Đặc điểm lợn mán
Kỹ thuật chăn nuôi lợn mán cũng giống như kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng, lợn rừng lai mán. Lợn mán là giống lợn cho năng suất kinh tế cao, nên đòi hỏi không chỉ kỹ thuật xây dựng chuồng trại mà quan trọng là phải chọn được những giống lợn khỏe mạnh, có chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng thích hợp để tạo nên những giống lợn chất lượng nhất.
Lợn mán cho hiệu quả kinh tế cao với 1kg thịt có giá bán từ 200 - 250.000 đồng/kg. Lợn có màu đen tuyền hoặc hơi vàng, khả năng sinh sản kém. Dễ bán, ít bị nhiễm bệnh. Nhưng để đạt hiệu quả cao nhất cần chú ý đến kỹ thuật chăn nuôi lợn mán tốt nhất.
Kỹ thuật chăn nuôi
Lựa chọn những giống lợn mán đạt tiêu chuẩn. Để có được những giống lợn mán chất lượng nhất, ngay từ khâu lựa chọn con giống ban đầu cần được kỹ lưỡng. Giống lợn đạt tiêu chuẩn là giống lợn có lông mịn, bóng mượt, khỏe mạnh. Chân lợn to, khỏe, đi lại nhanh nhẹn, mắt tinh.
Chuồng trại và môi trường sinh trưởng
Các yêu cầu về hướng chuồng nên chọn hướng nam cho mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp, nền chuồng cứng, chắc chắn làm bằng gạch là tốt nhất cho việc dọn dẹp vệ sinh, hệ thống thông gió, điều chỉnh nhiệt độ thích hợp cho sức khỏe của lợn mán mỗi mùa, ánh sáng, độ ẩm chuồng hợp lý đặc biệt không để nền chuồng ẩm ướt nhiều dễ sinh bệnh cho lợn, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi khép kín chính là những yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường sống của lợn mán. Có thể trồng thêm cây xanh tạo bóng mát tự nhiên cho lợn mán nhất là vào mùa hè và che chắn chuồng tránh gió rét vào mùa đông.
Cần đảm bảo các yếu tố này để hạn chế tối thiểu các tác động của môi trường, thời tiết thay đổi tới đàn lợn mán vì đặc điểm là lợn mán rất dễ bị những áp lực từ môi trường sống do khí hậu thay đổi khiến ảnh hưởng tới sự sinh trưởng tự nhiên. Vì vậy, quy cách chuồng nuôi lợn mán tiêu chuẩn rất quan trọng là cơ sở để các hộ chăn nuôi thực hiện và phấn đấu đảm bảo sự phát triển tốt cho lợn mán nhất.
Nuôi dưỡng
Thả lợn mán tự do tìm kiếm thức ăn từ các loại cây rừng, rau xanh. Để đảm bảo cho lợn phát triển tốt nhất, không bị lây nhiễm bệnh thì chuồng trại, khu vực chăn nuôi cùng các vật dụng chăn nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ. Đối với những giống lợn sau khi đẻ thì nên sử dụng vải mềm lau khô thân, tiến hành bấm bỏ nanh, cắt rốn, điều chỉnh cố định lại bầu vú cho lợn con. Đặc biệt, thời kỳ này cần bổ sung đầy đủ các nguồn chất dinh dưỡng để đảm bảo được lượng sữa cho heo con.
Lợn mán là giống lợn có nhu cầu ăn uống rất đơn giản, chủ yếu là chuối rừng, chuối nhà hoặc dây khoai, rau muống… Đa dạng các loại thức ăn như ăn sống hoặc nấu chín với các loại cám gạo, ngô, bột tôm hoặc bột đậu tương, cho ăn điều độ 3 bữa/ngày.
Có thể thả lợn quanh rừng hoặc vườn để chúng có thể tự tìm kiếm thêm lượng thức ăn như rễ cây rừng, các loại củ, quả, rau, lá… để tăng lượng nạc, hạn chế sự tích tụ mỡ, cho thịt lợn chắc, thơm ngon hơn.
Phòng và trị bệnh
Tiêm phòng là một phương pháp hiệu quả tạo nên "bức tường" bảo vệ lợn khỏi sự xâm hại của các dịch bệnh. Tiêm phòng đúng cách cho lợn cần đảm bảo đúng độ tuổi và đúng thời điểm. Không chỉ thế, do vắc xin chỉ có tác dụng trong một khoảng thời gian nên người chăn nuôi cần tiêm vắc xin định kỳ cho lợn.
Vệ sinh phòng bệnh
Chuồng trại là môi trường sinh sống của lợn. Đây cũng là nơi mà các mầm bệnh trú ẩn. Vậy nên bà con cần thường xuyên dọn dẹp, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh độc hại. Môi trường xung quanh chuồng trại cũng cần đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát. Bên cạnh đó bà con cũng cần thường xuyên vệ sinh máng ăn, máng uống.
Cho ăn phòng bệnh
Cung cấp chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp lợn mán có được sức đề kháng tốt để chống chọi tốt với các dịch bệnh. Thức ăn cung cấp cho lợn nhất định phải đảm bảo vệ sinh (không được ôi thiu, ẩm mốc,…) và đầy đủ dưỡng chất. Bà con cần cho lợn ăn thêm các chế phẩm vi sinh, men tiêu hóa để lợn có được hệ miễn dịch tốt nhất.
Kiểm soát khả năng gây bệnh
Mầm bệnh đôi khi đến từ vật nuôi lạ hay người lạ. Vậy nên, việc hạn chế vật nuôi hay người lạ vào khu vực nuôi lợn mán giống là cần thiết.
Khi nhập một lứa lợn mán mới về nuôi, bà con không nên để chúng nhập đàn ngay mà cần nuôi ở một khu riêng để kiểm tra xem chúng có mắc bệnh nào không. Sau đó khi chắc chắn không con nào mắc bệnh thì mới thực hiện việc nhập đàn.
Trước khi phối giống, lợn mán nái cần được tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh triệt để cho lợn con sau này.