Kết luận của Bộ Y tế về việc sử dụng nước ozone chữa bệnh tay chân miệng

Ngày 20/11, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp cùng với các cơ quan chức năng về việc thử nghiệm chữa bệnh dịch tay chân miệng bằng nước ozone của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải.

Sau khi xem xét và phân tích đánh giá hiệu quả, tác dụng, Hội đồng chuyên môn hoan nghênh đề xuất và thử nghiệm của giáo sư Khải nhằm tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Hội đồng chuyên môn khẳng định: Việc sử dụng nước ozone cùng với chanh, muối…( TTXVN đã đưa tin) chỉ mang tính hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng giai đoạn 1 và giai đoạn 2a về ngoài da chứ không có tác dụng chữa bệnh, không được sử dụng cho bệnh nhân uống.


Tăng cường vệ sinh rửa tay ở trẻ em để phòng bệnh TCM. Ảnh: Phương Vy-TTXVN



Theo Hội đồng chuyên môn, nước ozone rất thích hợp trong việc khử khuẩn dụng cụ y tế, đồ chơi và các vật dụng sinh hoạt, rửa tay chân,v.v liên quan đến người bệnh. Theo đó, nước ozone không có tác dụng vào nhân tế bào và hệ thần kinh.

Theo các chuyên gia dịch tễ, nguyên nhân bệnh tay chân miệng nặng và tử vong do vi rút tấn công vào tế bào chứ không phải là bệnh ngoài da. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh dẫn đến biến chứng nặng và có nguy cơ tử vong rất cao của bệnh tay chân miệng tại Việt Nam thời gian qua. Vì vậy, bài thuốc của giáo sư Khải chỉ mang tính hỗ trợ bên ngoài. Thực tế cho thấy, bệnh nhân mắc tay chân miệng ở độ 1, 2 a sẽ tự hồi phục mà không cần có sự hỗ trợ.

Phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng Bộ Y tế ban hành quy định và hướng dẫn đối với bệnh nhân bị mắc bệnh tay chân miệng, chia làm 4 mức độ: người bị mắc bệnh ở độ 1 chưa có biến chứng, các cơ sở y tế hướng dẫn bệnh nhân điều trị ngoại trú. Độ 2 a khi bệnh nhân có biến chứng thần kinh nhẹ, điều trị ngoại trú tại bệnh viện; độ 2 b: biến chứng thần kinh nặng, điều trị tại phòng cấp cứu của khoa Nhi bệnh viện tỉnh, khoa truyền nhiễm của các bệnh viện. Bệnh nhân ở độ 3, 4 biến chứng suy hô hấp - tuần hoàn cần phải được điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực.

Giám đốc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh Trần Ngọc Hữu khuyến cáo không coi biện pháp sử dụng hóa chất tẩy rửa là biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Người dân cần tuân thủ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên và giữ bàn tay sạch sẽ; vệ sinh môi trường sống nhất là các trường học nhà trẻ mẫu giáo. Đây biện pháp phòng bệnh và giảm thiểu số người mắc và tử vong. Ông Hữu cũng chia sẻ: giải pháp đóng cửa các cơ sở mẫu giáo và trường học do bệnh tay chân miệng chỉ thực hiện khi thật cần thiết. Các địa phương không nên coi đây là giải pháp hữu hiệu phòng chống dịch tay chân miệng.


Một biểu hiện của bệnh tay chân miệng. Ảnh: Internet



Theo giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nguyên nhân dẫn đến bệnh tay chân miệng khá phức tạp. Vì vậy, công tác phòng chống dịch hết sức khó khăn và khó dự đoán hết tình hình. Trong khi đó, ý thức phòng bệnh người dân còn rất thấp. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần tập trung thông tin những biện pháp phòng chống dịch bệnh bằng cách rửa tay để giữ bàn tay sạch sẽ đến từng người dân.

Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện Nhi đồng I thành phố Hồ Chí Minh: Đây là bệnh khó, diễn biến biến bệnh rất nhanh và nặng có ca bệnh chỉ trong 1 đến hai giờ đồng hồ từ tỉnh tảo chuyến sang thể nặng, thậm chí tử vong. Trên 30% ca bệnh nặng mới được người nhà đưa vào cấp cứu, số ca nặng tăng cao gấp 10 lần so với mọi năm. Trung bình mỗi ngày có trên 100 bệnh nhân cấp cứu dẫn đến quá tải trầm trọng tại bệnh viện. Các khoa phòng của bệnh viện đều tham gia chống dịch để phát hiện ca bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Đối với các bệnh nhân nặng, bệnh viện Nhi đồng I đã huy động toàn bộ các phương pháp cấp cứu, 100% thở máy; trên 45% phải lọc máu. Giai đoạn đầu, phác đồ điều trị cũ của Bộ Y tế chưa thích ứng nên các bệnh viện gặp lúng túng. Khi Bộ Y tế ban hành phác đồ điều trị mới hoàn toàn thích ứng, số bệnh nặng và tỷ lệ tử vong đã giảm rõ rệt. Bệnh viện đã xây dựng được quy trình điều trị rất hiệu quả.



Nhật Minh
Bệnh tay chân miệng có xu hướng dừng lại nhưng vẫn ở mức cao
Bệnh tay chân miệng có xu hướng dừng lại nhưng vẫn ở mức cao

Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam có hơn 84.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó khu vực phía Nam chiếm hơn 65% số ca mắc và 90% số ca tử vong. Hiện bệnh tay chân miệng có xu hướng dừng lại nhưng vẫn ở mức độ cao với hơn 2.500 ca/tuần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN