Đoàn kiểm tra tại cửa hàng thực phẩm sạch An Tâm, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai. Ảnh: Hương Thu/TTXVN |
Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng: "Đón sóng" thực phẩm sạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Báo điện tử Trí thức trẻ tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội, ông Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt đưa ra con số có tới 250 người mắc ung thư mỗi ngày và nguyên nhân hàng đầu là do sử dụng thực phẩm bẩn. Những tác nhân gây ung thư của thực phẩm bẩn như chuối ngâm chất diệt cỏ, thịt lợn biến thành thịt bò trong tích tắc, táo hạt mốc nhưng ruột vẫn tươi, lạc để cả năm không bị mốc… Dù sợ hãi thực phẩm bẩn đã lên tới đỉnh điểm, nhưng việc tiếp cận thực phẩm sạch của người Việt lại là con đường vô cùng gập ghềnh.
Điển hình như tại Hà Nội, với dân số 10 triệu người, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau các loại. Nhưng trong danh sách các địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố gần đây mới chỉ có 7 địa điểm. Điều này cho thấy, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ người dân tiếp cận được với thực phẩm sạch. Con số này cũng cho thấy, thực phẩm sạch là một thị trường vô cùng hấp dẫn, đầy tiềm năng phát triển đối với những hộ kinh doanh, sản xuất.
Thị trường tiềm năng lớn như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch vẫn thất bại. Một trong những nguyên nhân chính được bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chỉ ra, nếu thị trường thiếu minh bạch và doanh nghiệp cũng thiếu minh bạch trong sản xuất, kinh doanh thì việc thất bại trong lĩnh vực thực phẩm sạch là điều kiện có thể đoán trước.
Bà Thái Hương cho rằng, 3 khâu cần minh bạch là giống, phân bón và bảo quản. Yếu tố cốt tử đầu tiên để một doanh nghiệp có thể thành công trong lĩnh vực thực phẩm sạch là minh bạch. Minh bạch là cội nguồn của bất kỳ nhà sản xuất nào và đây cũng là lý do thôi thúc bà tham gia vào lĩnh vực sữa năm 2008, bởi khi đó, thị trường sữa đang cực kỳ kém minh bạch.
Theo ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đón sóng thực phẩm sạch cũng là xây dựng niềm tin mới. Do đó, phải xây dựng và giữ niềm tin vì không có niềm tin thì không thể phát triển được.
Thị trường thực phẩm sạch đang mở ra thời cơ vàng cũng khiến cho không ít chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại nếu chậm chân hơn nữa, cơ hội đó sẽ mở ra cho các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí có thể bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu. Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thách thức lớn nhất hiện nay là Việt Nam không đảm bảo được tiêu chuẩn biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS) để có thể tận dụng cơ hội khi các đối tác đưa thuế nhập khẩu của rất nhiều sản phẩm nông thuỷ sản của Việt Nam xuống 0% ngay khi các Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Trong trường hợp không đảm bảo được tiêu chuẩn SPS thì cơ hội không tận dụng được và thách thức sẽ ập đến.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, vấn đề cấp bách đặt ra là phải đảm bảo sản xuất nông sản, thực phẩm và tiêu dùng thực phẩm sạch. Đảm bảo nông sản, thực phẩm sạch không chỉ là yêu cầu của xuất khẩu và quan trọng hơn là đảm bảo sức khỏe của người dân Việt Nam. Do vậy, cần nhận thức lại quan điểm về phát triển nông nghiệp. Đó là chuyển từ chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện sang phát triển một nền nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh; chuyển từ phát triển nền nông nghiệp theo quan niệm truyền thống sang coi nông nghiệp là ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.
"Tái cơ cấu nông nghiệp phải đáp ứng được 2 yêu cầu tập trung ruộng đất hình thành vùng sản xuất lớn và áp dụng tiến bộ công nghệ, hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng ứng từ gieo trồng, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến cho đến người tiêu dùng. Nông dân là chủ thể của quá trình tái cơ cuấ nhưng doanh nghiệp phải là hạt nhân giữ vai trò trung tâm" - ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh.