Giải bài toán thiếu điện cho Thủ đô

Ngay sau khi đóng điện thành công đường dây 220 kV Hà Đông - Thành Công vào cuối tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) cũng đang gấp rút hoàn thành đóng điện đường dây 220kV Vân Trì – Chèm vào cuối tháng 6 này. Cùng với đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn đã đóng điện đầu năm 2013, đây là đường dây thứ ba đảm bảo cấp điện cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nếu Hà Nội không sớm tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng (GPMB) cho đường dây này thì e rằng ngay mùa hè này, Thủ đô sẽ thiếu điện như đã cảnh báo.


Đường dây 220kV Vân Trì – Chèm có chiều dài 17km, tổng mức đầu tư gần 575 tỷ đồng, có nhiệm vụ truyền tải từ đường dây 500kV Sơn La - Hiệp Hòa về Hà Nội với công suất từ 400-600MW, bằng 25% công suất của Hà Nội hiện nay.


Ông Trần Quốc Lẫm, Phó Tổng Giám đốc NPT cho hay, khi đưa đường dây 220kV Vân Trì - Chèm vào vận hành sẽ đảm bảo toàn bộ lưới điện phía Tây Hà Nội vận hành tối ưu nhất; đồng thời giảm tải cho các trạm 220kV Vân Trì, Chèm, Hà Đông, đặc biệt, tạo hành lang vững chắc đảm bảo lưới điện Hà Nội đạt tiêu chí n-1.


Ông Trần Kim Vũ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) cho biết: Ngoài các đường dây 220kV đảm bảo cấp điện cho Hà Nội đã đưa vào vận hành là Hiệp Hòa - Sóc Sơn; Sóc Sơn - Vân Trì, hiện chỉ còn đường dây 220kV Vân Trì-Chèm. Đoạn bờ Bắc của đường dây này đã kéo được 7,5/11,9km, còn 3km trên địa bàn 3 xã thuộc huyện Đông Anh là Đại Mạch, Nam Hồng và Võng La chưa giải phóng xong mặt bằng trong khi tuyến đường dây này đã dựng được 43/44 vị trí cột. Nếu giải phóng xong mặt bằng, nhà thầu sẽ tập trung thi công để đóng điện kịp trong tháng 6 này.


Lắp đặt thiết bị đầu cốt sứ máy biến áp cấp điện tại trạm biến áp 220 KV Thành Công. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN.

Theo ông Vũ, hành lang đường dây cũng ảnh hưởng đến cây và nhà xưởng của 3 doanh nghiệp thuộc địa bàn huyện Mê Linh là VINAXUKI, HAMATRA và Công ty TNHH Dệt Vĩnh Phúc. Theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 và Quyết định 02/2013/QĐ-UBND ngày 7/1/2013 của UBND thành phố Hà Nội về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn, các doanh nghiệp này chỉ được bồi thường về cây, còn nhà xưởng và đất nằm trong hành lang không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ. Cụ thể, Ban AMB đã làm việc với HAMATRA, doanh nghiệp có khoảng 20 cây cau vua nằm trong hành lang. Theo đơn giá bồi thường của UBND thành phố, giá bồi thường cao nhất cho cau vua là 250.000đ/cây trong khi doanh nghiệp chưa nhất trí với đơn giá trên với lý do cây đã trồng 10 năm và khi trồng là 800.000đ/cây.


Trên thực tế, ở những chỗ hoàn toàn là đất nông nghiệp thì chính quyền xã đã cho kéo dây bởi về nguyên tắc Nhà nước không đền bù do không có nhà ở dưới đường dây. Hiện chỉ còn vướng 41 hộ có đất ở nằm trong hành lang lưới điện cao áp; trong đó xã Đại Mạch là 8 hộ, xã Võng La 15 hộ và xã Nam Hồng 18 hộ dân chưa cho kéo dây.


Ông Nguyễn Văn Để, Trưởng thôn Đoài, xã Nam Hồng cho biết, qua các kỳ họp tiếp xúc giữa UBND xã và thôn, các hộ gia đình đều có ý kiến đơn giá bồi thường đất ở theo quy định chưa sát với giá thị trường và đề nghị được bồi thường theo giá thị trường hoặc có nguyện vọng xin tái định cư, di chuyển khỏi hành lang lưới điện.


Ở xã Võng La, vẫn còn một vài hộ xây nhà trên đất nông nghiệp sau thời điểm 1/7/2004, theo quy định của UBND thành phố thì cũng không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ khi nằm trong hành lang. Tuy nhiên, các gia đình vẫn yêu cầu phải hỗ trợ mới cho đơn vị thi công bắc dàn giáo và kéo dây.


Theo Nghị định 81/2009/NĐ-CP ngày 12/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về Bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp và Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về An toàn điện, nếu nhà ở đủ các điều kiện kỹ thuật theo quy định thì không phải di chuyển ra khỏi hành lang lưới điện 220kV. Khoảng cách từ đường dây 220kV xuống vật kiến trúc là 6m và được bồi thường, hỗ trợ phần diện tích trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây.


