Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ ngày 3/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.
Cùng với đó, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông ở khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. Trong ngày và đêm 3/9, khu vực Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao 2-4 m; biển động mạnh; vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Trước diễn biến của hai áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng 3/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 14/CĐ-TWPCTT ngày 1/9 và Công điện 15/CĐ-TWPCTT ngày 2/9 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thông tin kịp thời, sát diễn biến 2 áp thấp nhiệt đới, cảnh báo mưa lớn và gió mùa Tây Nam; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, cảnh báo thiên tai đến chính quyền và nhân dân các địa phương đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó.
Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng Kiểm ngư và chính quyền địa phương kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền, đặc biệt là các tàu vãng lai, tàu vận tải để đảm bảo an toàn về người và phương tiện. Kiên quyết không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị, địa phương kiểm tra hệ thống các hồ chứa, trong đó có các hồ xung yếu, kiểm tra chặt chẽ hệ thống hồ tại tỉnh Thừa Thiên Huế - khu vực được dự báo có mưa lớn trong những ngày tới; phối hợp theo dõi dảm bảo đê điều, chủ động tiêu nước đệm, vận hành bơm tiêu úng. Đồng thời, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; Khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy; tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, sạt lở...
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực 24/24 giờ và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng phòng chống thiên tai, khu vực Trung Bộ sẽ mưa to đến rất to từ ngày 3-6/9, do vậy lực lượng công an cần huy động nhân lực, phương tiện đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian mưa lũ trong đó chú trọng vấn đề phối hợp đảm bảo an toàn cho học sinh dự khai giảng.
Báo cáo ngày 3/9 của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 3/9, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/312.630 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể: Hoạt động khu vực quần đảo Hoàng Sa là 111 tàu/814 người (các phương tiện đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm); hoạt động ở khu vực biển khác là 4.279 tàu/31.513 người; Neo đậu tại các bến từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa: 67.072 tàu/280.303 người.