Hè năm nay, nền nhiệt độ tại Hà Nội những ngày nắng nóng cao điểm lên tới hơn 40 độ C. Nhiều người dân đã chọn cách giải nhiệt bằng việc đi bơi tại các bể bơi, công viên nước; nhưng cũng có không ít người lại tìm đến các sông, hồ, ao... để tắm mát. Do bất cẩn và bất chấp các chỉ dẫn cảnh báo, nhiều vụ chết đuối thương tâm đã xảy ra.
Người dân bất chấp cảnh bảo nguy hiểm để bơi lội tại hồ Linh Đàm. |
Từ đầu mùa hè tới nay, khu vực hồ Linh Đàm đã biến thành “hồ bơi bất đắc dĩ”, khi người dân tìm cách “giải” cơn nóng mùa hè. Có những ngày hồ Linh Đàm thu hút tới vài trăm người, bất chấp việc khu vực này không có những đảm bảo về an toàn bơi. Chính vì vậy, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra. Mới đây nhất, ngày 27/6, người dân phát hiện một thi thể dưới hồ khu vực dưới chân cầu vượt Pháp Vân. Nạn nhân là một nam giới, sống tại khu vực gần hồ Linh Đàm, đi bơi ở hồ rồi mất tích. Đây là lần thứ ba trong tháng 6, người dân phát hiện có xác chết dưới hồ Linh Đàm.
Ngoài khu vực hồ Linh Đàm, nhiều người dân còn bất chấp nguy hiểm đổ xô ra khu vực sông Hồng đoạn dưới chân cầu Long Biên, hoặc Hồ Tây (khu vực gần đầm sen) để tắm mát. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh còn dạy trẻ nhỏ tập bơi ở đây với phương tiện bảo hộ hết sức thô sơ như can, bình, hộp xốp. Nhiều người còn phớt lờ các biển chỉ dẫn cấm tắm, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Còn tại các huyện ngoại thành Hà Nội, mỗi dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn. Các em thường ra đồng, sông, suối mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… nên rất dễ có nguy cơ đuối nước. Nhiều gia đình còn thiếu sự quản lý, để con em tự ý đi chơi ra các ao, hồ, sông, suối mà không có người lớn đi cùng… Những nơi này lại thường xa khu dân cư, ít người qua lại, khi trẻ nhỏ gặp nguy hiểm sẽ khó nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn.
Vấn đề đặt ra là làm sao vừa đảm bảo nhu cầu vui chơi, giải trí mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân. Theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất là người dân cần có những kiến thức cơ bản về bơi lội và ứng cứu người đuối nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm các khuyến cáo ở những nơi được quy định là điều cần thiết. Các bậc phụ huynh nên hướng dẫn cho trẻ kỹ năng bơi lội, ứng phó trong mọi tình huống để giúp trẻ có thể tự cứu được bản thân và cứu những người khác khi gặp nguy hiểm dưới nước.
Theo anh Nguyễn Anh Văn, giáo viên dạy bơi khu vực quận Tây Hồ: Mỗi người, ngoài kỹ năng bơi lội nên trang bị thêm cho mình cả kỹ năng cứu người đuối nước. Bởi thực tế, nhiều người bị đuối nước sau khi cứu được lên bờ nhưng do người cứu không biết xử lý thế nào khiến nạn nhân có thể chết vì ngạt nước. Anh Văn cũng cho biết, kỹ năng cứu người bị nạn ở dưới nước có nhiều, nhưng cơ bản nhất là khi thấy người khác đang bị đuối nước, nếu xuống cứu thì vị trí tiếp xúc với người gặp nạn là quan trọng nhất. Nếu nắm tay thì họ sẽ kéo cả người cứu chìm xuống theo. Người ứng cứu chỉ nên nắm chân hoặc tóc để kéo lên, tuyệt đối không được để tay nạn nhân nắm vào người mình. Trong trường hợp nạn nhân vùng vẫy mạnh, cần phải có động tác khống chế rồi mới đưa nạn nhân vào bờ và thực hiện các biện pháp ứng cứu.
Còn theo một chuyên gia khác, các bậc phụ huynh nói riêng và người lớn nói chung nên là tấm gương cho trẻ nhỏ, không nên vì quá nắng nóng, muốn tắm mát mà chọn địa điểm bơi không an toàn cho mình và con trẻ. Trường hợp đi tắm ở các khu vực ao, hồ, kênh… gần nhà, cha mẹ nên nhắc nhở con em mình tránh xa các khu vực bãi bồi dễ sụt lún, các khu vực có nước chảy xiết vào từng thời điểm; đặc biệt phải lưu ý đến các biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm, để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.