Tại buổi họp, để khẩn cấp phòng chống bệnh dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thành phố cho phép sở chi kinh phí phòng, chống dịch trong nguồn chi sự nghiệp của ngành; cấp 50 nghìn lít hóa chất khử trùng tiêu độc phục vụ phòng, chống dịch; trong đó, 20 nghìn lít cấp ngay cho các huyện phun toàn địa bàn và một số vùng chăn nuôi tập trung; 30 nghìn lít dự phòng khi xảy ra dịch sẽ phun khoanh vùng.
Đại diện lãnh đạo một số huyện đề nghị thành phố hỗ trợ huyện thành lập các chốt kiểm dịch lưu động, tạm thời hoạt động dưới sự điều hành, quản lý của địa phương tại các đầu mối giao thông quan trọng, khu vực bến đò tiếp giáp với vùng xảy ra dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật thành phố đã ghi nhận, tiếp tục xem xét.
Ông Nguyễn Đình Chuyến, Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện không được chủ quan, triển khai riết róng các biện pháp phòng dịch bệnh tả lợn châu Phi. Cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền, nắm bắt thông tin, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và nguy cơ xâm nhiễm vào thành phố.
Ông Nguyễn Đình Chuyến giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tích cực kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong phòng, chống dịch.
Các cơ quan truyền thông tăng thời lượng thông tin tuyên truyền về dịch, các giải pháp ứng phó kịp thời, nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, buôn bán về dịch bệnh...
Trước đó, ngày 20/2/2019 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay ngày hôm sau, UBND thành phố Hải Phòng đã có Chỉ thị số 06/CT-UBND về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có giải pháp đồng bộ để triển khai phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Từ ngày 19/2 đến nay, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng lấy 8 mẫu huyết thanh của 3 mẫu lợn bệnh và 5 mẫu lợn khỏe tại xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) có dấu hiệu lợn ốm, chết trong mấy ngày qua để gửi Chi cục Thú y vùng 2 xét nghiệm.
Kết quả cho thấy 8/8 mẫu âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ tháng 8/2018 đến tháng 2/2019, Chi cục Chăn nuôi- Thú y phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, liên ngành kiểm soát chặt chẽ các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu. Cụ thể, đoàn liên ngành kiểm soát vận chuyển 301 xe chở lợn, kiểm tra gần 5.700 con lợn thịt và trên 2.800 con lợn giống đều có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định.
* Trước tình hình bệnh dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã Ban hành kế hoạch ứng phó khẩn cấp với bệnh nguy hiểm này.
Biện pháp chủ yếu của tỉnh là chủ động ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới giáp với Campuchia và thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, không để dịch bệnh phát sinh tại các trang trại tập trung và hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trong tỉnh.
Tỉnh giao Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND huyện, thành phố; các đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới nhanh chóng triển khai ngăn ngừa dịch bệnh bằng các biện pháp cụ thể như: nghiêm cấm các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, lợn không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới; tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Các sở, ban, ban, ngành tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào địa bàn tỉnh; đặc biệt chú ý những vị trí thường xuyên vận chuyển lợn từ Campuchia vào tỉnh.
Đối với các địa phương giáp ranh khu vực biên giới và địa bàn có tổng đàn lợn với số lượng lớn, các trang trại chăn nuôi lợn, tỉnh hướng dẫn bắt buộc các biện pháp an toàn sinh học như: thường xuyên giám sát dịch tễ, phun thuốc sát trùng người và các phương tiện ra, vào trang trại và dụng cụ chăn nuôi theo đúng quy định; lợn xuất chuồng phải có giấy kiểm dịch đầy đủ mới cho lưu thông...
Trường hợp phát hiện có ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhanh chóng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật để chỉ đạo, điều hành chống dịch đạt hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Thường, Giám đốc Chi nhánh Công ty chăn nuôi CP Việt Nam tại tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện công ty đang hợp đồng chăn nuôi gia công với nông dân trên địa bàn tỉnh gồm 52 trang trại với tổng đàn khoảng 60.000 con lợn (chiếm khoảng 40% tổng đàn lợn trong tỉnh).
Để phòng ngừa bệnh tả lợn châu Phi, bảo vệ an toàn đàn lợn tại các trang trại, công ty đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học như cấp thuốc sát trùng, thường xuyên phun xịt khu vực trong, ngoài trại, dụng cụ chăn nuôi và các phương tiện ra vào trại; đồng thời nhắc nhở các chủ trang trại chăn nuôi không cho người lạ vào để diệt trừ mầm bệnh và phòng ngừa bệnh dịch có khả năng xâm nhập.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, hiện tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ước đạt khoảng 187.000 con; trong đó, lợn thịt 1.500 con, lợn sinh sản khoảng 18.300 con.