Đây là lần đầu tiên có một đề án kiểm soát đặc biệt về môi trường, tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn băn khoăn về cách thức kiểm soát như thế nào cho hiệu quả.
Kiểm soát để phòng ngừa rủi ro
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, sau sự cố môi trường biển miền Trung, Bộ TN&MT đã lập danh mục những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao tương tự như Formosa để đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đây là giải pháp để tránh bị động trong công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Một góc nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Qua rà soát, Bộ TN&MT đã dự kiến đưa 28 cơ sở công nghiệp vào kiểm soát đặc biệt, trong đó có các dự án: Formosa, Bauxite Tây Nguyên, khai thác quặng đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên)... Ngoại trừ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Formosa (Hà Tĩnh) đã phải chịu sự kiểm soát đặc biệt của Bộ TN&MT từ tháng 5/2017, các dự án còn lại là các dự án sẽ phải kiểm soát đặc biệt về môi trường kể từ năm 2018. Đại diện Bộ TN&MT cũng cho biết, chịu sự kiểm soát đặc biệt về môi trường nhưng không có nghĩa tất cả các dự án là có vấn đề về môi trường, hình thức kiểm soát đặc biệt còn đồng nghĩa với việc phòng ngừa rủi ro.
Theo dự thảo Đề án, đối tượng thuộc diện bị kiểm soát là các dự án, cơ sở sản xuất lớn thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công nghệ lạc hậu, lượng phát sinh chất thải lớn, vị trí đặt dự án nhạy cảm về môi trường. Cách thức kiểm soát là thông qua sự phối hợp của cơ quan quản lý môi trường và chủ dự án trong việc rà soát, đánh giá, xác định nguy cơ gây ô nhiễm và các yêu cầu cần thực hiện.
Danh mục 16 loại hình sản xuất công nghiệp thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt ở cấp Trung ương gồm: luyện gang, thép; nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất giấy, bột giấy; nhuộm (vải, sợi)...
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt được phân thành mức rất cao, cao và thấp dựa trên các tiêu chí về trình độ công nghệ sản xuất, mức độ đáp ứng yêu cầu của các công trình và biện pháp bảo vệ môi trường, năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, năng lực quản lý và giám sát môi trường và chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phải có tiêu chí đánh giá tách bạch, rõ ràng
Các chuyên gia môi trường nhận định, đây là việc cần thiết vì thời gian qua chúng ta trải thảm đỏ thu hút đầu tư mà chưa quan tâm đến vấn đề môi trường. Việc kiểm soát đặc biệt sẽ đánh giá cả quá trình và có biện pháp khắc phục sớm khi nảy sinh sự cố.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng Nguyễn Ngọc Lý cho biết, đề án có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Ngọc Lý, cách thức kiểm soát dựa trên các tiêu chí, thang điểm chưa thỏa đáng.
Bà Lý cho biết, nếu ví ô nhiễm môi trường như một bó đũa thì ta phải tách ra từng chiếc mới bẻ gãy được. Trước tiên, phải giải quyết được 3 chiếc đũa lớn là ô nhiễm nước thải, khí thải và rác thải rắn công nghiệp. Như vậy mới giải quyết gốc rễ của vấn đề, còn nếu thực hiện như thời gian qua có nghĩa chúng ta vẫn theo hướng tiếp cận cả “bó đũa” và khó đạt kết quả mong muốn.
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, không chỉ người dân, mà bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng rất lo lắng về việc liệu có thể xảy ra những sự cố môi trường quy mô lớn nữa hay không vì ô nhiễm môi trường cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI năm 2016, có đến 67,6% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường, trong đó có 22,9% cho rằng bị ảnh hưởng ở mức rất nhiều hoặc khá nhiều. Trong năm 2016, tỷ lệ này đặc biệt cao ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - là những nơi chịu ảnh hưởng bởi sự cố Formosa.
Ông Tuấn cho hay, việc Đề án kiểm soát đặc biệt xác định 28 dự án này dựa trên cách chấm điểm nguy cơ rủi ro môi trường là khá khoa học và khách quan, tránh tình trạng quản lý theo kiểu “nhắm mắt bốc thuốc” như trước đây. Tuy nhiên, vẫn có thể làm tốt hơn nếu các tiêu chí đầu vào được sử dụng để chấm điểm mở rộng hơn, bao gồm cả yếu tố lịch sử tuân thủ pháp luật của các bên có liên quan đối với các dự án. Điều này không chỉ giúp xác định nguy cơ tốt hơn mà còn tạo động lực để các doanh nghiệp có ý thức tuân thủ pháp luật môi trường hơn, vì sẽ tránh cho họ phải rơi vào trường hợp bị kiểm soát đặc biệt.
Cũng theo ông Tuấn, về cách thức kiểm soát, hiện tại Đề án vẫn chưa được thể hiện rõ, đọc đề án, doanh nghiệp không rõ được rằng mình sẽ phải áp dụng những biện pháp kiểm soát nào, có tốn kém chi phí không, có phải dừng sản xuất kinh doanh hay có gây khó khăn nào không?
Về biện pháp kiểm soát, Đề án cũng nên nêu sơ lược một số biện pháp có thể sẽ được áp dụng và những nguyên tắc chung khi áp dụng những biện pháp đó. Ví dụ, có thể bổ sung nguyên tắc rằng nếu chi phí để áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt sẽ do Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ. Hoặc cần có nguyên tắc rằng việc áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát phải không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
“Chúng ta cẩn trọng những vấn đề môi trường, nhưng cũng không được quên rằng việc can thiệp vào một dự án đã cấp phép như vậy có thể gây ra những chi phí rất lớn và có thể khiến dự án đó không còn kinh doanh hiệu quả. Giả sử như các biện pháp được áp dụng có chi phí lớn đến mức một dự án không thể tiếp tục hoạt động nữa thì hệ quả xã hội, môi trường có thể còn lớn hơn nhiều”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Danh sách 28 dự án dự kiến sẽ chịu sự kiểm soát môi trường đặc biệt: Dự án luyện thép Formosa (Hà Tĩnh) Dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát (giai đoạn III) Dự án Trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân (Bình Thuận) Dự án TTĐL Duyên Hải (Trà Vinh) Dự án TTĐL Thái Bình Dự án sản xuất và chế biến vonfram Núi Pháo (Thái Nguyên) Dự án khu mỏ tuyển đồng Sinh Quyền (Lào Cai) Dự án tổ hợp bauxit - nhôm Tân Rai và Nhân Cơ Dự án mỏ sắt Thạch Khê Dự án Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang) Dự án Nhà máy bột giấy VNT 19 (Quảng Ngãi) Dự án Nhà máy giấy An Hòa (Tuyên Quang) Dự án Nhà máy giấy Bãi Bằng Dự án Nhà máy hóa chất, phân bón DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng), DAP Lào Cai Dự án Nhà máy sản xuất phốt pho vàng Việt Nam (Lào Cai) Dự án Khu công nghiệp Tằng Loỏng (Lào Cai) Dự án Khu công nghiệp (KCN) Texhong, KCN Lai Vu, KCN Xuyên Á
Các dự án Khu liên hợp sản xuất lọc hóa dầu Bình Sơn, Long Sơn và Nghi Sơn Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (TP.HCM) và Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Hà Nội). |