Bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 121,1 độ Kinh Đông trên khu vực đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117 km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 16 giờ ngày 25/9 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14 đến 18 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 km và đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách Quần đảo Hoàng Sa khoảng 510 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12 (103 - 133 km/giờ), giật cấp 15.
Vùng nguy hiểm trên biển đến 16 giờ ngày 26/9 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,5 đến 19 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 114 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30 km, có xu hướng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi khoảng 190 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4 - 6 m; biển động rất mạnh.
Sau đó, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20 - 25 km/giờ, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.
Theo các chuyên gia, người dân cần chủ động thực hiện cách biện pháp phòng, chống khi bão về. Trong cơn bão, người dân cần thực hiện các biện pháp sau: ở yên trong nhà kiên cố, nơi phòng, chống bão đủ điều kiện; theo dõi tiến triển của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng; nếu lũ lụt xảy ra, hãy tắt các nguồn điện chính để tránh giật điện; không lội nước qua những khu vực bị lụt để tránh các bệnh lây truyền qua nước; không bật các thiết bị điện khi lũ lụt xảy ra; không dùng các nguồn ga hoặc điện đã bị ngập nước; canh chừng nến đang cháy hoặc đèn dầu.
Tại các trung tâm sơ tán, người dân cần giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, tuân theo sự chỉ đạo của các lực lượng chức năng; đóng các cửa sổ và tắt nguồn điện tổng; kê các thiết bị và đồ đạc lên chỗ cao; không đi về phía sông hoặc đi dọc theo sông.