Trong khi đó, đến thời điểm này, các xã Võng La và Đại Mạch chưa thực hiện xong công tác xác định nguồn gốc đất đối với từng hộ do chưa tổng hợp được tỷ lệ % mất đất. Do vậy chưa đủ cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường. Khó khăn lớn nhất là theo quy định ở Quyết định 02 của UBND thành phố Hà Nội, giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường đã khiến các địa phương đều lúng túng khi triển khai vận dụng. Bởi qua tìm hiểu được biết, ngày 2/6/2014, Sở Tài chính Vật giá đã trình lên thành phố đất ở xã Võng La hệ số K = 1,5 (tức là 1,8 triệu đồng/m2 đất ở), theo quy định được hỗ trợ 80% (tức là 1,5 triệu đồng/m2) trong khi giá đất được đấu giá ở đây khoảng từ 5 - 12 triệu đồng/m2.


Để giải quyết đề nghị của các hộ gia đình có đất ở nằm trong hành lang lưới điện, UBND huyện Đông Anh đã tổ chức họp và thống nhất đề nghị UBND thành phố cho áp dụng hệ số K = 2 đối với đất ở thuộc khu vực dân cư nông thôn, các vị trí đất ở nằm cách đường Quốc lộ trong phạm vi 200m đề nghị được tính giá đất ở theo vị trí 2 và vị trí 3 tuỳ theo bề rộng mặt đường, ngõ.

Xác định đây là dự án quan trọng đối với huyện nói riêng và thành phố nói chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án này, ông Hà Văn Khanh cho biết: Do giá đền bù, hỗ trợ thấp nên huyện đã kiến nghị thành phố phê duyệt phương án giá đền bù, điều chỉnh giá đất ở theo yêu cầu của dân. Trong khi chờ UBND thành phố phê duyệt hệ số K sau khi có tờ trình của huyện và tiếp tục giải quyết các vấn đề còn vướng mắc về thủ tục, thì cách giải quyết hiện nay đối với huyện Đông Anh là các đoàn thể, UBND 3 xã trên phải tích cực tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu được ý nghĩa và vai trò của dự án cũng như hiểu được những quy định trong các Nghị định để đồng thuận cho lực lượng thi công kéo dây.


“Sau khi thành phố phê duyệt đơn giá hỗ trợ chúng tôi sẽ họp với các xã để giải thích với dân theo hình thức cuốn chiếu. Phải kiên trì, làm từng bước và đồng bộ từ chủ đầu tư, chính quyền địa phương đến chính quyền cơ sở”, ông Khanh nói.


Ông Tô Văn Đảm, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù dự án cũng khẳng định: “Đây là dự án có diện tích thu hồi đất nhỏ nhưng ý nghĩa xã hội rất lớn nên huyện phải tập trung thực hiện quyết liệt. Khi hết quy trình sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế để trong tháng 6 này phải kéo dây xong cho kịp tiến độ đóng điện”.


Lập dự án đầu tư từ năm 2003, nếu theo kế hoạch năm 2008 đường dây này phải đưa vào vận hành. Tuy nhiên đến nay dự án đã bị chậm tới 6 năm. Không thể chậm trễ hơn nữa, vì tính cấp bách của dự án trong việc cung cấp điện cho Hà Nội, hiện Ban AMB đã có văn bản gửi Sở Công Thương thành phố Hà Nội kiến nghị UBND huyện Đông Anh, UBND các xã Võng La, Đại Mạch và Nam Hồng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình chấp hành quy định về bồi thường của UBND thành phố, chủ trương chính sách của Nhà nước và để nhà thầu thi công kéo dây.


Tại dự án này, cần thiết phải có sự chỉ đạo trực tiếp và sâu sát của lãnh đạo huyện Đông Anh, bởi thực tế cho thấy, cấp xã một số nơi đã vận động nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả do còn thiếu uy tín vì chuyển đổi tổ chức. “Nếu các hộ gia đình vẫn không chấp hành, UBND huyện cần có biện pháp cần thiết để hỗ trợ nhà thầu kéo dây”, ông Trần Kim Vũ yêu cầu.


Kinh nghiệm ở các nơi cho thấy, ở đâu chính quyền huyện và xã sau sát, trực tiếp “vào cuộc”, thì ở nơi đó, công tác GPMB sẽ xuôn sẻ và không còn là nút thắt đối với các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là những dự án trọng điểm mang ý nghĩa chính trị-xã hội lớn của đất nước.


Mai Phương

Không để thiếu điện phía Bắc Thủ đô
Không để thiếu điện phía Bắc Thủ đô

Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã kịp thời đưa vào sử dụng hai máy biến áp 110 kV, mỗi máy có công suất 63 MVA nhằm cấp điện ổn định cho khu vực các quận, huyện phía Bắc Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN