Ngăn chặn đuối nước cho trẻ em Đắk Lắk

Những năm qua, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước ở tỉnh Đắk Lắk không ngừng gia tăng. Mỗi năm “thủy thần” cướp đi sinh mạng của hàng chục em nhỏ. Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, phòng tránh đuối nước cho trẻ, nhưng tính hiệu quả và mức độ an toàn của các giải pháp này chưa cao.

Những câu chuyện đau lòng

Thống kê của Phòng Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, năm 2013 toàn tỉnh có 46 ca tử vong do đuối nước, năm 2014 tăng lên 63 ca. Tính đến đầu tháng 7/ 2015, đã có 25 trẻ tử vong do đuối nước. Con số này cao hơn nhiều so với mọi năm, trong khi mùa mưa ở Đắk Lắk chỉ mới bắt đầu. Số trẻ em bị tai nạn đuối nước chủ yếu trong độ tuổi từ 6 đến 16 tuổi, trong đó, 30% đuối nước do đi chơi các thác nước, 65% do bơi ở các ao hồ tưới tiêu, đập nước…

Trẻ em ở huyện Buôn đôn tắm ở các sông.


Nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra, điển hình như ngày 2/7/2014, tại thôn Tân Tiến, xã Ea Tól, huyện Krông Năng xảy ra một vụ đuối nước khiến 3 anh em ruột chết đuối. Nạn nhân là em Nguyễn Xuân Linh sinh năm 1998, Nguyễn Viết Phong sinh năm 2002 và Nguyễn Xuân Long sinh năm 2004, con anh Nguyễn Xuân Lương, ngụ tại xã Cư Kpô huyện (Krông Búk) đến thuê rẫy ở xã Ea Tól huyện (Krông Năng) để trồng cà phê. Bố mẹ đi làm rẫy, 3 anh em Linh, Phong, Long đi theo rồi rủ nhau xuống ao cạnh rẫy để tắm. Do ao sâu, các em lại bơi không thành thạo, nên xảy ra đuối nước đau lòng.

Mới đây nhất, ngày 1/7/2015, tại thôn Tam An, xã Ea Tam, huyện (Krông Năng) lại xảy ra một vụ việc tương tự, khiến 3 cháu nhỏ tử vong. Nạn nhân là bé gái Nông Thị Kim Anh (8 tuổi), Nông Thị Thanh Trúc (10 tuổi), Nông Thị Tường Vy (15 tuổi), con của anh Nông Văn Công (31 tuổi) và chị Ngô Thị Trầm (27 tuổi), trú tại thôn Tam An, xã Ea Tam, huyện Krông Năng. Sau buổi làm rẫy về, vợ chồng anh Công hốt hoảng khi không thấy các con đâu, vội vàng đi tìm và kêu gọi hàng xóm hỗ trợ tìm giúp. Sau hơn nửa ngày tìm kiếm, đến 17 giờ thì thi thể 3 cháu nhỏ đã được người dân địa phương phát hiện và vớt lên ở ao trong rẫy, cách nhà anh Công 70 m.

Cần sớm có biện pháp bảo vệ trẻ

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết: “Xã Ea Tam có nhiều ao, hồ phục vụ tưới tiêu, các ao thường nằm trong các rẫy cà phê, có mực nước cao, thiếu các biện pháp cảnh báo, đảm bảo an toàn, hàng năm địa phương đều tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc cách phòng tránh đuối nước cho trẻ, do sự chủ quan của người lớn vô tình gây nên tình trạng đuối nước đối với trẻ em”. Theo bà Trang, đã đến lúc các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cần nhìn nhận một cách khái quát thực trạng, nguyên nhân và đề ra những giải pháp phòng tránh đuối nước cho trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả.

“Thiếu sân chơi an toàn cho trẻ trong dịp hè và thiếu sự quan tâm của người lớn chính là nguyên nhân dẫn tới tai nạn đuối nước cho trẻ”. 

Bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Chăm sóc giáo dục trẻ em, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Đắk Lắk

Bà Từ Thị Khanh, Trưởng phòng chăm sóc giáo dục trẻ em, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp trong phòng chống đuối nước cho trẻ. Ngoài các giải pháp như tuyên truyền, tổ chức dạy bơi, tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý các tình huống nguy hiểm khi gặp tai nạn đuối nước, tỉnh cũng sẽ nhân rộng các mô hình “Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”; đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị xây dựng, quản lý công trình đập nước thực hiện nghiêm quy định cam kết xây dựng biển báo, biển cấm nguy hiểm, hàng rào ngăn cách để bảo vệ. Tăng cường cán bộ người dân tộc thiểu số về tận thôn, buôn tuyên truyền cho đồng bào cách phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ. Cũng theo bà Từ Thị Khanh, để thực hiện tốt công tác phòng tránh đuối nước cho trẻ cần sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành nhất là sự quan tâm của Nhà nước trong hỗ trợ kinh phí dạy bơi, tăng cường đội ngũ cộng tác viên thôn buôn để thực hiện hiệu quả những giải pháp này.

Tai nạn đuối nước là điều không ai có thể lường trước được. Đối với trẻ em, cách tốt nhất để phòng chống đuối nước chính là không nên để trẻ lại những nơi có vùng nước sâu, nguy hiểm, mà thiếu sự trông nom của người lớn. Trước khi trẻ được học bơi, được hỗ trợ các biện pháp phòng chống đuối nước, các bậc phụ huynh cần tạo ra sân chơi an toàn cho trẻ, nâng cao ý thức cảnh giác, quan tâm đến con em mình nhiều hơn, để không có những điều đáng tiếc xảy ra.

Phạm Cường
Cần biện pháp ngăn chặn tình trạng trẻ đuối nước
Cần biện pháp ngăn chặn tình trạng trẻ đuối nước

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa, phòng tránh đuối nước cho trẻ, nhưng tính hiệu quả và mức độ an toàn của các giải pháp này chưa cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN