Hơn thế nữa, Vườn Quốc gia Phú Quốc còn mang giá trị về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Kiên Giang nên việc bảo vệ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là trách nhiệm của toàn xã hội.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Gành Dầu tuần tra bảo vệ rừng Vườn quốc gia Phú Quốc. Ảnh: Lê Sen/TTXVN |
Từ đầu năm 2017 đến nay, ở Phú Quốc dù có mưa nhưng vào mùa hè đang oi bức và có nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào ở những nơi thảm thực vật trảng tranh, rừng tràm, thảm thực bì khô.
Do đó, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Phú Quốc hàng ngày vẫn dùng loa phóng thanh, hình ảnh trực quan để tuyên truyền, nhưng hiệu quả nhất vẫn là họp dân, tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Chính những điều này đã tạo ý thức và thay đổi hành vi để cùng bảo vệ rừng của những người dân sinh sống trên đảo.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, ngụ ấp Bãi Thơm, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, rừng đối với người dân nơi đây là rất thân thiện và quan trọng. Mùa hè ở đây thường oi bức và dễ bị xảy ra cháy rừng. Vì vậy, việc phòng, chống cháy rừng và giữ rừng của người dân ở đây rất xem trọng.
Nơi đây có nhiều đường giao thông xuyên qua Vườn Quốc gia Phú Quốc; dân cư sinh sống không thành cụm mà rải rác, đan xen với rừng.
Đặc biệt, những năm gần đây nhiều dự án hình thành thu hút lượng lao động tự do sống bằng nhiều nghề khác nhau đến làm ăn gây ảnh hưởng đến rừng đã khiến việc bảo vệ, phòng chữa cháy của Vườn Quốc gia Phú Quốc càng phức tạp hơn. Do vậy, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa chính quyền địa phương và các ngành hữu quan trên địa bàn.
Theo ông Đào Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, thời gian qua, song song với việc thường xuyên tuyền truyền trong nhân dân về ý thức và trách nhiệm về bảo vệ, chăm sóc và phòng chống cháy rừng, thì tuyệt đối không cho người dân vào rừng săn bắt, hái lượm, chặt những cây lấy làm củi hoặc có những hành động nào đó xâm hại đến rừng.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện hiện nay vẫn còn một số người dân thiếu ý thức cố ý vào lấy củi, đốt rừng để bao chiếm đất gây cháy.
Ông Huỳnh Văn Định, Bí thư Đảng ủy xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc cho biết, thời gian qua trên địa bàn cũng xã xảy ra cháy rừng do dân chặt phá cây rừng và đốt để chiếm đất. Để khắc phục tình trạng này, cần sự phối hợp của các ngành chức năng, từ thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ, phòng chống cháy rừng, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Dương Minh Tâm, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Quốc, cho biết, tuy các cấp, các ngành đã tích cực tuyên tuyền, nhưng một số người dân chưa có ý thức bảo vệ, chòng cháy chữa cháy rừng.
Một số người sống gần khu vực rừng đốt cỏ để sản xuất nông nghiệp hoặc phá rừng làm rẫy, bao chiếm đất rừng để sang bán… Từ đó, gây rất nhiều khó khăn cho việc bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Các đối tượng vi phạm thực hiện hành vi tinh vi, lợi dụng ban đêm lén lút phát dọn, sau đó chờ cây khô tiến hành gom đốt gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc, vào mùa cao điểm, thực hiện theo phương án phòng cháy chữa cháy, lực lượng kiểm lâm thường trực ứng chiến trên tất cả các địa bàn, nhất là ở khu vực trọng điểm đã được xác định là những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao.
Vườn quốc gia Phú Quốc tổ chức đóng các lán trại, bố trí lực lượng kiểm lâm ứng trực, ngủ lại rừng để kịp thời quan sát, phát hiện khi có cháy xảy ra. Phương án phòng cháy chữa cháy rừng đã được Vườn quốc gia Phú Quốc xây dựng sát thực tế.
Các giải pháp tập trung, tổ chức bố trí lực lượng quản lý nguồn lửa, nguồn điện, thiết bị phát sinh ra lửa, nhiệt ở trong rừng và ven rừng; các giải pháp giảm vật liệu cháy, phòng cháy lan; tổ chức cảnh báo và phát hiện sớm lửa rừng. Ngoài ra, Vườn quốc gia Phú Quốc còn xây dựng một số tình huống phòng chống cháy và biện pháp chữa cháy.
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện Phú Quốc, các đơn vị tăng cường phối hợp lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội tổ chức tuần tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, khai thác rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng; quản lý chặt chẽ người ra - vào rừng, hoạt động của người dân trong việc sử dụng lửa ở gần rừng, ven rừng và trong rừng…
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chủ rừng và UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai phương án phòng cháy chữa cháy rừng, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức khảo sát, kiểm tra các khu rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng kịp thời.