Nghĩa Lộ, thành phố Quảng Ngãi cho hay, từ khi có hồ sơ sức khỏe điện tử, khi đi khám bệnh, chị không cần mang theo bất cứ loại giấy tờ nào ngoài điện thoại di động có cài đặt ứng dụng VneID hoặc ứng dụng bảo hiểm xã hội. Chị cũng có thể đặt lịch khám thông qua ứng dụng nên rất tiện lợi, đơn giản.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu cho biết, bước đầu, hồ sơ sức khỏe điện tử đã mang lại tiện ích khi cung cấp thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh của người dân giúp bác sĩ nắm được tình hình sức khỏe toàn diện của người bệnh. Ngoài ra, hệ thống y tế có thông tin về sức khỏe của người dân đầy đủ thì sẽ có thể dự báo tình hình dịch bệnh, hoạch định chính sách trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Việc áp dụng hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử sẽ giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có thể tra cứu lịch sử sức khỏe bệnh nhân; cập nhật thông tin khám, chữa bệnh sau mỗi đợt điều trị; giúp các y, bác sĩ có đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại để nhận định toàn diện, chính xác sức khỏe của người bệnh. “Thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn”, bác sĩ Đặng Văn Điểm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tư Nghĩa cho hay.
Theo thống kê, đến ngày 30/11, ngành Y tế Quảng Ngãi đã khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử cho 89% dân số. Tổng số lượt khám, chữa bệnh có hồ sơ cập nhật trên hệ thống là hơn 219 ngàn lượt. Quảng Ngãi cũng đã kết nối liên thông dữ liệu lên Cổng giám định thanh toán bảo hiểm y tế và tích hợp trên ứng dụng VNeID. Trong đó đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử cho hơn 206 nghìn trường hợp, tích hợp bảo hiểm y tế cho hơn 212 nghìn trường hợp.
Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực, vật lực để triển khai bệnh án điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh; hỗ trợ, đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ sử dụng phần mềm quản lý hồ sơ; đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu và sử dụng các dịch vụ y tế thông qua các ứng dụng.