Tham dự diễn đàn có gần 400 trí thức là các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách doanh nghiệp, các nhà quản lý, các chuyên gia của nhiều bộ, ngành và địa phương, các viện, các trường đại học, các cơ quan; các tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Diễn đàn được thực hiện theo Quyết đinh số 501/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 15/4/2015 về thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Diễn đàn lần này sẽ tập trung trao đổi vào các nhóm vấn đề quan trọng như: tác động của đại dịch COVID-19 đối với tình hình chính trị - kinh tế, an ninh - xã hội, ngoại giao và quan hệ quốc tế trên thế giới; tác động của đại dịch COVID-19 đối với một số khu vực, đặc biệt là khu vực châu Âu và một số nước như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á, các nước châu Âu, châu Phi; kinh nghiệm quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19; phản ứng của Việt Nam trước những biến đổi của thế giới trong và sau đại dịch COVID-19.
Đánh giá cục diện thế giới hậu COVID-19, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cù Chí Lợi (Viện nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, trên phương diện chính trị, đại dịch COVID-19 đang để lại bức tranh tương phản trong việc kiểm soát và khống chế hậu quả của đại dịch COVID-19. Một số quốc gia đang ở trong vị thế thuận lợi, trong khi một số quốc gia đang gặp khó khăn.
Trên phương diện kinh tế, đại dịch COVID-19 đang tác động rất mạnh, rất tiêu cực tới kinh tế Hoa Kỳ và các nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU). Nền kinh tế Hoa Kỳ chịu sự suy giảm ở mức 32% trong quý II. Nền kinh tế của Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng của COVID-19 hơn. Thế giới sẽ bước vào giai đoạn mới thiếu ổn định, gia tăng căng thẳng, xu thế hợp tác phát triển và quản trị toàn cầu sẽ gặp khó khăn hơn. Do vậy, giải pháp có thể chấp nhận được mà nhiều nước sẽ theo đuổi đó là thận trọng, quan sát và linh hoạt trong quan hệ quốc tế.
Chia sẻ về một số giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 của EU, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn An Hà (Viện Nghiên cứu châu Âu) cho rằng, EU đã kêu gọi các nước đoàn kết, phối hợp xây dựng một chiến lược chung để vượt qua COVID-19, chiến lược này bao gồm một hệ thống các giải pháp, sáng kiến trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn để tiếp tục gắn kết hơn các nền kinh tế với mục đích cùng vượt qua thách thức.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, góp ý về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, thời kỳ hậu COVID-19.