Năm 1994, điện sinh hoạt đã bắt đầu áp dụng bậc thang và giá luỹ tiến. Trong đó, từ năm 2007 đến nay đã áp dụng bậc thang đầu tiên ở mức 50 kWh và bậc thang cuối cùng là 400 kWh trở lên. Theo ý kiến của nhiều người dân, sau 8 năm, hiện nay, mức sống và nhu cầu sinh hoạt của người dân đã tăng lên rất nhiều nên cần có thay đổi để biểu giá điện phù hợp hơn.
Bà Cao Thị Hải, thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương: Nhu cầu sử dụng điện của người dân nông thôn đã tăng lên
Toàn thôn có khoảng 1.000 hộ dân thì đa số đều có mức tiêu dùng điện tăng lên so với những năm trước. Nhiều hộ nghèo nhưng trong nhà đã sắm được những thiết bị điện như nồi cơm điện, ti vi. Còn lại, ở nông thôn, hầu hết mọi gia đình đều có quạt điện, ti vi, nồi điện, ấm điện đun nước… Vì thế, tiền điện mỗi tháng cũng tăng lên ít nhiều chứ không như trước kia. Như gia đình tôi dùng 6 bóng đèn tiết kiệm điện, ti vi, nồi cơm điện và quạt điện, tủ lạnh. Tuy nhiên, quạt và tủ lạnh chỉ dùng khi nào trời nắng nóng. Thời điểm cao nhất là mỗi tháng hết 140.000 đồng tiền điện. Còn tháng dùng ít nhất chỉ 25.000 đồng. Nếu Nhà nước tính giá điện theo kiểu mới thì mong rằng mức tiêu dùng thấp nhất sẽ được tăng lên khoảng 70 số điện. Như vậy phù hợp với mức tiêu dùng điện và giúp hỗ trợ nâng cao đời sống cho người dân ở nông thôn.
Ông Nguyễn Văn Doanh, xã Việt Hưng, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương: Nhiều hộ nghèo đã sử dụng điện vượt mức 50 kWh
Gia đình tôi gồm 5 người: hai vợ chồng, mẹ già và hai đứa con nhỏ. Ba năm trước, mỗi tháng, nhà tôi chỉ dùng hết chưa đến 100 số điện. Nhưng hiện nay, tôi sắm thêm tủ lạnh, ti vi nên mỗi tháng dùng khoảng 180 số điện, hết trên 350.000 đồng/tháng. Những nhà xung quanh hầu hết đều dùng trên 100 số điện, mặc dù họ cũng chỉ là những hộ có mức sống trung bình khá. Xã còn khoảng 20 hộ nghèo thì mức dùng điện cũng khoảng 50- 70 số điện, tức là mức tiêu thụ điện của chính các hộ nghèo cũng đã vượt mức bậc thang được dùng giá điện ưu tiên theo quy định của Nhà nước hiện nay. Nhu cầu sử dụng điện tăng lên là do thời tiết cũng khắc nghiệt hơn và đời sống người dân được nâng lên nên nhiều nhà sắm tủ lạnh, thậm chí máy điều hòa nhiệt độ. Do đó, số gia đình chỉ dùng khoảng 50 kWh/tháng ngày càng giảm mà chủ yếu dùng ở mức trên dưới 100 kWh/tháng. Vì thế, nếu bậc 1 trong thang giá điện được nâng lên khoảng 100 kWh thay vì 50 kWh như hiện nay thì sẽ phù hợp hơn với thực tế, vừa giúp người dân khu vực nông thôn nâng cao được chất lượng cuộc sống vừa có tác dụng kích thích tiêu dùng ở nông thôn.
Bà Lê Thị Huệ, số nhà 269 phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội:Không để giá điện tăng quá nhanh so với mức tăng lượng điện tiêu thụ
Tháng 8 vừa qua, gia đình tôi dùng khoảng 700 kWh, với 400 kWh đầu tiền điện là 803.950 đồng, 300 kWh điện sau phải trả 776.100 đồng, tiền điện phải trả tăng thêm 96,5% so với tháng dùng 400 kWh điện dù lượng điện tiêu thụ chỉ tăng thêm 75%. Trong những tháng hè nóng nực, lượng điện tiêu thụ của gia đình phổ biến từ 600- 850 kWh, tương đương từ 1,3- 2 triệu đồng/tháng. Theo tìm hiểu của gia đình tôi, từ số 400 kWh trở lên, tức bậc 6 hiện nay, đơn giá là 2.587 đồng/kWh, đắt hơn 74,3% giá bậc 1, hơn ,7% giá ở bậc 2, đắt hơn 44% giá ở bậc 3, đắt hơn 15,3% giá ở bậc 4 và cao hơn 3% giá ở bậc 5. Từ năm 2007 đến nay, bậc cuối cùng là 400 kWh trở lên. Trong khi đó, 8 năm trôi qua, mức sống và nhu cầu sinh hoạt của người dân đã tăng lên rất nhiều nên cần xem xét giảm bớt áp lực giá quá cao ở các bậc cuối, hạn chế bất hợp lý của cách tính giá điện hiện nay là giá điện thường tăng cao hơn nhiều so với mức tăng tiêu thụ điện.
Ông Hồ Ngọc Kính, Giám đốc Công ty CP TM DV Nhà VinaHome, TP Hồ Chí Minh:Công khai minh bạch về giá thành sản xuất điện
Hiện giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện như: than, khí… đang giảm nhưng thực tế giá bán điện của ngành điện lại không giảm. Với góc độ người tiêu dùng, chúng tôi mong ngành điện phải công khai minh bạch về chi phí sản xuất điện để người dân yên tâm hơn mỗi khi phải chi trả tiền điện. Về thay đổi cách tính giá điện, theo tôi, phương án tính giá điện lũy tiến là phù hợp để khuyến khích người dân tiết kiệm điện. Tuy nhiên, theo tôi, cần giảm bớt bậc thang tính giá điện từ 6 bậc về khoảng 3 - 4 bậc để người dân dễ theo dõi cách tính giá điện. Bên cạnh đó, ngành điện cần có thêm những chính sách hợp lý để giúp người sử dụng điện quản lý được hiệu quả hơn việc sử dụng các thiết bị điện.
Nguyễn Anh Vũ - 678 Sư Vạn Hạnh, Quận10, TP Hồ Chí Minh: Không nên tăng giá bán điện
Quy luật của nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng sử dụng càng nhiều thì phải càng được trả giá thấp nhưng đối với lĩnh vực điện thì ngược lại. Bản thân nhà tôi kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ mỗi tháng trả cả chục triệu tiền điện nên vấn đề sử dụng và biểu giá tiền điện là vấn đề tôi rất quan tâm. Theo tôi, khi EVN xây dựng đề án biểu giá điện mới phải dựa trên sự khảo sát kỹ lưỡng các điểm bất hợp lý của biểu giá điện cũ làm sao cải tiến được biểu giá điện sinh hoạt phù hợp với phần đông người sử dụng điện. Về mức giá, người dân chúng tôi không quan tâm giá điện mới được tính như thế nào, chỉ mong giá điện ở mức chấp nhận được như hiện nay là xấp xỉ khoảng 1.700 đồng/kWh và không nên tăng giá bán.