Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Yên Bái), chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Kinh tế luôn phải gắn với quốc phòng an ninh, chỉ khi chúng ta đảm bảo được chủ quyền quốc gia, đất nước, an ninh, quốc phòng thì kinh tế mới phát triển được. Kinh tế phải gắn với quốc phòng, quốc phòng phải gắn với kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, phải có biện pháp hỗ trợ ngư dân. Đó là những cột mốc chủ quyền sống của chúng ta. Chúng ta cũng đã có hỗ trợ nhiều như tàu đánh bắt xa bờ, vốn…. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể có những chính sách lớn hơn, tạo mọi điều kiện cho người dân để họ vừa làm kinh tế trên biển nhưng cũng bảo vệ chủ quyền đất nước.
*Có ý kiến cho rằng, kinh tế của chúng ta nên thoát lệ thuộc vào Trung Quốc, ông có đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Nền kinh tế phải độc lập, chủ quyền, nhưng phải hội nhập. Nền kinh tế phẳng, đan xen, các nước cũng lệ thuộc lẫn nhau. Trong một chuỗi giá trị thì mỗi nước ở một khâu nào đó, khi một nước bị ảnh hưởng , tất cả đều ảnh hưởng, không thể đứng một mình được. Xu thế là vậy. Nhưng vẫn phải có chủ quyền độc lập để nếu khó khăn chúng ta vẫn đảm bảo xử lý, hoạt động ổn định. Tất nhiên nếu bế quan toả cảng thì tất cả đều khó khăn.
* Hiện nay một số mặt hàng chúng ta sản xuất được nhưng vẫn tràn ngập hàng Trung Quốc như quần áo, hoa quả… Liệu chúng ta cần có hàng rào kỹ thuật… để ngăn chặn?
Chúng ta đã tham gia WTO, sắp tới là TPP… và phải chấp nhận nền kinh tế mở, thương mại tự do… Khi không rào cản thì phải rất hạn chế việc xử lý hành chính, chỉ có thể sử dụng những công cụ như thuế. Nhưng thuế cũng phải theo quy định chung của WTO chứ không phải tự do. Hàng rào kỹ thuật cần thiết nhưng chỉ ở mức độ nhất định, lúc nào cũng tạo hàng rào thì họ cũng làm vậy. Trong khi đó, mình mới vào kinh tế thị trường, cái gì cũng yếu hơn. Chỉ khi mạnh chúng ta mới ngăn chặn được việc này.
* Nhưng hàng dệt may hiện 90% là hàng Trung Quốc, theo ông xử lý vấn đề này như thế nào?
Chúng ta phải tìm thị trường khác nếu họ không cung cấp hàng nữa. Kinh tế thị trường là vậy, chặn chỗ này thì phải đi chỗ khác, như dòng nước, chứ không thể nào ngăn được.
* Vậy theo ông, đây có phải là cơ hội để Việt Nam bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc?
Chúng ta luôn luôn là nền kinh tế độc lập, đừng bao giờ quá tin cái gì đó, thị trường là thế. Hôm nay bạn hàng, ngày mai không phải bạn hàng nữa vì chạy theo lợi ích. Đó là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. Không nên nghĩ chỉ duy nhất xuất sang Trung Quốc và có thể tìm thị trường khác.
Các nước đều có chiến lược của riêng như đi tắt đón đầu… Điều đáng tiếc là chúng ta liên tiếp vấp phải bài học cũ mà không rút ra được cái gì mới. Ví dụ như dưa hấu, tại sao bao năm cứ đến mùa lại xếp hàng, ứ đọng, mà chẳng có cách gì mới.
* Chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc, chủ yếu là nguyên liệu, đây có phải là lý do không phát triển được công nghiệp phụ trợ?
Nền kinh tế thị trường, không phải cái gì cũng làm, cái nào có lợi thế thì làm. Làm tất cả các thứ chưa chắc đã hiệu quả, phải theo phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã hội không chỉ trong một nước mà giờ là trên toàn thế giới. Việc tự làm hết là nền kinh tế tự cung, tự cấp từ lâu rồi. Đó là tư duy cổ, không mới. Ngày hôm nay, chặn chỗ này chúng ta đi chỗ khác.
* Dự án Trung Quốc vào Việt Nam mang theo công nghệ lạc hậu, nhân công của họ, trong khi đó Việt Nam hứng ô nhiễm môi trường. Theo ông xử lý vấn đề này như thế nào?
Chúng ta đã nhận ra rồi, đã từng xử lý, như lò đứng, công nghệ Trung Quốc. Nhưng “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, do chúng ta tham rẻ, nên mới như vậy… Cái gì cũng đều có giá của nó, mỗi công nghệ đều có giá của nó, nhất là chúng ta khi nền công nghiệp chưa mạnh, sự sáng tạo chưa có thì phải phụ thuộc. Chỉ ứng dụng khoa học công nghệ và thậm chí mua thiết bị thì phải lựa chọn.
* Vậy theo ông đã có những kịch bản cho nền kinh tế trước tình hình biển Đông?
Chúng ta luôn luôn phải có nhiều phương án, không ai khoanh tay ngồi nhìn.
* Xin cám ơn ông!
Xuân Minh (ghi)